Nghề môi giới bất động sản: Bước tiên phong

13/12/2016 00:00

(TN&MT) - Cuối năm là thời điểm nhiều người dành dụm tiền để mua căn nhà mới đón xuân về. Để “ráp kèo” giữa người mua - kẻ bán, không thể không nhắc đến vai trò của nghề môi giới. Hãy cùng điểm lại chân dung những nhà môi giới, khởi thủy của thị trường bất động sản Việt Nam.

Khái niệm “sàn giao dịch bất động sản” chính thức được dùng lần đầu tại Phiên chợ địa ốc và trang trí nội thất lần thứ nhất (tổ chức tại TP. HCM vào đầu năm 2004). Lúc đó, ông Ngô Phát Đạt, Ủy viên BCH Hiệp hội Bất động sản Nhà đất Việt Nam, đồng thời là Trưởng Ban tổ chức “Sàn giao dịch bất động sản”, phải mượn khái niệm “sàn giao dịch chứng khoán” để giải thích khái niệm và sự vận hành của hình thức mới mẻ trên.

Trao Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
Trao Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản

Chân dung “ông tổ”

Cho đến những năm cuối của thập kỷ 80, Việt Nam không có thị trường BĐS. Vì vậy các khái niệm: ủy thác, môi giới, tiêu thụ… trong BĐS vốn xa lạ với công chúng. Nhưng trước thời điểm này, một thị trường ngầm được hình thành, theo đó xuất hiện những nhà môi giới tiền thân, thường gọi là “cò”.

Cách thức quảng cáo phổ thông là các loại biển “Trung tâm giới thiệu nhà, đất” trong quán cà phê hay tờ rơi treo dán khắp nơi (mô hình này hiện vẫn còn tồn tại ở vùng ven đô thị). Công việc của người môi giới khá thủ công, đơn giản, như: cung cấp thông tin vị trí, hướng dẫn xem nhà, đưa người mua kẻ bán giáp mặt và nhận tiền hoa hồng nếu giao dịch hoàn thành.

“Cò” không xa lạ, từ bà bán thuốc lá đầu hẻm đến ông xe ôm lề đường. Cơ sở pháp lý trong giao dịch chỉ là niềm tin - cũng là vật bảo chứng duy nhất. Sản phẩm giao dịch hầu hết là đất nền, không phải phần đông là căn nhà - tài sản như bây giờ. Phải khẳng định một điều, dù pháp luật không thừa nhận nhưng họ chính là lực lượng xây viên đá đầu tiên cho nền móng ngành môi giới BĐS sau này.

Trải qua 2 đợt nóng - lạnh mười năm (từ 1992 - 1993 đến 2001 - 2002), thị trường BĐS đầy biến động và “hoang dã”. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, tính riêng tại TP. HCM, đến năm 2001 có hơn 1.000 dự án đầu tư hạ tầng khu dân cư với diện tích khoảng 6.000ha (gần bằng 1/2 diện tích của 12 quận nội thành cũ), với số vốn đổ vào đây không dưới 6 tỷ USD. Tuy vậy, phần lớn diện tích đất để trống, hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Cho dù, trong khoảng 5 năm đầu thế kỷ 21, thị trường BĐS Việt Nam sôi động hay trầm lắng phần nhiều bởi những tác động của hàng loạt chính sách về đất đai, phát triển đô thị, chính sách về khu đô thị mới, khu chung cư.

Tập trung

Những người đóng dấu đầu tiên vào ngành môi giới địa ốc phải kể đến Ngân hàng Á Châu (ACB) với thương hiệu ACBR, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với thương hiệu Sacomreal và Công ty Nhà đất Đô thị mới...

Năm 2001, Công ty cổ phần địa ốc ACB (ACBR) ra đời. Ở thời điểm thuận lợi, ACBR phát triển thành một chuỗi “siêu thị địa ốc” gắn liền với hoạt động tài chính của ACB. Thời hoàng kim, ACBR đã phát triển 6 văn phòng giao dịch trên cả nước, 5 trong số đó có quy mô lớn tại TP. HCM. Ngoài cách đưa hàng hóa lên bảng điện tử tại trụ sở, ACBR còn phát hành miễn phí tạp chí bất động sản và dịch vụ video nhà đất được đăng tải trên website công ty.

Tương tự, Sacombank thành lập Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) sau khi hợp nhất các trung tâm giao dịch bất động sản. Nhanh chóng, Sacomreal đã triển khai mô hình sàn giao dịch điện tử vào kinh doanh bằng cách trang bị hệ thống giao dịch kết nối qua Internet, máy tra cứu thông tin tự động điện tử và điện thoại di động. Có thể nói, Sacomreal được xem là một trong những người đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ điện tử cho hoạt động cung cấp thông tin và môi giới bất động sản.

Không thể phủ nhận, 2 doanh nghiệp môi giới trên có quan hệ trực thuộc với ngân hàng nên nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Tuy vậy, vì trong buổi đầu, nên tất cả mới chỉ hoạt động như một trung tâm cung cấp thông tin cho thị trường BĐS (chứ không đủ chức năng như mô hình các sàn hiện nay).

Vì điều này, các giao dịch BĐS diễn ra trong văn phòng còn ít. Khách hàng đến văn phòng chủ yếu tìm kiếm thông tin nhiều hơn là giao dịch.

Một hiện tượng được dân môi giới ghi vào lịch sử nghề môi giới thời điểm hồng hoang là sự xuất hiện của khái niệm “Nhà đất Đô thị mới”. Mô hình Nhà đất Đô thị mới là một ý tưởng kinh doanh lạ, khiến giới buôn bán nhà đất TP. HCM không ít ngạc nhiên. Người tiên phong mang giao dịch điện tử một cách bài bản vào hệ thống môi giới nhà đất là tiến sĩ Ngô Trần Công Luận.

Ông Luận thành lập Công ty TNHH Nhã Đạt và sau đó phát triển thành Công ty Nhà đất Đô thị mới kinh doanh các dự án BĐS, tiếp thị, tư vấn, nghiên cứu thị trường và cả đầu tư nhà đất. Từ vài nhân viên với một văn phòng nhỏ, chỉ trong 3 năm, Nhà đất Đô thị mới đã lập 7 văn phòng tại TP. HCM, 2 văn phòng tại Hà Nội và Cần Thơ, với trên 100 nhân viên, chuẩn hóa bảng hiệu, đồng phục. Năm 2004, Công ty của ông đã có mặt trong tổng cộng 99 dự án nhà đất và tham gia hầu hết những dự án nhà đất tại TP. HCM. Một điểm son nữa: doanh thu năm đó của Nhà đất Đô thị mới khoảng 30 tỷ đồng, bằng 1/3 số vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam cùng thời điểm.

Vĩnh Yên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề môi giới bất động sản: Bước tiên phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO