Ngọt ngào... vị phở quê nhà

05/02/2019 01:37

(TN&MT) - 19 năm đắm đuối với phở. Hình thành nên chuỗi hàng phở Ngọc Vượng, trụ hạng được ở đất Thủ đô nhưng có lẽ Vượng chưa bao giờ nghĩ tới có ngày chính tay Vượng nấu hàng nghìn bát phở ở các điểm đảo trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vượng là nghệ nhân đầu tiên nấu phở phục vụ các chiến sỹ tại các điểm đảo và nhà giàn ở Trường Sa. Cho đến một ngày…

C c c n b , chi n s th ng th cs ph V ng ngo i kh i xa


Ý tưởng thú vị, thậm chí “điên rồ” này là sáng kiến của nhà báo Hồng Kỳ công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, từng có nhiều chuyến công tác ra Trường Sa. Khi nghe gợi ý, Vượng còn không dám tin. Vượng tự nhủ: Một người làm tư nhân như Vượng, cả đời không dám mơ lại có ngày được đặt đôi chân lên vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Rồi nhờ phở, giấc mơ của Vượng thành hiện thực. Với tâm huyết mang hương vị phở ngọt ngào, tươi ngon nhất ở Hà Nội đến với bạt ngàn sóng gió khơi xa, Vượng mất cả tháng trời hì hụi, dày công chuẩn bị nguyên liệu.

V Ng c V ng chu n b nguy n li u n u ph tr c khi l n o


Hành trình ra Trường Sa kéo dài đến 10 ngày. Nghệ nhân Ngọc Vượng phải chuẩn bị nước cốt phở sẵn từ ở nhà, sau đó, cấp đông nước cốt phở, bánh phở, cùng thịt bò (cả tái và chín), rau hành… đưa lên tàu. Đến mỗi điểm đảo, Vượng dậy từ sớm lo rã đông các nguyên liệu, sau đó cùng các chiến sỹ hải quân chất lên chuyến xuồng đầu tiên. Vào đảo, trong khi mọi người gặp gỡ lính đảo, hàn huyên, chụp ảnh, hát hò, tặng quà, Vượng và anh bạn nhà báo người nổi lửa, chế biến nước cốt thành nước dùng, thái thịt, thái hành, rửa rau thơm, chần bánh... Mồ hôi túa ra đầm đìa, nhưng ánh mắt rạng ngời thân thương.

Phở là món ăn làm bằng nguyên liệu tươi, chỉ riêng việc giữ được bánh phở không hỏng đã là cả vấn đề.

Sau nhiều ngày pha chế, Vượng đã tìm ra cách để giữ bánh phở tươi lâu hơn. Nước dùng phở được ninh tại đất liền, cùng thịt tươi đưa vào cấp đông. Rau thơm được gói ghém cẩn thận. Tất cả theo tàu chuyển ra đảo nhanh nhất có thể. Thời gian nấu phở cũng rất đặc biệt. Lên đảo lớn cả đoàn có gần nửa ngày chuẩn bị, nhưng tới đảo nhỏ, chỉ có hai tiếng để nấu rồi “rút quân”.

Thời gian dừng chân mỗi đảo không nhiều, chỉ vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nhưng có lẽ tình yêu Trường Sa, tình yêu biển đảo và tâm huyết mang yêu thương từ đất liền đến các chiến sỹ ngày đêm giữ đảo khiến Vượng chẳng nề hà. Ấy là chưa kể những ngày gió nổi, sóng cồn, biển ồn ào, dữ dội, chuyện mang nguyên liệu tươi ngon, dụng cụ nấu phở vào đảo hay lên nhà giàn khó khăn tưởng chùn bước… Nhưng rồi, bằng cách này cách khác, những bát phở tươi ngon, bổ dưỡng giữa sóng gió trùng khơi thổi bùng lên tình yêu quê nhà trong lòng mỗi cán bộ chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió.

Đó là câu chuyện lần đầu mang phở ra Trường Sa của Vượng từ tháng 5/2013. Năm đó, nghệ nhân Ngọc Vượng đã theo đoàn công tác số 12 của Hải quân mang 1.000 suất phở Hà Nội tới lính đảo ở Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa lớn.

Năm 2017, hành trình lần 2 đưa phở ra Trường Sa của Ngọc Vượng và nhà báo Hồng Kỳ cũng chẳng nhẹ nhàng chút nào. Họ vẫn không giấu nổi sự hồi hộp, lo lắng. Dù vậy, lần này Vượng quyết định mang 2.000 bát phở đến với cán bộ, chiến sĩ và ngư dân tại các điểm đảo Đá Lát, Trường Sa lớn, Đá Tây, Thuyền Chài, Phan Vinh, An Bang, Tốc Tan A, nhà giàn DK1/2. Có những ngày trong hành trình, đoàn lên hai đảo. Họ lại phải chuẩn bị kỹ hơn, lo phân chia sức để kham cả hai đảo. Những ngày ấy, vất vả với họ tăng gấp đôi.

Phở của Vượng được các cán bộ, chiến sỹ hải quân cũng như những cư dân đón nhận nồng nhiệt. Nhiều cậu lính trẻ lần đầu tiên biết đến vị phở Hà Nội và không ngờ lại ngon đến thế. Có người lính trẻ xuýt xoa, rụt rè đề nghị có thể ăn thêm bát nữa… Có bạn trẻ rưng rưng cảm động vì ngỡ như bát phở mẹ nấu khi ở nhà.

Giữa trùng khơi, cách đất liền vài trăm hải lý, gần 2.000 suất phở đã được nấu trong 10 ngày lênh đênh trên biển, tất cả đều ngon và hợp vệ sinh. Vẫn nghe câu hát “không xa đâu Trường Sa ơi”, và Vượng đã biến điều đó thành hiện thực qua mỗi bát phở quê nhà…

Vũ Ngọc Vượng sinh ra ở Nam Định, trong một gia đình có ba đời làm nghề phở. Họ nội của anh ở làng Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định) nổi tiếng với phở Cồ. Họ ngoại của anh ở làng Tây Lạc (xã Đồng Sơn) nổi tiếng với phở Vui, phở Bắc Hải, phở Chất. Cha của anh là ông Vũ Văn Đê từng bán phở ở Nam Định. Năm 1991, anh chuyển cả gia đình lên Hà Nội sản xuất bánh phở và lao động miệt mài cho đến tận bây giờ. Vượng cho biết, cuộc sống của anh chỉ xoay quanh phở, đi đâu anh cũng va vào... phở.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọt ngào... vị phở quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO