Người chế tạo tàu ngầm không người lái đầu tiên ở Việt Nam

11/03/2017 00:00

(TN&MT) - Hiện nay, công nghệ không cần một ai điều khiển đang ngày càng phát triển. Nó cũng là động lực để một người dân xứ Huế mạnh dạn chế tạo ra chiếc tàu ngầm mô hình không người lái đầu tiên tại Việt Nam.

Chiếc tàu ngầm mang tên Hoàng Sa của ông Ngà
Chiếc tàu ngầm mang tên Hoàng Sa của ông Ngà

Đó là ông Lê Ngà (52 tuổi, ở đường Thánh Gióng, phường Tây Lộc, thành phố Huế), hiện đang làm công nhân kỹ thuật của một công ty bia tại Cố đô.

Là một người đam mê khoa học công nghệ và sau gần 10 năm chơi máy bay mô hình, ông Ngà tận dụng những kiến thức đã có cùng các vật dụng tự chế để bắt tay vào việc chế tạo chiếc tàu ngầm để đời.

Mất công hình thành ý tưởng khoảng 1 năm, đến đầu năm 2013, ông lao vào tìm tòi và học hỏi các kỹ thuật, kiến thức về cơ khí, điện tử để chế tạo.

Tất cả các công đoạn đều tự ông làm từ thiết kế đến gò hàn, sơn tàu. Để làm thân tàu, ông tận dụng 2 bình gas công nghiệp rồi gò hàn theo ý. Phần máy và bộ điều khiển của tàu được lắp ráp từ loại máy điện và thiết bị của máy bay mô hình. Vì ít thời gian do làm việc nhà nước nên ông miệt mài mãi đến cuối năm 2014 mới có thành quả ưng ý.

Tàu ngầm Hoàng Sa trong một lần hạ thủy
Tàu ngầm Hoàng Sa trong một lần hạ thủy

Lúc đầu ông đặt tên cho tàu là Trường Tiến, sau đó ông đổi thành Hoàng Sa để gợi nhớ tình yêu biển đảo. Tàu dài 2,7 mét, cao 1 mét, đường kính thân tàu rộng 0,4 mét, nặng 120kg. Nó hoạt động thông qua một bộ điều khiển từ xa, có thể lặn sâu 10m. Động cơ tàu dùng pin, mỗi lần sạc có thể hoạt động 1 tiếng đồng hồ dưới nước.

Tàu hoạt động theo nguyên lý nước vào khoang chứa để lặn xuống và bơm nước ra để nổi lên. Khi tàu được đưa xuống nước, nước sẽ vào trong hai ngăn chứa nước khiến tàu chìm xuống. Lúc này, mô-tơ hoạt động phun nước ra ngoài để tàu nổi. Ngoài ra tàu còn được bảo hiểm thêm bộ phận cảnh báo rò rỉ nước có khả năng nổi lên khẩn cấp khi trục trặc.

Phần đuôi gồm có hệ thống chân vịt với tốc độ quay 10.000 vòng/phút (166 vòng/giây) và được bao bọc bởi bộ phận chống rong rêu bám vào. Hệ thống lái và cân bằng được chế tạo bằng 3 lá chắn tự động ở đuôi, cùng với tháp điều khiển. Để quan sát dưới nước, tàu được trang bị hệ thống đèn pin chiếu sáng và camera chống nước.

Ưu điểm và cũng chính là điểm khác biệt của tàu ngầm Hoàng Sa so với các tàu ngầm khác là có thể điều khiển tàu bằng thiết bị điều khiển từ xa và không cần người lái. Tàu ngầm này có thể dùng để tìm các vật liệu hay người bị nạn dưới đáy nước.

Tàu chạy tốt trên sông Hương (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tàu chạy tốt trên sông Hương (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khi làm xong tàu, ông đã mang đi thử nghiệm rất nhiều lần để xem nó có nổi và lặn được hay không. “Có một lần, tôi mang tàu ngầm ra thử nghiệm ở sông Hương. Không may nó lặn luôn xuống sông nên tìm mãi không ra. Tôi phải thuê thợ lặn cả ngày trời mới tìm ra”- ông Ngà vui vẻ nói. Những lần thử nghiệm tiếp theo, ông chỉ mang tới các bể bơi để chạy thử chứ không đem ra sông Hương vì sợ chìm. Sau này, khi tự tin thì ông mới mang ra sông cho tàu nổi, lặn.

Tuy nhiên, ông cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Ông Ngà cho biết muốn làm được tàu lặn thì ông phải tự học những nguyên lý hoạt động của điện và cơ khí. Ngoài công sức ra thì ông thường gặp khó khăn về kinh phí. Hai năm làm ông mất đến cả 100 triệu đồng. Dù số tiền không lớn đối với nhiều người nhưng với ông đó là gánh nặng.

Ông Ngà cũng nhận thấy chiếc tàu ngầm còn nhiếu thiếu sót, tàu hoạt động chưa ổn định, lặn chưa sâu (chỉ 10m), kích thước lớn nên di chuyển còn chậm... Để khắc phục những nhược điểm trên, ông Ngà tiết lộ đang hoàn thiện sơ đồ thiết kế cho một con tàu ngầm khác, hứa hẹn vào cuối năm 2017 này, ông sẽ cho ra đời chiếc tàu ngầm thế hệ mới hơn; ngoài phục vụ mục đích dân sự, có thể phục vụ cả quân sự. 

Ông Ngà (áo xanh) bên sản phẩm của mình (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Ngà (áo xanh) bên sản phẩm của mình (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ông Trần Minh Phong- Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Ông Ngà ngoài là một thành viên rất tích cực của CLB còn là một cố vấn đắc lực cho các bạn trẻ trong việc nghiên cứu chế tạo các sản phẩm khoa học. Chúng tôi vẫn thường mời ông Ngà mang chiếc tàu ngầm Hoàng Sa đến để trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm lớn”.

“Trong tương lai không xa, tôi sẽ nghiên cứu để chế tạo chiếc máy bay phản lực lên thẳng F35, đây là một loại máy bay hiện đại nhất thế giới”- ông Ngà bộc bạch.

Thế Anh – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người chế tạo tàu ngầm không người lái đầu tiên ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO