Người miền Trung kiên cường trong bão lũ

10/12/2016 00:00

(TN&MT) - Trong một tháng, 3 đợt mưa lũ dồn dập đổ về miền Trung nhấn chìm làng mạc, nhà cửa, hoa màu của người dân nghèo. Sống chung với lũ nhiều, thế nhưng, chưa bao giờ họ khốn khổ để chống lũ như thế. Vượt qua mất mát, những ngày này, người dân miền Trung đang nỗ lực từng ngày để thoát khỏi khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Oằn mình chống lũ

Vài ngày sau trận lũ tràn qua Ân Nhân, xã Phước Thuận, thị trấn Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nước đã rút, những căn nhà liêu xiêu, những con đường ngập trong bùn đất, rác rưởi phủ đầy, những cánh đồng thẳng cánh cò bay trước đây đã xanh màu mạ non nay chỉ còn trơ lại đất cát lẫn sỏi đá. Tang thương khắp một vùng quê…

Mưa lũ dồn dập đổ về miền Trung nhấn chìm làng mạc, nhà cửa, hoa màu của người dân nghèo
Mưa lũ dồn dập đổ về miền Trung nhấn chìm làng mạc, nhà cửa, hoa màu của người dân nghèo

Vẫn chưa hết mệt mỏi rã rời vì dầm mình nhiều ngày trong lũ, chị Võ Thị Bích Dung, thôn Ân Nhân, xã Phước Thuận cố gượng dậy thu dọn nhà cửa từ đống đổ nát để ổn định cuộc sống. Rơi nước mắt bên ngôi nhà tan hoang vì lũ, chị Dung kể lại: “Tối 3/12, lũ ập vô, chảy rất xiết. Vợ chồng tôi vừa đưa người cha già 87 tuổi sang nhà hàng xóm cao hơn tá túc quay về thì nhà mình đổ ầm ầm. May ba đứa con trong nhà cũng chạy ra kịp nên không thương vong, nhưng đồ đạc, tài sản trong nhà bị ướt, hư hỏng hết”. Cùng phụ dọn với mẹ và bươi đống đổ nát để tìm lại sách vở, cháu Nguyễn Thị Kim Anh (SN 2005, con chị Dung) bật khóc: “Sách vở của cháu trôi hết rồi, mấy cuốn còn sót lại thì bị ướt mem trong bùn”.

Tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cũng bị thiệt hại nặng nề do hứng chịu 3 trận lũ liên tiếp. Ông Trương Đình Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: “Xã có 8 thôn thì hết 6 thôn đang bị lũ chia cắt, cô lập hoàn toàn. Chưa bao giờ, người dân phải chịu cảnh chống chọi 3 cơn lũ liên tiếp mà nước ngập tương tự nhau như vậy. Tài sản, nhà cửa, vườn tược, lúa giống của nông dân bị hư hỏng, nhiều đìa tôm bị lũ cuốn trôi. Địa phương rất lo sau lũ dân sẽ đói nặng, vì cứ hứng lũ mãi thế này, sức dân có khỏe đến đâu cũng kiệt quệ”.

Người dân miền Trung gồng mình cùng mưa gió để cứu hoa Tết
Người dân miền Trung gồng mình cùng mưa gió để cứu hoa Tết

Mưa lũ ở Quảng Ngãi cũng đã khiến cho gần 3.000ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm và hàng trăm nghìn chậu hoa cảnh Tết bị ngập, hư hỏng. Tại huyện Tư Nghĩa, chỉ riêng đợt lũ đầu tiên, kéo dài từ ngày 30/11 đến ngày 4/12 đã có trên 100.000 chậu hoa cúc bị thiệt hại. Suốt một tuần qua, nhiều đêm liền, địa phương cùng người dân phải thao thức, gồng mình cùng mưa gió để cứu hoa. Dù rất nỗ lực, nhưng sức mạnh của con nước đã khiến nhiều người ngậm ngùi nhìn những chậu hoa cúc sắp đơm hoa phải chìm trong nước. Hết lũ, người dân đưa hoa về lại nơi cũ, tiếp tục chăm sóc để vớt vát chút ít cho vụ Tết. Nhưng chỉ sau mấy ngày, mưa lại tiếp tục trút xuống, nước lên, những chậu hoa kịp “chạy lũ” đợt trước nay lại không thoát khỏi được sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Ông Tô Văn Lũy, thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ là một trong những hộ trồng hoa nổi tiếng ở cạnh dòng sông Vệ. Đợt lũ này, hơn 500 chậu cúc, hường của gia đình ông phải “bó tay” ngâm mình trong nước lũ. Với ông Lũy bây giờ cùng hàng trăm hộ trồng hoa khác không chỉ lo tìm cách chăm sóc để những chậu hoa trổ đúng dịp, mà còn canh cánh nỗi lo tiền bạc cho hai đưa con đang theo học ở Sài Gòn trở lại trường học sau Tết với một vụ hoa thất thu. “Bây giờ trời làm thì mình phải chịu thôi, chứ còn cách nào nữa đâu. Hai vợ chồng đành hy vọng vào số hoa còn lại rồi chạy vạy thêm để lo cho con vào trường ”- ông Lũy bùi ngùi chia sẻ.

Ươm lại mầm xanh

Thiên tai khắc nghiệt nhưng những người dân ở mảnh đất dư thừa bão, mưa này luôn nỗ lực vươn lên, cùng nhau vượt qua gian khó…

Tại tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền huy động người dân khắc phục sạt lở, thông các tuyến đường liên thôn, liên xã. Để có đường từ rẫy về nhà, già làng đã huy động hàng trăm người dân trong bản ra thu dọn đất, đá sạt lở và bảo đảm thông đường đi lại thuận lợi. Anh Đinh Xuân Sơn, xã Sơn Dung cho biết: “Sau những cơn mưa lớn trút xuống liên tục đã làm sạt lở núi gây tắc đường, bà con đã cùng nhau mang cuốc, xẻng ra thu dọn đất sạt lở nên giờ có đường về nhà”.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cũng khẩn trương dọn vệ sinh, sửa sang trường lớp để dạy học trở lại. Với phương châm nước rút tới đâu làm vệ sinh tới đó, nhiều trường học đã huy động các thầy cô giáo đến dọn trường, xử lý môi trường ngay sau khi nước lũ rút.

Ngay sau khi lũ rút, người dân tỉnh Bình Định đã bắt tay vào cải tạo ruộng đồng cũng như hệ thống kênh mương để khôi phục sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn Nguyễn Văn Út khẳng định: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền vẫn liên tục bám ruộng đồng cùng người dân để lên phương án giải quyết. Trước mắt, UBND xã Hoài Sơn đã nhận được sự hỗ trợ về lúa giống để phân bổ cho người dân tiến hành ủ giống và gieo sạ.

Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nông dân Bình Định bắt tay vào cải tạo ruộng đồng để sớm triển khai gieo sạ
Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nông dân Bình Định bắt tay vào cải tạo ruộng đồng để sớm triển khai gieo sạ

Chân ngập dưới đám bùn non, đôi tay liên tục xúc dọn những đám cát, sỏi trộn lẫn với đất ruộng, ông Nguyễn Thanh Hùng (xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) lạc quan chia sẻ: Thiên tai mà, có ai muốn đâu, dù sao cũng phải tiếp tục lao động để sống. Sau khi lũ rút hết, nhận được tin huyện Hoài Nhơn sẽ hỗ trợ 100% lúa giống, gia đình tôi bắt tay ngay vào cải tạo ruộng đồng để sớm triển khai gieo sạ cho kịp thời vụ.

Từ ngàn đời nay, cái mảnh đất “Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ - Không ai gieo cứ mọc trắng mặt người” luôn luôn gồng mình chống chọi lại sự khốc liệt của thiên nhiên. Dẫu có khó khăn, mất mát, đau thương nhưng người dân miền Trung không vì thế mà chùn bước. Mưa đã ngớt, lũ đã rút hẳn, cùng với chính quyền, người dân khắp nơi ở miền Trung đang nỗ lực ươm lại những “mầm xanh” trên quê hương mình.

Bài & ảnh: Lan Anh – Quỳnh Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người miền Trung kiên cường trong bão lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO