Theo báo cáo tại hội nghị, toàn tỉnh Nghệ An hiện nay có từ 14 - 15 cá thể voi hoang dã, chủ yếu phân bố trên địa bàn Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát. Ngoài ra, có 2 cá thể phân bố ở địa bàn huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu. Sự xung đột giữa voi và người xảy ra trên diện rộng, dẫn đến những thiệt hại đáng kể về hoa màu và tính mạng của người dân. Nguyên nhân xung đột được xác định do sinh cảnh rừng bị tác động mạnh bởi các hoạt động khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã và chuyển đổi mục đích sử dụng đất (như trồng rừng cao su).
Thực hiện Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020”, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt và triển khai Dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, thực hiện từ năm 2014 với tổng kinh phí gần 87 tỷ đồng.
Đến nay, BQL Dự án đã xây dựng các công trình hỗ trợ công tác bảo tồn voi và hạn chế xung đột giữa voi và người như: đường tuần tra, bảo vệ rừng; trạm dừng chân trên các tuyến tuần tra; 02 chòi canh lửa rừng kết hợp giám sát hoạt động của voi; 3 km hào ngăn voi (thiết kế hơn 4,8 km).
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân các địa phương có đàn voi phân bố; tích cực phối hợp với Tổ chức bảo tồn động vật quốc tế (FFI), tổ chức Save Viet Nam’s Wildlife, tham gia các hội thảo quốc tế để nghiên cứu, triển khai các giải pháp bảo tồn đàn voi và hạn chế xung đột giữa voi và người.
Thời gian tới, BQL Dự án đề xuất tiếp tục cấp khoản kinh phí để triển khai các hoạt động còn lại của dự án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp để tăng cường tính hiệu quả trong công tác bảo tồn voi và hạn chế xung đột giữa voi và người.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu các ý kiến bổ sung về thực trạng phân bố và quy luật hoạt động của đàn voi ở Nghệ An, tình hình xung đột giữa voi và người, kinh nghiệm trong công tác bảo tồn đàn voi và kiến nghị các giải pháp bảo tồn, nguồn kinh phí thực hiện dự án, chính sách hỗ trợ cho người dân khi hoa màu bị voi phá hại...