Nghi ngại về động đất liên tục ở A Lưới

17/04/2015 00:00

(TN&MT) - Những ngày qua, động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực A Lưới. Riêng từ tối 30/3 đến 9/4 đã xảy ra 4 trận động đất và kể cả năm 2014  tổng cộng...

 

(TN&MT) - Những ngày qua, động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực A Lưới. Riêng từ tối 30/3 đến 9/4 đã xảy ra 4 trận động đất và kể cả năm 2014  tổng cộng xảy ra 8 trận động đất. Tuy động đất xuất hiện ở dạng nhẹ và yếu, nhưng số lần xảy ra dồn dập và liên tục, điều chưa hề có kể từ hàng chục năm nay tại khu vực A Lưới.  

Các hồ thủy điện trên địa bàn đảm bảo khả năng kháng chấn với cấp độ động đất dưới 6 độ Richter
Các hồ thủy điện trên địa bàn đảm bảo khả năng kháng chấn với cấp độ động đất dưới 6 độ Richter

   

Bất thường

Kể từ năm 2014 đến nay, tuy động đất tại khu vực A Lưới ở dạng nhẹ và yếu, nhưng số lần xuất hiện dồn dập. Số liệu quan sát của mạng lưới trạm Viện Vật lý địa cầu ghi nhận, có thể đã xảy ra 2 trận động đất (vào tháng 8/2013 và tháng 2/2014) ở khu vực A Lưới trước khi xảy ra động đất 4,7 độ Richter ngày 15/5/2014 ảnh hưởng về cả khu vực TP. Huế, còn trước đó, tại khu vực này chưa từng xảy ra động đất.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Canh (Khoa Địa lý- Địa chất, Trường đại học Khoa học Huế), động đất thường phân bố dọc theo đới đứt gãy lớn, đứt gãy hành tinh, đứt gãy khu vực và đứt gãy sâu. Khu vực miền Trung từ Quy Nhơn đến Quảng Trị có chế độ kiến tạo khá phức tạp, nhiều đứt gãy sâu, đứt gãy khu vực. Đới đứt gãy theo hướng kinh tuyến, kéo dài từ Quy Nhơn- Quảng Nam- A Lưới- Đakrông- SePon (Lào). Trong đó, 3 khu vực có tần suất phát sinh chấn tiêu (tâm động đất) khá cao, đó là khu vực Bắc Trà Mi (sông Tranh), A Lưới, Khe Sanh. Như vậy, động đất ở A Lưới nằm trong chuỗi động đất chung. Với cấu trúc địa chất kiến tạo phức tạp, đứt gãy phân cách nhiều, địa hình miền núi phức tạp như A Lưới thì động đất xảy ra là tất yếu. Song, theo kết luận sơ bộ các nhà khoa học nghiên cứu, động đất khu vực miền Trung thường là động đất vừa và nhỏ, dưới 5 độ Richter.

Nguyên nhân động đất ở A Lưới chưa được khẳng định do chưa có số liệu đầy đủ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Canh, khu vực A Lưới nằm trong đới đứt gãy. Và theo các kết quả nghiên cứu trước đây về đứt gãy hoạt động, địa động lực hiện đại và tai biến địa chất cũng ghi nhận khu vực A Lưới có biểu hiện hoạt động mạnh về vận động kiến tạo, tai biến địa chất (nứt, sụt lở đất, động đất…). Kết quả nghiên cứu, khảo sát, tổng hợp và phân tích điều kiện kiến tạo và đặc điểm cấu trúc địa chất của đoàn khảo sát Viện Vật lý địa cầu sau trận động đất 4,7 độ richter hồi tháng 5 năm 2014 khẳng định, công trình thủy điện A Lưới có vị trí nằm trong khối cấu trúc khá bình ổn về điều kiện kiến tạo, địa động lực. Đứt gãy kiến tạo đi qua vùng tuyến đập công trình thủy điện A Lưới là đứt gãy có biểu hiện hoạt động không mạnh. Như vậy, khu vực A Lưới có đủ điều kiện địa chất, kiến tạo và địa động lực đảm bảo cho việc xây nhà máy thủy điện. Điều này cũng nằm trong nhận định tạm thời của PGS.TS Nguyễn Văn Canh, nguyên nhân xảy ra động đất ở A Lưới chủ yếu nghiêng về kiến tạo chứ không phải do động đất kích thích (do hồ chứa nước lớn) như kết quả nghiên cứu nguyên nhân động đất tại khu vực đập sông Tranh 2- Bắc Trà Mi. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Canh, động đất kích thích sau một thời gian sẽ giảm bởi lượng tích nước đạt đến mức ổn định, nhưng động đất kiến tạo có thể sẽ không ngừng và tăng lên.

Các hồ thủy điện trên địa bàn đảm bảo khả năng kháng chấn với cấp độ động đất dưới 6 độ Richter
Các hồ thủy điện trên địa bàn đảm bảo khả năng kháng chấn với cấp độ động đất dưới 6 độ Richter

Các nhà nghiên cứu cho rằng, động đất là hiện tượng tự nhiên, xảy ra hằng ngày nhưng chẳng qua không ghi nhận được. Bình quân mỗi năm có 5 triệu lần động đất, những động đất trên 7 độ Richter chỉ khoảng 20 trận mỗi năm trên toàn thế giới. Nguyên nhân động đất do nội sinh, tức do kiến tạo đứt gãy hoặc do lò magma chiếm 90% số lượng động đất trên thế giới. Nguyên nhân do núi lửa chiếm 7% số lượng động đất. Nguyên nhân do sụt lở chiếm khoảng 3%. Ngoài ra do 2 nguyên nhân: hồ chứa nước với khối lượng tích nước lớn và do con người, từ hoạt động bơm nước cao áp độ sâu lớn hoặc gây nỗ lớn.       

Mới dừng ở việc nêu tình hình và tiếp tục theo dõi

Thời gian qua, động đất miền Trung nói chung cũng như động đất ở Thừa Thiên Huế (khu vực A Lưới) chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều do chưa có động đất lớn và chưa gây ảnh hưởng đến công trình trọng điểm quốc gia. Ông Phan Thanh Hùng- Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế cho rằng, đến nay, cơ quan chủ quản mới chỉ dừng ở mức nêu tình hình, thông báo cho địa phương và tiếp tục theo dõi. Còn việc phân tích nguyên nhân, tình hình diễn tiến như thế nào thì chưa thể khẳng định và nói trước được điều gì. Ngay cả các nhà khoa học cũng rất thận trọng chưa dám đánh giá, nhận định nguyên nhân, vì trong tay họ chưa có đủ cơ sở khoa học, điều kiện để giải đáp vấn đề này.

Đồng tình ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Văn Canh cho rằng, đến nay, chưa có một quốc gia nào có thể làm được công tác dự báo động đất chính xác về thời gian, không gian và mức độ động đất. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn dựa vào cấu trúc địa chất, kiến tạo, chế độ địa động lực có thể dự báo vùng có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra động đất.     

Nứt tường nhà điều hành trạm xăng dầu Quân đội số 22 tại xã Phú Vinh, A Lưới do ảnh hưởng động đất 4,7 độ Richter ngày 15/5/2014
Nứt tường nhà điều hành trạm xăng dầu Quân đội số 22 tại xã Phú Vinh, A Lưới do ảnh hưởng động đất 4,7 độ Richter ngày 15/5/2014

Động đất xảy ra liên tục và bất thường ở khu vực A Lưới càng khiến chính quyền địa phương cũng như người dân quan tâm chờ đợi kết quả nghiên cứu đánh giá, khảo sát, phân tích nguy hiểm động đất tại Thừa Thiên Huế ở mức độ chi tiết cao. Liên quan vấn đề này, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã đề xuất và đốc thúc Bộ KHCN đưa vào kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu để sớm có đánh giá, phân tích cụ thể về tình hình động đất trên địa bàn. Điều cần thiết nữa là phải lắp đặt các trạm quan sát động đất địa phương tại khu vực huyện A Lưới và lân cận, kết hợp với trạm địa chấn quốc gia hiện đặt tại Nam Giao- T.P Huế, đảm bảo theo dõi và giám sát hoạt động động đất, nhất là cho khu vực huyện A Lưới.

Trước tình hình động đất không thể xác định được, theo khuyến cáo của giới chuyên môn, các địa phương, người dân sống trong khu vực nhạy cảm cần quan tâm về sự cố động đất, đặc biệt là trong xây dựng các công trình (bắt buộc ít nhất phải chịu được 5,5 độ Richter trở xuống); các hồ đập thủy lợi, thủy điện cũng phải đảm bảo khả năng kháng chấn theo thang MSK 64 cấp VI, cấp VII, tương đương từ 5- 5,9 độ Richter mới được xây dựng. Đối với nhà dân cần xây dựng, sinh sống tránh xa các khu vực dễ sạt lở, hai bên sườn núi. Ngành chức năng cũng cần thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về động đất, sóng thần và hướng dẫn cách phòng tránh cho cán bộ quản lý và người dân nếu có sự cố xảy ra.

                                                                   Bài & ảnh: Xuân Giang

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghi ngại về động đất liên tục ở A Lưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO