Nghịch lý túi ni lông thân thiện

10/10/2018 16:34

(TN&MT) - Ô nhiễm môi trường từ túi ni lông không phải chuyện bây giờ mới biết nhưng người tiêu dùng vẫn “vô tư” sử dụng, trong khi đó, từ nhiều năm nay, các cơ quan quản lý đã tốn không ít tiền của cho các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi thay đổi thói quen sử dụng đối với các sản phẩm thân thiện môi trường.

Anh 1 tui nilong
Ở môi trường tự nhiên một túi ni lông phải mất 200 - 500 năm mới phân hủy

Tác hại của túi nilon sau khi sử dụng trong đời sống là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” với người tiêu dùng, nhưng vẫn là sản phẩm được ưa chuộng và khó có thể mau chóng bị thay thế. Ước tính, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra mỗi ngày tại Việt Nam, bất chấp nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Đáng chú ý là lượng túi ni lông này tăng theo từng năm, mặc dù, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ năm 2012. Theo Luật này, mỗi kg túi ni lông khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế. Thông thường, loại túi ni lông khó phân hủy được bán với giá 30.000 đồng/kg, nếu tính cả tiền thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng, giá túi ni lông hiện nay phải trên 70.000 đồng/kg.

Tuy vậy, giá túi ni lông này được bán ở các chợ vẫn phổ biến trên dưới 30.000 đồng/kg vì nhiều doanh nghiệp sản xuất loại hàng này không đóng thuế bảo vệ môi trường. Đây là sự không sòng phẳng trên thị trường túi ni lông hiện nay và và cơ quan thuế làm chưa nghiêm chuyện thu thuế bảo vệ môi trường. Nghịch lý này đã dẫn đến việc các tiểu thương, người dân không mặn mà với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường theo vận động của nhà nước trong thời gian qua. Họ vẫn chọn loại túi ni lông khó phân hủy được bán với giá rẻ hơn và vốn quen thuộc từ lâu nay.

Anh 2 Tui nilong
Túi thân thiện với môi trường vẫn chưa được nhiều người đón nhận

Không cải thiện được thói quen tiêu dùng, mọi gánh nặng về việc sử dụng túi ni lông quá mức đang đổ dồn lên hoạt động thu gom và xử lý chất thải. Đơn cử như tại TP. Hà Nội, mỗi ngày, thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó, chiếm 7-8% là túi ni lông, còn TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra khoảng 7.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm khoảng 10%/tổng lượng rác thải. Điều này khiến giải pháp xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp gặp nhiều khó khăn, bởi vì thời gian phân hủy rác lâu, chi phí xử lý tốn kém. Quan trọng hơn là khả năng tái sử dụng lại bãi chôn lấp bị kéo dài trong khi thành phố đang rất thiếu quỹ đất dành cho xử lý chất thải.

Mặt khác, nếu xử lý túi ni lông bằng phương pháp đốt cũng không ổn vì túi ni lông chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonnic, mê tan và khí dioxin cực độc.

Những năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cộng đồng cũng đã quan tâm tới vấn đề chất thải túi ni lông với nhiều sáng kiến được đưa ra áp dụng như: các chiến dịch truyền thông “nói không với túi nilông”, “ngày không túi nilông”…. Tuy vậy, các hoạt động này mới dừng lại ở việc “thí điểm”, hết mỗi đợt phát động, người tiêu dùng lại “ngựa quen đường cũ” với túi ni lông thông thường.

Một số siêu thị lớn đã đưa vào sử dụng túi thân thiện với môi trường song, các loại túi này khách hàng đều phải mua để đựng đồ thay vì được miễn phí nên lượng tiêu thụ khá thấp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã có thói quen không mang túi khi đi siêu thị, đi chợ mua sắm nên túi này sau khi mua về không được tái sử dụng, rất lãng phí. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là giá thành loại túi này cao.

Các chuyên gia cho rằng, để đẩy lùi việc sử dụng túi ni lông tràn lan như hiện nay, đòi hỏi phải có một chiến lược, chính sách hợp lý. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức mọi người trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông bằng cách tái sử dụng nhiều lần túi ni lông. Khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, giá rẻ…

Bên cạnh đó, cần có chiến lược bảo vệ môi trường lâu dài, hạn chế sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt, tăng thuế đối với những cơ sở sản xuất túi ni lông; nghiêm cấm và xử phạt thật nghiêm đối với các trường hợp vứt ni lông bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.


Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Ở môi trường tự nhiên một túi ni lông phải mất 200 - 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội.
    
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý túi ni lông thân thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO