Ngư dân Nghệ An bám biển, vươn khơi

20/02/2016 00:00

(TN&MT) - Vươn khơi bám biển không chỉ để mưu sinh mà còn là ước nguyện từ nhiều đời nay đối với ngư dân để mùa về tôm cá đầy khoang. Và, ước nguyện ấy như được tiếp thêm sức mạnh vươn khơi, bám biển khi hạ thuỷ những chiếc tàu to, công suất lớn trong thời gian qua. Bằng nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân, nhất là nguồn vay vốn tín dụng ưu đãi đã tạo “đòn bẩy” để tăng công suất, năng lực đánh bắt thuỷ hải sản trên biển trong thời gian tới.

Từ bao đời nay, với ngư dân sinh sống bằng nghề chài lưới thì tàu thuyền của họ được xem như nhà và biển cả là quê hương của mình. Chính vì vậy, với họ, biển cả cũng là nơi chở che, nuôi lớn bao kiếp người. Còn tàu thuyền vừa là nhà, vừa là người bạn truyền kiếp để cưỡi sóng, cưỡi gió ra khơi. Cũng chẳng biết từ bao giờ, cái địa tầng trầm tích văn hoá vùng biển đã tạo nên cho họ một nét đặc trưng riêng mà không thể lẫn lộn vào vùng miền nào khác được.

Với 82km đường biển kéo dài từ xã Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai) cho tới thị xã Cửa Lò, từ hàng trăm năm nay, biển Nghệ An cũng đã tạo nên nét đặc trưng riêng biệt. Và, chính những lớp ngư dân tham gia bám biển cũng từng chứng kiến nhiều câu chuyện huyền bí, nhân văn khi gắn bó cả đời mình với tàu thuyền, biển cả. Với họ, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử thì chính những người con sinh ra từ biển vẫn trở về gắn bó với tàu thuyền. Từ những lớp ngư dân tạm gác mái chèo, con thuyền để cầm súng lên đường ra mặt trận cho tới khi đất nước yên bình, họ lại trở về với biển cả quê hương.

Ngư dân phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) làm lễ cầu ngư đầu mong ước một năm “thuận buồm xuôi gió”
Ngư dân phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) làm lễ cầu ngư đầu mong ước một năm “thuận buồm xuôi gió”

“Những năm 1964 – 1965, khi đế quốc Mỹ gây hấn, leo thang đánh phá miền Bắc thì cũng là lúc vùng biển Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam bị lấn chiếm, gây xáo trộn tình hình. Lúc đó, tôi cũng có mặt trên chiếc tàu tuần tiễn của Hải quân Việt Nam tham gia bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Suốt những năm tháng ấy, bằng quyết tâm, tinh thần quyết liệt chống lại sự xâm lấn vùng biển, bầu trời mà máy bay, tàu chiến Mỹ gây ra, chúng tôi đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Ngày đất nước hết chiến tranh, khi trở về quê, tôi vẫn cùng con cháu tham gia bám biển, đánh bắt thuỷ hải sản” – Lão ngư Nguyễn Trọng Phúc năm nay đã ngoài 70 tuổi trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai tâm sự. Cũng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, dọc dài theo vùng biển Nghệ An đã có hàng trăm người con của những gia đình ngư dân cống hiến máu xương cho Tổ quốc. Truyền thống vươn khơi bám biển, mỗi tàu thuyền tạo thành “cột mốc sống” chủ quyền biển, đảo quê hương luôn được gìn giữ.

Cho đến hôm nay, dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, sau khi trở về đón Tết Nguyên đán của dân tộc, những ngư dân vùng biển lại rộn ràng chuẩn bị lễ cầu ngư, nguyện ước một mùa đánh bắt hải sản đầu năm được “sóng yên biển lặng”.

Đã thành tục lệ truyền thống, hàng năm vào dịp đầu Xuân năm mới, sau khi đón Tết Nguyên đán, ngư dân vùng biển lại rộn ràng chuẩn bị cho lễ cầu ngư. Đây cũng là nét đẹp được lưu giữ từ nhiều đời nay với ước nguyện một năm vươn khơi, bám biển “thuận buồm xuôi gió” cho một năm mùa về tôm cá đầy khoang. Ngay tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, cứ đến dịp lễ hội đền Cờn vào dịp 20, 21 tháng Giêng hàng năm, lễ cầu ngư của bà con lại diễn ra trong không khí thành kính, trang nghiêm. Cùng với hàng loạt hoạt động văn hoá tâm linh như tục lễ kiệu rước thánh, các vị anh minh có công độ trì cho ngư dân bao đời qua bám biển, vươn khơi cho cá tôm đầy khoang đã được chuẩn bị rất chu đáo.

Theo các lão ngư trong vùng cho biết, Chủ tế trong lễ cầu ngư là người đứng đầu địa phương. Với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, sóng yên, biển lặng nên ai cũng đến với buổi lễ. Sau buổi lễ cầu ngư, từng đoàn thuyền nổ máy rền vang nơi cửa biển lạch Cờn như báo hiệu một mùa vụ đánh bắt thủy hải sản chuẩn bị bắt đầu.

Sau lễ cầu ngư, hội đua thuyền được diễn ra ngay trước cửa đền Cờn linh thiêng, cổ kính. Đây cũng là tục lễ truyền thống của ngư dân vùng biển Nghệ An như các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò trong những năm qua. Thông qua lễ cầu ngư, họ luôn ước nguyện một năm ra khơi với sự chở che của biển ca, tàu thuyền của mình sẽ được mùa cá, mùa tôm…

 

Ngư dân xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc (Nghệ An)  mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép công suất lớn vươn khơi, bám biển
Ngư dân xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép công suất lớn vươn khơi, bám biển

Và, cái ước nguyện ấy như được tiếp thêm sức mạnh vươn khơi, bám biển khi hạ thuỷ những chiếc tàu to, công suất lớn trong thời gian qua. Bằng nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân, nhất là khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ được ban hành. Chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn tín dụng ưu đãi đã tạo “đòn bẩy” để tăng công suất, năng lực đánh bắt thuỷ hải sản trên biển trong thời gian tới.

Theo thống kê, tính đến thời điểm 31/12/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt cho 100 chủ tàu được tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, hệ thống các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động giúp ngư dân tiếp cận 100 tàu công suất lớn được vay vốn. Tổng số vốn giúp ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 cũng đã giải ngân đạt 89 tỷ đồng trong tổng số 163 tỷ đồng cam kết cho vay. Hệ thống các ngân hàng thương mai như BIDV, Agribank, Viettinbank…cũng đang đẩy mạnh quá trình thẩm định, xác minh chủ tàu đạt tiêu chuẩn để giải ngân trong thời gian tới.

Như vậy, cùng với hàng loạt các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động vươn khơi, bám biển của ngư dân, hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay đang được uỷ thác để giải ngân nguồn vốn cho vay. Tuy nhiên, để thực sự trở thành “bà đỡ” của ngư dân một cách kịp thời, hiệu quả thì việc thẩm định, xác minh điều kiện cho vay của ngư dân cần thực hiện đồng bộ hơn nữa.

Bài & ảnh: Đ. Tiệp – N. Trần

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngư dân Nghệ An bám biển, vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO