Nghèo đói và ô nhiễm môi trường: Nhiều hệ lụy

08/12/2015 00:00

(TN&MT) - Mặc dù, hiện nay, chưa có thống kê về % số người phải chịu cảnh nghèo đói vì ô nhiễm môi trường nhưng hầu hết mọi người đều biết, ô nhiễm môi trường là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng nghèo đói.

Vòng luẩn quẩn

Ở Việt Nam tỷ lệ người nghèo do môi trường tập trung chủ yếu ở vùng núi. Vùng Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long và vùng ven biển tỷ lệ người nghèo môi trường không cao bằng miền núi, nhưng tổng số người nghèo môi trường lại cao vì 2 vùng này rất đông dân. Người nghèo thường bị rơi vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói và thảm họa môi trường. Họ chặt phá rừng bừa bãi, chăn thả gia súc gia cầm gây ô nhiễm trên các kênh rạch, đổ các chất phế thải chưa qua xử lý ra đồng ruộng…

Trong khi đó, đa số người nghèo chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với dịch vụ sản xuất như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, bảo vệ động, thực vật; nhiều yếu tố đầu tư vào sản xuất như: điện, nước, giống cây trồng, vật nuuôi, phân bón… đã làm tăng chi phí, giảm thu nhập tính trên đơn vị giá trị sản phẩm. Người nghèo cũng thiếu các khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng, pháp luật và chưa được bảo vệ quyền lợi về môi trường.

Mặt khác, môi trường nông thôn, nơi phần lớn người nghèo sinh sống đang bị ô nhiễm do các điều kiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng yếu kém. Việc sử dụng không hợp lý các loại hóa chất nông nghiệp đã và đang làm cho môi trường nông thôn ô nhiễm và suy thoái. Việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề và cơ sở chế biến ở một số vùng do công nghệ sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán xen kẽ trong các khu dân cư và hầu như không có thiết bị thu gom và xử lý chất thải, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ô nhiễm môi trường là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng nghèo đói
Ô nhiễm môi trường là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng nghèo đói

Đến những hệ lụy

Trong 10 năm qua, mỗi năm, Việt Nam mất trắng 51.000 ha rừng, trong đó, 20.000 ha là chuyển sang mục đích khác, phần lớn là rừng tự nhiên đầu nguồn. Mặc dù, số rừng trồng hàng năm có tăng lên, nhưng độ che phủ và chất lượng rừng không thể được như rừng tự nhiên.

Rừng mất kéo theo hệ lụy, khoảng 10% các loài chim, 25% các loài thú, 21% các loài lưỡng cư, bò sát và gần 400 loài thực vật đang đương đầu với nguy cơ diệt chủng.

Biến đổi của môi trường sinh thái đã làm cho giá trị sinh học bị suy giảm đáng kể. Kết quả nghiên cứu tại vùng đồi khô hạn của các tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ ra rằng, đối với đồi trọc loại III (loại cằn cỗi nhất), không gặp giun đất sinh sống ở đó, nhóm vi sinh vật có vai trò quan trọng trong cải tạo đất, làm tăng độ phì của đất là Azotobacter đã không tìm thấy trong các mẫu phân tích. Việc phá rừng ngập mặn để cải tạo thành đất trồng trọt ở Nam Bộ trước đây không những đã làm mất đi nhiều loài thủy sinh vật quý như: tôm, cua, cá và các loài phù du khác. Nhiều loài gỗ quý ở Trung Bộ như lim, sến, táu, gội, re hương, lát hoa, trầm hương, chò chỉ… cách đây không lâu rất phổ biến, nhưng giờ đây rất hiếm. Các loài gỗ quý ở Tây Nguyên như: trắc, cà chắc, cà te cũng ở tình trạng khan hiếm. Chỉ tính từ năm 1995 đến nay, các loài động vật có giá trị đều giảm số lượng xấp xỉ 50%.

Nhiều năm nay, môi trường làng nghề  hết sức báo động, kết quả điều tra cho thấy, điều kiện và môi trường lao động tại các làng nghề là đáng lo ngại. Có 60 đến 90% người lao động tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất, độ nóng không có trang thiết bị phòng hộ. Các chất thải rắn, lỏng, khí trong quá trình sản xuất không được xử lý, thu gom, thải bừa bãi ra môi trường xung quanh và trong các khu dân cư đã làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường vừa là nền tảng vừa là mục tiêu phát triển bền vững đất nước, là yếu tố bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc gia. Điều đó cho thấy, sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa đối với các vấn đề môi trường, như sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý nước, quản lý chất thải và định cư hợp lý liên quan đến các vấn đề phát triển. Thực hiện đánh giá tác động của môi trường đối với mọi dự án xóa đói giảm nghèo, thử nghiệm các phương án, chính sách để tăng thêm sự tham gia của khu vặc tư nhân trong các dự án sản xuất; đảm bảo tiếp cận lâu dài nguồn nước bằng cách tăng cường bảo vệ lưu vực đầu nguồn.

Đồng thời, khuyến khích áp dụng các công nghệ vào quy trình sản xuất ít chất thải, ít gây ô nhiễm. Sử dụng khí đốt sinh học ở các vùng nông thôn và phát triển năng lượng mặt trời, gió và các nguồn nhiệt năng khác.

Đáng chú ý, phải sửa đổi các quy định bảo vệ tài nguyên, môi trường liên quan đến quá trình đầu tư để vừa đảm bảo quyền tự do đầu tư của công dân vừa bảo đảm không xuất hiện nguy cơ làm tổn hại đến tài nguyên, môi trường. Hỗ trợ các hoạt động môi trường dựa trên cộng đồng để tăng nhận thức và sự tham gia của người dân về bảo vệ môi trường…

P. Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghèo đói và ô nhiễm môi trường: Nhiều hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO