Nghịch lý giá xăng dầu và hàng hóa

07/11/2014 00:00

Mặc cho giá xăng đã giảm với mức khá ấn tượng trong 3 tháng qua, cước vận tải và giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm không đáng kể.

Mặc cho giá xăng đã giảm với mức khá ấn tượng trong 3 tháng qua, cước vận tải và giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm không đáng kể.
   
  So với mức giá kỷ lục 25.640 đồng/lít tại thời điểm ngày 7/7, đến nay, sau 8 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, xăng RON 92 và 95 đã giảm tới 3.300 đồng/lít, dầu diesel giảm 3.060 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.890 đồng/lít... Với mức giá này, xăng dầu đã hạ nhiệt về mức thấp nhất của mặt bằng năm 2012. Thế nhưng, mặc cho giá xăng đã giảm với mức khá ấn tượng trong 3 tháng qua, cước vận tải và giá cả hàng hóa, dịch vụ ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ giảm ở một số mặt hàng nhỏ lẻ, không đáng kể.
   
  Chợ Vườn Chuối, quận 3 là một trong những chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng của thành phố Hồ Chí Minh nên giá thực phẩm ở đây rất nhạy cảm đối với giá xăng. Chỉ một vài hôm sau khi giá xăng tăng, thì ngay lập tức hàng hóa tại chợ này cũng vội vã tăng theo. Tuy nhiên, trong 3 tháng gần đây, mặc dù giá xăng đã 8 lần giảm, nhưng giá hàng hóa ở chợ vẫn đứng im.
   
  Theo chị Nguyễn Phương Hoa, ở phường 2, quận 3, “tôi thấy giá xăng giảm rồi nhưng các mặt hàng ở chợ lại không giảm, các mặt hàng vẫn giữ nguyên giá. Đáng lẽ xăng giảm thì các mặt hàng khác phải giảm theo. Đa số các mặt hàng không giảm”.
   
  Trả lời cho thắc mắc vì sao các mặt hàng vẫn chưa giảm, khi giá xăng đã giảm, chị Hoàng Thị Thanh, tiểu thương chợ Vườn Chuối nói: “Từ lúc xăng giảm giá đến giờ, giá cả mình vẫn bình thường, giá vận chuyển nhiêu đó là có vậy thôi, nó không giảm theo giá xăng”.
   
   
  Còn tại hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp trong chương trình Bình ổn thị trường của thành phố đã đồng loạt giảm giá thịt heo, trứng nhưng mức giảm không đáng kể. Cụ thể là giá trứng gà, vịt giảm 1.000 đồng/chục, các loại thịt giảm 2.000 đồng - 3.000 đồng/kg. Mức giá kể trên được điều chỉnh trên cơ sở giá nguyên liệu và góp phần kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh sức mua chung trên thị trường còn yếu, chứ không hẳn là do giá xăng giảm trong thời gian qua .
   
  Trong lĩnh vực vận tải hành khách, một số doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh giá cước như: Giá vé xe của hãng Hoa Mai từ thành phố Vũng Tàu đi thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn 95 ngàn đồng/người/lượt, giảm 5 ngàn đồng so với trước đây.
   
  Các hãng xe khác như Toàn Thắng, Thiên Phú, Kumho cũng đồng loạt giảm giá vé từ 10 đến 15 ngàn đồng tùy tuyến, nhằm chia sẻ với hành khách khi giá xăng dầu giảm. Nhưng đây chỉ mới là các doanh nghiệp vận tải hành khách nhỏ lẻ, còn các doanh ngiệp vận tải hàng hóa chưa có dấu hiệu điều chỉnh.
   
  Theo ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh, giá vận tải hàng hóa không phải là do nhà nước ấn định giá hay đăng ký giá, mà do đơn vị vận tải hàng hóa và khách thuê vận chuyển tự thỏa thuận. Trước đây, các đơn vị thỏa thuận khi giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng 10%, thì doanh nghiệp vận tải sẽ đề xuất tăng giá. Khi giá nguyên liệu giảm 5% thì các doanh nghiệp mới được điều chỉnh giảm.
   
  Hiện nay, trong yếu tố cấu thành giá vận tải, giá xăng dầu chỉ chiếm 40% nhưng các chi phí khác như: bảo hiểm xe, các loại thuế phí, kiểm tra định kỳ xe…đang tăng nên các doanh nghiệp vận tải chưa thể giảm giá cước. Hiện nay, chi phí nhân công, các loại phí đường bộ, chi phí sửa chữa phương tiện, khấu hao phương tiện có xu hướng không giảm mà có khi còn tăng hơn nữa.
   
  Xăng dầu được xem là một trong những mặt hàng chủ lực, song hành cùng đời sống hằng ngày của người dân nên cứ sau mỗi lần tăng giá, người tiêu dùng lại lo lắng và khi giá xăng dầu giảm, người dân trông chờ giá hàng hóa sẽ giảm theo. Song, vấn đề này xem ra quá khó khi mà giá cả các mặt hàng trên thị trường chủ yếu do tư thương quyết định và dường như chưa được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng.
   
Theo VOV
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý giá xăng dầu và hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO