Ngoại thành căng mình chống úng

23/07/2018 11:17

“Tuyệt đối không để người dân vùng úng ngập bị đói, khát, tai nạn về nước, về điện… Nước rút tới đâu, phải xử lý ô nhiễm môi trường tới đó, không để phát sinh dịch bệnh…” - là chỉ đạo của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại buổi kiểm tra công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa úng trên địa bàn huyện Chương Mỹ trong ngày 22/7. Trong khi đó, tình hình úng ngập tại nhiều địa phương vẫn chưa giảm.

ngap 3(1)
Nhiều hộ dân ở khu đô thị Geleximco tát nước chống ngập ngày 22/7

Thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp

Mặc dù không xảy ra mưa lớn, nhiều tuyến đường ngập trong ngày 21/7 ở ngoại thành nước đã rút, nhưng đến hôm qua 22/7, cả 2 tuyến đường huyết mạch về xã Đông Yên, huyện Quốc Oai vẫn ngập sâu. Chủ tịch UBND xã Đông Yên Tạ Đình Quý cho hay, đêm 21/7, cả xã không ngủ do mực nước dâng nhanh khiến 500m đê sông Tích bị tràn nước và hơn 100m đê bị sạt trượt. Xã đã huy động nhân dân gia cố tạm thời điểm sạt trượt. Ngoài ra, xã cũng đã huy động hơn 500 người, trong đó nòng cốt là lực lượng thanh niên để hỗ trợ 20 hộ dân bị ngập nặng thuộc 4 thôn: Đông Hạ, Đông Thượng, Việt Yên, Việt Thái sơ tán về nơi an toàn. Các đồ dùng có giá trị; trâu, bò, lợn, gà... được sơ tán ngay khi nước tràn đê. Tuy nhiên, hơn 130ha lúa mùa vừa cấy của xã chắc chắn sẽ không cứu được, bởi hiện nay bốn bề đồng ruộng vẫn mênh mông nước. 

Ông Bùi Văn Huấn, người dân thôn Yên Thái, xã Đông Yên chia sẻ: Toàn bộ trang trại của gia đình bị chìm sâu trong nước. Rất may gia đình ông được người dân và chính quyền địa phương giúp đỡ nên trong đêm 21/7 đã chuyển được một khu chuồng trại 1.000 con lợn đến nơi an toàn, còn 1 trang trại quy mô 1.000 lợn thương phẩm không kịp chuyển trong đêm, nhưng may mắn nước rút nên thiệt hại không đáng kể. 

Huyện Thạch Thất cũng là một trong những địa phương bị ngập nặng. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, toàn huyện có gần 1.000ha lúa mùa bị ngập nặng và nhiều diện tích hoa màu ở các xã: Dị Nậu, Kim Quan, Đồng Trúc đã bị dập nát; 18,5ha diện tích nuôi trồng thủy sản có nguy cơ mất trắng. Mặc dù hiện nay trên địa bàn không xảy ra mưa lớn nhưng nước rút rất chậm. Tại các xã ven sông Tích, trong 2 ngày cuối tuần, nhân dân vẫn phải kê kích tài sản, hàng hóa, di chuyển gia súc, gia cầm đến các vị trí an toàn. Trong khi đó, nguy cơ sạt lở ở các xã miền núi rất cao...

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, ứng phó với mưa úng, trong ngày 21 và 22/7, huyện đã huy động 3.638 người, 63 phương tiện các loại để đắp đê, hỗ trợ nhân dân di chuyển người và tài sản từ vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do mưa lớn, kết hợp ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về nên mực nước sông Tích, sông Bùi lên nhanh, vượt báo động III, gây thiệt hại nặng cho nhân dân trong vùng. Tính đến ngày 22/7, mưa lớn đã làm 1.286 ngôi nhà, 2.079ha lúa, hoa màu, 268ha nuôi trồng thủy sản, 47ha cây ăn quả trên địa bàn bị ngập nước. Mưa lớn cũng làm nhiều nhà hư hại, mái đê, hồ, đập bị sạt lở…

Tập trung khắc phục hậu quả

Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ tối 21 đến ngày 22/7, trên địa bàn thành phố và tỉnh Hòa Bình không xảy ra mưa lớn trên diện rộng nên mực nước các sông không tăng nhiều. Trong ngày 22/7, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành 300 trạm với 1.178 máy bơm tiêu úng cứu lúa, giảm úng ngập các khu dân cư. Dự báo thời gian tới, trên địa bàn thành phố tiếp tục xảy ra mưa lớn, vì vậy, các doanh nghiệp thủy lợi cần tiếp tục huy động toàn bộ trạm bơm tiêu úng; các địa phương bị úng ngập khẩn trương thống kê, đánh giá thiệt hại; phối hợp với các ngành hỗ trợ, bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân; đồng thời, triển khai ngay phương án khôi phục sản xuất…

Để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, tuyệt đối không để người dân vùng úng ngập bị đói, bị khát, bị tai nạn về nước, về điện, bị ốm đau vì dịch bệnh… 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng yêu cầu ngành Y tế đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch bệnh cho các địa phương trong mùa mưa bão, nhất là địa phương vùng mới xảy ra úng ngập. Ngành Điện lực cần đặc biệt quan tâm kiểm soát, bảo đảm an toàn về điện, không để xảy ra tai nạn... Ngành Nông nghiệp thành phố phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hỗ trợ, triển khai ngay phương án phục hồi sản xuất...

Nhận định thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai sát với thực tế của địa phương; trong đó, đặc biệt chú ý xây dựng lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai tại cơ sở; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều, hồ đập ngay từ giờ đầu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoại thành căng mình chống úng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO