Người dân Kinh Môn "khốn khổ" vì than

08/12/2015 00:00

(TN&MT) -  Suốt thời gian qua, trên địa bàn một số xã, thị trấn huyện Kinh Môn (Hải Dương), việc vận chuyển, tập kết than gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường,...

 

(TN&MT) -  Suốt thời gian qua, trên địa bàn một số xã, thị trấn huyện Kinh Môn (Hải Dương), việc vận chuyển, tập kết than gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, đường sá xuống cấp nghiêm trọng…khiến người dân sở tại “lãnh đủ”.

Cuộc sống đảo lộn… vì than

Đứng trên cầu Phú Thái, huyện Kinh Môn, phóng tầm mắt chúng tôi thấy những bãi than đen ngòm nằm san sát ven sông Kinh Thầy, tàu thủy, xe tải tấp nập ra vào. Trong bãi là máy xúc, máy sàng than hoạt động như chạy đua với thời gian, bụi than cuốn lên mù mịt. Con đường dài khoảng 500m từ  Tỉnh lộ 388 vào các bãi than đen kịt bụi than trộn lẫn với cát. Đường gồ ghề, với những sống trâu, ổ voi bập bềnh cuốn theo cơn lốc bụi mù trời mỗi khi có xe tải hạng nặng chạy qua.

Bãi than dọc bờ sông Kinh Thầy
Bãi than dọc bờ sông Kinh Thầy

 Dọc sông Kinh Thầy, các đống than đa số không phủ bạt nên khi trời gió thì bụi than cuốn bay vào không khí, mưa nước rỉ ra sông. Trên con đường gần 1km từ chân cầu Hiệp Thượng tới một số bãi than ở thôn Trại Mới, xã Hiệp An: bụi than dày đặc trên mặt đường, phủ lớp đen sì trên cây ven đường. Những nhà gần đường gần đều trong tình trạng "cửa đóng then cài" để tránh mối họa phải hứng bụi than bay vào nhà. Đi trên con đường bị băm nát bởi xe cỡ lớn, không có nổi vài mét đường bằng phẳng chúng tôi mới thấu hiểu bức xúc, khổ ải của người dân nơi đây.

Các xe tải trọng lớn vào bãi chở than xã Hiệp An
Các xe tải trọng lớn vào bãi chở than xã Hiệp An

Chính vì vậy, nên 6 hộ dân (trong 10 hộ) đấu thầu đất phát triển kinh tế của thôn Trại Mới, xã Hiệp An gần bãi chứa than của xã Hiệp An, Hiệp Sơn, thị trấn Kinh Môn cực chẳng đã đã phải chọn giải pháp bán lại đất đai, cây cối hoa màu cho doanh nghiệp, di chuyển đi nơi khác làm ăn. Những hộ trụ lại đang “sống dở, chết dở” hàng ngày chống chọi với ảnh hường của việc vận chuyển, tập kết than.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Nguyễn Văn Xá ở thôn Trại Mới dẫn chúng tôi đi xem vườn cây bám đầy bụi than nên chậm phát triển, giảm năng suất. Khi trời mưa, nước than chảy lênh láng vào khu vườn trồng nhãn làm ô nhiễm đất, chảy xuống cả ao cá nên ông đã phải xây tường để ngăn không cho nước than chảy vào ao, vườn. Sang nhà anh Hoàng Văn Hậu ở gần đó, từ cổng vào đến sân rải đầy bụi than. Do nhà gần đường nên anh Hậu phải xây một trụ bê tông để đề phòng xe tải chở than đâm vào cổng. Dù đã phòng xa như vậy nhưng xe tải chở than đã một số lần húc đổ chiếc cổng này. Mỗi đêm ngủ gia đình anh lại nơm nớp, bởi tiếng xe chạy như nhấc bổng người ra khỏi giường.

Nhiều hộ dân thôn Trại Mới phải bán lại đất đấu thầu chuyển đi chỗ khác
Nhiều hộ dân thôn Trại Mới phải bán lại đất đấu thầu chuyển đi chỗ khác

Trước tình trạng ô nhiễm bụi than ngày càng nghiêm trọng, người dân  thôn Trại Mới đã phản ánh nhiều lần với chính quyền nhưng sự việc không được giải quyết.  “Tôi không thể bán lại cơ ngơi để đi chỗ khác, bởi đầu tư nhiều công sức, gây dựng vườn cây, trang trại nên đành ở lại nhưng luôn lo lắng ảnh hưởng sức khỏe của mọi người trong gia đình” – anh Nguyễn Văn Xá than thở.

Chính quyền cơ sở có biết?

Làm việc với ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hiệp An, phóng viên Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường không khỏi bất ngờ khi chính gia đình ông Chủ tịch xã cũng đã phải bán đi 2,5 mẫu đất đấu thầu thôn Trại Mới cho Công ty TNHH Sơn Thái. Công ty này chuyên cho cá nhân, đơn vị thuê lại đất làm nhà xưởng, bến bãi chứa than. Ông Cường thừa nhận việc kinh doanh than gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân và chính gia đình ông là một ví dụ, phải chấp nhận bán đất vì không thể phát triển được kinh tế.

Con đường thôn Trại Mới bị băm nát do xe chở than tải trọng lớn
Con đường thôn Trại Mới bị băm nát do xe chở than tải trọng lớn

Khi chúng tôi đề cập đến giải pháp của chính quyền cơ sở về ô nhiễm, xe quá tải phá đường từ việc kinh doanh than trên địa bàn, ông Cường cho biết, do mới nhận chức nên ông chưa chỉ đạo kiểm tra, kiến nghị lên cấp trên về vấn đề này. Cũng vì vậy nên ông Chủ tịch chưa rõ bãi than trên địa bàn xã có hợp pháp hay không.  Chỉ đến khi cán bộ địa chính xã đem ra Giấy chứng nhận kinh doanh của hộ ông Vũ Viết Hùng (chủ một bãi than trên đị bàn) với  nội dung: “Đầu tư xây dựng cơ sở gia công cơ khí và sản xuất gạch không nung” thì ông Cường mới được biết hộ kinh doanh này được phép kinh doanh ngành nghề gì trên địa bàn xã.

Ao gần đường thôn Trại Mới do nước than chảy xuống người dân bỏ không vì ô nhiễm
Ao gần đường thôn Trại Mới do nước than chảy xuống người dân bỏ không vì ô nhiễm

Còn ông Đặng Văn Đức, Chủ tịch UBND thị trấn Kinh Môn trả lời phóng viên: “Chính quyền ít kiểm tra cơ sở kinh doanh than trên địa bàn, cơ sở kinh doanh than có giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường hay không thì thị trấn không rõ”.

Vậy, đến khi nào chính quyền các địa phương trên  mới nắm rõ được các cơ sở kinh doanh trên địa bàn mình quản lý hoạt động có đúng quy định hay không; bao giờ những bức xúc của người dân mới được giải quyết ?

Bài & ảnh: Phạm Hoàng

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Kinh Môn "khốn khổ" vì than
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO