Nghệ An: Thiếu kinh phí xử lý tồn lưu thuốc BVTV

15/06/2016 00:00

(TN&MT) - Từ nhiều năm qua, việc xử lý tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang được các cấp, ngành quan tâm, giải quyết. Bởi đây là những “điểm nóng” ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ, đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng này thì hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Vào tháng 2/2015, khi đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An là 1 trong số 10 làng ung thư trên địa bàn cả nước. Sau khi thông tin này được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cùng với tâm trạng chung của danh sách 10 làng ung thư thì cả xã Diễn Hải ai cũng lo lắng, sống trong bất an. Chính vì vậy, cái “mác” làng ung thư cứ ám ảnh không chỉ người dân nơi đây mà ngay cả người từ nơi khác đến. Số người chết vì bệnh ưng thư cũng ngày một báo động và trở thành nỗi lo đối với người dân ở đây.

Theo người dân địa phương cho biết, nguyên nhân của tình trạng người chết vì ung thư gia tăng là do môi trường nước bị ô nhiễm và tồn lưu của kho thuốc bảo vệ thực vật từ mấy chục năm trở về trước để lại. Cho đến thời điểm hiện nay, nguồn nước ngầm trên địa bàn xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải vẫn đang bị ô nhiễm rất nặng. Việc xử lý tồn lưu thuốc BVTV vẫn chưa thể dứt điểm do khó khăn về kinh phí. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các điểm tồn dư thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Và, hậu của việc ảnh hưởng bởi tồn lưu thuốc BVTV thì khó có thể lường trước hết được.

Nguồn nước ngầm tại xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu) bị ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV để lại
Nguồn nước ngầm tại xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu) bị ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV để lại

Qua thống kê, Nghệ An là địa phương có nhiều điểm ô nhiễm cần phải xử lý nhất so với cả nước. Theo Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước thì Nghệ An đã có 189/240 điểm, chiếm 78% và 55/100 điểm thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia chiếm 55% tổng số các điểm trên địa bàn cả nước.

Riêng trên địa bàn Nghệ An, hầu hết các huyện, thị, thành đều có điểm tồn dư thuốc BVTV để lại, nhiều nhất là các huyện Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu… Ở các huyện miền Tây của xứ Nghệ, nhiều điểm tồn dư thuốc BVTV vẫn đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Hầu hết các điểm tồn dư thuốc BVTV hiện nay đều được quy hoạch, xây dựng kho chứa từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Trước tình trạng nói trên, ngày 21/7/2010, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã xác định danh sách 628 điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV cần phải xử lý. Trong thời gian qua, để từng bước khắc phục tình trạng nói trên, UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Tài nguyên và môi trường chủ động triển khai thực hiện công tác điều tra, quan trắc. Bên cạnh đó, công tác xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV cần được thực hiện khẩn trương, triệt để.

Từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện 22 đề án điều tra, khảo sát phạm vi mức độ ô nhiễm cho 178 điểm tồn lưu hoá chất thuốc BVTV. Các ngành liên quan cũng đã và đang triển khai 18 dự án xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó có 7 dự án đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý, 7 dự án đang trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và môi trường Nghệ An đã phối hợp thực hiện 2 dự án của chương trình POP hỗ trợ bốc xúc phần đất bị ô nhiễm nặng mang đi xử lý theo quy trình khoa học.

Nguồn nước ngầm tại xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu) bị ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV để lại
Nguồn nước ngầm tại xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu) bị ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV để lại

Tuy nhiên, để xử lý tình trạng tồn lưu thuốc BVTV trên địa bàn hiện nay vẫn còn lúng túng về công nghệ cũng như nguồn kinh phí thực hiện. Theo ông Bạch Hưng Cử - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường Nghệ An thì kinh phí để xử lý triệt để các điểm ô nhiễm thuộc Quyết định 1946/QĐ-TTg và chương trình mục tiêu Quốc gia là rất lớn. Để thực hiện một dự án xử lý ô nhiễm môi trường thì phải cần số kinh phí hàng tỷ đồng, trong khi đó ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nên việc triển khai đồng bộ, dứt điểm còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, với mức hỗ trợ của Trung ương là 50%/dự án, còn lại là địa phương nên nhiều dự án khi xây dựng kế hoạch xong thì việc triển khai không thể diễn ra theo đúng thời gian. Mặt khác, về công nghệ xử lý hiện nay đòi hỏi nhiều kinh phí để thực hiện, yêu cầu quản lý và kỹ thuật rất phức tạp mà trong nước vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ.

Một hộ gia đình tại xóm Cờ Đỏ lo lắng trao đổi với PV
Một hộ gia đình tại xóm Cờ Đỏ lo lắng trao đổi với PV

Việc giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần phải có lộ trình nhất định. Vì vậy, trong trong thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã đề nghị UBND cấp huyện và UBND cấp xã những nơi có các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có các biện pháp tuyên truyền phổ biến cho người dân biết tác hại của các chất bảo vệ thực vật và giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất không để người dân sử dụng các vùng đất có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật để làm nhà ở hay trồng các loại rau màu như bầu bí, chuối v.v. không có các hoạt động làm phát tán các vùng đất ô nhiễm.

Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng các kho thuốc BVTV tồn lưu lớn nhất trên cả nước với 913 điểm từ thời kỳ chiến tranh và thời kỳ bao cấp để lại. Năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã tiến hành lấy mẫu phân tích 277/913 điểm kho thuốc tồn lưu, kết quả phân tích đã xác định được 265/277 điểm có dư lượng hóa chất BVTV trong đất lớn hơn quy chuẩn cho phép (chiếm 96%).

 

 

Bài & ảnh: Đình Tiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Thiếu kinh phí xử lý tồn lưu thuốc BVTV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO