Ngư dân Thuận An vươn khơi, bám biển

30/08/2017 00:00

(TN&MT) - Cũng như các địa phương khác, cuộc sống ngư dân tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã thay đổi tích cực kể từ sau sự cố môi trường biển. Thời gian qua, nhờ nhận tiền điền bù đầy đủ, thích hợp cũng như được sự vận động của các cấp, ngư dân tỉnh này đã vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển.

Những hệ lụy về môi trường trước mắt và lâu dài vẫn còn đó, nhưng đối với những ngư dân ở đây, họ đã không chùn bước và không một ai muốn rời bỏ biển. Chúng tôi tìm về vùng biển thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) - một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề của sự cố môi trường biển vào những ngày cuối tháng 8 nắng rực trời, cảnh mua bán các mặt hàng thủy hải sản trở nên tấp nập ở các chợ. Cùng với đó là những nụ cười giòn giã của ngư dân khi trúng được những mẻ cá lớn và bán được  hàng tươi, ngon.

Vùng biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) lúc này nước xanh rờn, trời yên ả, lặng gió. Từ cảng cá Thuận An, ngư dân nhìn ra biển với ánh mắt vui mừng, hớn hở và đầy hi vọng.

Kể từ sau sự cố môi trường biển xảy ra giữa năm 2016 thì giờ đây, ngư dân tại biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) đã và đang vượt qua vô vàn khó khăn, tiếp tục ra khơi bám biển
Kể từ sau sự cố môi trường biển xảy ra giữa năm 2016 thì giờ đây, ngư dân tại biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) đã và đang vượt qua vô vàn khó khăn, tiếp tục ra khơi bám biển

Một thời gian dài để tàu cá nằm bờ, ngư dân Lê Văn (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) cho biết, mấy tháng nay đã đi biển trở lại và thu nhập rất đáng kể. Hiện anh đang rất bận rộn để đóng lại tàu thuyền, sửa soạn ngư lưới cụ, chuẩn bị tiếp tục ra khơi. Gặp chúng tôi, anh Văn hớn hở chào hỏi và cho hay: “Tuần trước tôi vừa trúng mẻ cá lớn nên vui lắm chú à...”.

Câu nói của anh khiến chúng tôi ấm lòng, bởi sự lạc quan đã hiển hiện rõ trong lòng ngư dân, dù trước đó họ đã từng không ít lần thốt lên những câu nói muốn dừng nghề vì quá bi quan.

Dù đang bận rộn với mẻ cá bắt được sau chuyến đi biển dài ngày, nhưng ông Huỳnh Văn Tuấn (trú thôn Xuân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) vẫn không ngần ngại tiếp đón và hào hứng chia sẻ: “Cá đưa vào bờ bán đã được giá, không lo ế như mấy tháng trước nữa. Biển bây chừ yên ả rồi, đâu vào đó thôi...”.

Những ngư dân tại biển Thuận An đều cho rằng, hầu hết ngư dân sau khi nhận được tiền đền bù đã sửa chữa tàu cá, nâng cấp ngư cụ, mua sắm lưới rê và thiết bị, cộng với chi phí xăng dầu để chuẩn bị cho các chuyến biển mới.

Chị Nguyễn Thị Hường (ngư dân ở biển Thuận An) cho biết, gia đình chị làm nghề đánh bắt tầng nổi nhiều năm bằng 2 chiếc tàu có công suất dưới 50CV. Sau khi nhận được tiền bồi thường, chị đầu tư toàn bộ cho việc tu sửa thuyền để nâng cao chất lượng đánh bắt. “Từ tháng 5 đến nay gia đình cũng đi vài chuyến và thu nhập đã ổn định trở lại. Cá vào lưới cũng ngày một nhiều hơn, giá cả hợp lý khiến chúng tôi có động lực hơn...”, chị Hường nói.

Hiện tại hoạt động khai thác hải sản trên biển ở vùng xa bờ tỉnh Thừa Thiên Huế đã ổn định và đang tăng dần về sản lượng
Hiện tại hoạt động khai thác hải sản trên biển ở vùng xa bờ tỉnh Thừa Thiên Huế đã ổn định và đang tăng dần về sản lượng

Sự cố môi trường biển xảy ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân đánh bắt trên biển, mà còn ảnh hưởng đến những hộ sản xuất nước mắm truyền thống tại đây. Nhưng đến nay, các hộ sản xuất nước mắm đã bắt tay vào sản xuất, khôi phục lại làng nghề.

Bà Trần Thị Thúy (huyện Phú Vang) làm nghề chế biến nước mắm đã tranh thủ tiền đền bù để mua sắm thêm lu, vại và nhiều dụng cụ chế biến nước mắm để tăng năng xuất sản xuất nước mắm trong năm 2017.

Trong khi đó, du lịch biển Thừa Thiên Huế đang dần hồi phục với nhiều tín hiệu vui. Trong những tháng hè qua, tại các bãi biển Phú Thuận, Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương...thu hút được rất đông người dân, du khách đến nghỉ mát và vui chơi. Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn ở đây cũng đã tiến hành buôn bán trở lại, có nhiều nhà hàng chật kín chỗ ngồi. Món ăn được nhiều người chọn dùng là những món hải sản biển như cá, mực, tôm, trìa... Dù trước đó, chúng tôi đã đến các vùng biển và thấy hầu hết các nhà hàng đóng cửa, rất đìu hiu vì không có khách.

Anh Đỗ Tuấn, chủ một nhà hàng tại bãi biển Thuận An cho biết, từ khi mở cửa trở lại, nhà hàng của anh đã có rất nhiều người dân và khách du lịch tìm đến để thưởng thức hải sản.“Những ngày qua chúng tôi đã được tiếp đón rất nhiều thực khách, là một quán nhỏ nhưng mỗi ngày cũng có gần 300 khách đến để ăn hải sản, họ chủ yếu sử dụng cua, ghẹ và một số loại cá...”- anh Tuấn phấn khởi chia sẻ.

Vùng biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) lúc này nước xanh rờn, trời yên ả, lặng gió
Vùng biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) lúc này nước xanh rờn, trời yên ả, lặng gió

Hiện tại, hoạt động khai thác hải sản trên biển ở vùng xa bờ tỉnh Thừa Thiên Huế đã ổn định và đang tăng dần về sản lượng, với tổng sản lượng khai thác hải sản 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 17 nghìn tấn, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ngành liên quan và các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng, tiếp tục hướng dẫn người dân sử dụng tiền bồi thường đúng mục đích để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau sự cố môi trường biển. Trong đó, tập trung vào chuyển đổi nghề, phát triển nghề biển, nhất là dành nguồn kinh phí bồi thường để cải tạo vùng nuôi trồng thủy sản và mua con giống (tôm, cua, cá), tiếp tục nuôi trồng trên đầm phá nhằm ổn định sinh kế bền vững.

Có thể thấy, kể từ sau sự cố môi trường biển xảy ra giữa năm 2016 thì giờ đây, ngư dân tại biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) đã và đang vượt qua vô vàn khó khăn, tiếp tục ra khơi bám biển. Hi vọng một cuộc sống mới tươi sáng hơn sẽ đồng hành cùng ngư dân, với đầy đủ công việc, thu nhập và ấm no cho mọi nhà.

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngư dân Thuận An vươn khơi, bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO