Người dân đổ xô đi cúng sao giải hạn là dấu hiệu của một xã hội bất thường

26/02/2018 16:10

(TN&MT) - Cứ thành thông lệ, mỗi dịp đầu xuân năm mới là người dân trên cả nước lại tấp nập sửa soạn lễ vật, lên chùa dâng sao giải hạn đầu năm. Mặc cho những...

(TN&MT) – Cứ thành thông lệ, mỗi dịp đầu xuân năm mới là người dân trên cả nước lại tấp nập sửa soạn lễ vật, lên chùa dâng sao giải hạn đầu năm. Mặc cho những lời khuyến cáo, phản đối từ dư luận xã hội, các ngôi chùa nổi tiếng những ngày này luôn đông nghịt người tới đăng ký cúng sao.
 
Dân ùn ùn đi cúng sao giải hạn
 
Tại chùa Phúc Khánh (đường Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) – ngôi chùa được cho là linh thiêng nhất trong việc cúng sao giải hạn ở Hà Nội – số lượng người đến đăng ký cúng sao không lúc nào ngớt. Được biết, ngày 15 và 18 tháng Giêng tới đây, chùa Phúc Khánh sẽ làm khóa lễ sao Thái Bạch và sao Kế Đô nên ai cũng muốn tranh thủ đến đăng ký trước kẻo giáp ngày đông quá không chen chân được. Tại khu vực sân chùa, ban tổ chức kê hẳn hai dãy bàn dài phục vụ nhu cầu người dân đến đăng ký, ghi tên tuổi.
 
Danh sách những người cúng sao sẽ được ghi ra một tờ giấy (mỗi địa chỉ ghi riêng một tờ - PV). Sau khi ghi xong, tín chủ sẽ mang vào đưa cho những sãi giúp việc nhà chùa và nộp 150.000 đồng/1 tín chủ. Những người muốn làm lễ cầu an cũng phải chịu mức phí như vậy. Ai muốn làm càng nhiều thì số tiền bỏ ra càng lớn. Tối mùng 8 tháng Giêng vừa qua, hàng nghìn người dân đã kéo tới đây làm khóa lễ sao La Hầu khiến cho chính quyền sở tại phải huy động 700 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ và phân luồng giao thông.
Dang sao gia han
Chùa Phúc Khánh lúc nào cũng nườm nượp người tới đăng ký cúng sao giải hạn đầu năm
Tại chùa Trấn Quốc, tình hình cũng tấp nập không kém. Mặc dù việc đăng ký cúng sao giải hạn không được thừa nhận chính thức như chùa Phúc Khánh nhưng tại đây, nhà chùa cũng làm lễ “đăng sao cầu bình an cho các gia đình”. Chính vì thế, việc đăng ký cúng sao ở chùa Trấn Quốc đăng ký theo hộ gia đình. Một gia đình phải bỏ ra chi phí khoảng 500.000 đồng sẽ được cúng giải hạn cả năm. Tuy nhiên, do số lượng người đăng ký đông nên nhà chùa chia ra các sao rồi đọc tên từng tín chủ bị sao đó chiếu.
 
Bên cạnh đó, việc cúng sao giải hạn còn được thực hiện ở rất nhiều cơ sở tôn giáo, tâm linh khác nhau trên cả nước. Điều này nói lên thực tế là dù nhiều năm qua, cả dư luận xã hội lên tiếng bài bác nhưng tâm lý cúng sao giải hạn đầu năm vẫn còn rất nặng nề trong quần chúng nhân dân.
 
Nhằm làm truy nguyên nguồn gốc của nghi lễ này giúp độc giả có cái nhìn khoa học và đầy đủ để ứng xử tốt hơn mỗi khi tết đến, xuân về, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội).
dang sao gia hạn chua Phuc Khanh
Đây là hình ảnh vào mỗi khóa lễ dâng sao tại chùa Phúc Khánh
Dấu hiệu của sự bất thường?
 
Thưa nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nhiều người cho rằng tục dâng sao giải hạn đầu năm bắt nguồn từ Phật giáo. Vì thế nhiều người lên chùa để thực hiện lễ này. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
 
Trong chín ngôi sao ứng với vận hạn của tuổi từng người thì có 2 sao La hầu và Kế đô là thuộc về tri thức chiêm tinh Ấn Độ cổ đại. Riêng 7 sao khác như Thái dương, Thái âm, Mộc đức … thì chiêm tinh đông tây đều có cả. Việc liên hệ cát hung ứng với tuổi từng người là những định kiến của tín ngưỡng, không có cơ sở khoa học thực sự. Khi định kiến trở thành tín ngưỡng thì việc tin hay không tin là tùy thuộc vào từng người, chúng ta tôn trọng niềm tin hay việc không tin của họ. Chắc chắn là cả thế giới này, việc cúng sao giải hạn không phải ai cũng làm.
 
Nếu nói vậy thì đây là một nghi thức tích hợp nhiều tôn giáo, thưa ông?
 
Nó là một tín ngưỡng tổng hợp của Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian. Nó tồn tại hàng nghìn năm thì có sự giao hòa khó phân xuất. Tín ngưỡng con người ta vừa là thế này vừa là thế khác. Còn không gian thực hành tín ngưỡng nhiều khi cũng không mạch lạc: Ở nhà hay ở chùa hay ở đạo quán, bản thân các không gian đó đã là những tích hợp tín ngưỡng rồi. Động vật còn không có khái niệm thuần chủng nữa là tín ngưỡng hay văn hóa. Phật giáo chứa đựng những giáo lí cao siêu đồng thời chứa đựng vô vàn những định kiến phi khoa học. Cho nên dù nó là của Phật giáo vẫn là những tín ngưỡng đầy định kiến mà thôi. Tin cũng được mà không tin cũng không sao.
nguyen hung vi
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ
Nếu lễ dâng sao giải hạn không thuần của Phật giáo mà người dân lại lên chùa làm lễ giải hạn ở đó thì chẳng phải là không đúng với ý nghĩa ban đầu của tục này nữa sao?
 
Bắt nguồn từ đâu không quan trọng một khi đã là định kiến phi khoa học. Cái lợi của nó chỉ thuộc về yếu tố tâm lí “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Nhưng ngược lại nhiều khi thờ vẫn không thiêng và kiêng vẫn chả lành. Người ta theo các định kiến như ngựa quen đường cũ thôi. Chính bởi vậy mà việc nhiều người bỏ nhiều tiền ra làm lễ cũng xuất phát từ tâm lý như tôi đã nói.
 
Dù được cảnh báo rất nhiều nhưng việc vung tiền ra làm lễ giải hạn năm nay cũng không giảm. Đây có phải là tâm lý sính lợi hay tâm lý a dua theo số đông hay không?
 
Bất cứ tôn giáo nào cũng có những hạt nhân nhân văn: kêu gọi sự kiệm ước, lòng hiếu sinh, tính từ thiện. Đồng thời, bất cứ tôn giáo nào cũng có kẻ buôn thần bán thánh. Việc gia tăng mê tín dị đoan gần đây là dấu hiệu của một xã hội bất thường trong sự phát triển, đảo lộn trong các bậc thang quan niệm về giá trị hạnh phúc, bất ổn trong tâm lí xã hội. Trên những cái đó, tình trạng buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan bùng nổ trong mọi đẳng cấp xã hội. Rất tiếc là ngay một số tổ chức xã hội của những người mang danh “học giả”, “trí thức”, “nhà khoa học”… cũng trục lợi, cầu danh từ những tín ngưỡng mê tín này. Dẫu biết rằng, mê tín cũng là “chất thơ của cuộc đời” nhưng chỉ dừng lại ở “chất thơ” thôi. Cứ sống cần cù, cố gắng, kiệm ước, từ thiện, thượng tôn pháp luật, tin vào khoa học… là tốt nhất.
 
Xin cảm ơn nhà nghiên cứu
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân đổ xô đi cúng sao giải hạn là dấu hiệu của một xã hội bất thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO