Nghệ An: Tăng thuế, phí tài nguyên - doanh nghiệp lo lắng!

22/07/2017 00:00

Từ ngày 1/7/2017, Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính “Quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau” chính thức có hiệu lực; kéo theo sự lo lắng của nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

Theo Thông tư số 44/2017/TT-BTC (Thông tư 44), giá áp tính thuế tối thiểu và tối đa đối với các loại đá xây dựng sẽ tăng lên gấp 2 đến 3 lần so với hiện tại. Như vậy, nếu theo Thông tư 44 thì mức thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ tăng lên gấp 3 - 4 lần, khiến hàng trăm doanh nghiệp đứng trước nguy cơ dừng sản xuất.

Theo các doanh nghiệp, biên độ khung giá: Giá sàn, giá trần được xây dựng tại Thông tư số 44 là chưa phù hợp với quy định Luật Thuế tài nguyên 2009, do khung giá nêu trên không phải là giá bán tài nguyên đá hoa, đá hoa trắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ví dụ, trên thực tế, 1 triệu m3 địa chất đá ốp lát khai thác cho doanh thu kỳ vọng từ 90- 245 tỷ đồng, lấy bình quân ở ngưỡng cao 245.000 đồng/m3 thì ở Nghệ An ban hành giá tính 250.000 đồng/m3. Nếu áp dụng theo Thông tư 44 thì mức thấp nhất là 700.000 đồng/m3, cao gấp trên 2,8 lần. Chỉ cần áp dụng ở khung giá thấp nhất theo Thông tư 44 cũng đã là điều quá phi thực tế. 1 triệu tấn bột địa chất khai thác cho doanh thu khoảng 45 tỷ đồng, bình quân 45.000 đồng/tấn trữ lượng.

Nhiều doanh nghiệp đá ở Quỳ Hợp đã giải thể do khó tiêu thụ sản phẩm
Nhiều doanh nghiệp đá ở Quỳ Hợp đã giải thể do khó tiêu thụ sản phẩm

Trên địa bàn Nghệ An ban hành mức 50.000 đồng/tấn trữ lượng là có thể chấp nhận được, thế nhưng mức theo Thông tư 44 thấp nhất 280.000 đồng/m3 đá hộc, tương ứng khoảng 164.700 đồng/tấn. Như vậy, mức tăng hơn 3 lần là điều mà nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này khó “gánh”.

Ông Nguyễn Trung Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải - chia sẻ: “Chỉ tính riêng một mỏ của công ty chúng tôi khai thác đạt công suất theo giấy phép, nếu áp dụng khung giá thấp nhất theo Thông tư 44, mức thuế tài nguyên tăng thêm của doanh nghiệp sẽ trên 18 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp tiếp tục khai thác sẽ chịu lỗ nặng. Mặc dù công ty chúng tôi mới đầu tư một nhà máy chế biến bột đá siêu mịn quy mô, công suất lớn với công nghệ hiện đại nhất hiện nay với tổng mức đầu tư trên 6 triệu USD, mới tuyển thêm hơn 200 lao động phục vụ cho nhà máy - nhưng như vậy cũng phải dừng hoạt động. Đến bước đường cùng là phải đóng mỏ".

Còn ông Chu Đức Mạnh - Công ty CP xây dựng và hợp tác đầu tư Đất Việt phân tích: “Nếu áp ở mức thấp nhất thì 1m2 đá ốp lát xuất khẩu ra thị trường quốc tế phải chịu thêm khoảng 30.000 đồng tiền thuế. Trong khi đó giá xuất khẩu hiện nay chỉ là 280.000 đồng/m2, nếu vậy doanh nghiệp không thể bán được sản phẩm”.

Lâu nay, Quỳ Hợp được xem là “thủ phủ” đá xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng gần đây thị trường đá trắng các loại đã bão hòa. Qua ghi nhận thực tế của phóng viên thì tại các cụm công nghiệp rất ảm đạm, máy móc ngổn ngang, hàng loạt doanh nghiệp phải dừng hoạt động do không cạnh tranh được với các thị trường nước ngoài. Nhiều đơn vị chưa dám ký thêm hợp đồng mới bởi nếu đã lỡ ký mà phí, thuế lại tăng thì doanh nghiệp không thể tăng giá đối với khách hàng.

“Theo cấp phép thì chất lượng đá nhiều nơi không thể đạt được như bước đầu đã được thăm dò. Có nhiều mỏ chỉ khai thác được từ 5-10% đá thành phẩm. Trong khi đó, số lượng sản phẩm trên đã phải gánh tất cả các loại thuế cho cả 95% đá không thể sử dụng. Vậy doanh nghiệp làm sao có thể hoạt động được?” - ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty TNHH Thành Trung - nói.

Nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động thì hàng ngàn công nhân, người lao động thất nghiệp
Nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động thì hàng ngàn công nhân, người lao động thất nghiệp

Ông Hoàng Văn Sơn - Giám đốc Công ty CP An Sơn - cho biết, hơn 90% sản phẩm của công ty đều xuất khẩu, nếu như với cách tính mới theo Thông tư 44 được áp dụng thì công ty sẽ không trụ nổi. Công ty cũng không dám nghĩ đến tương lai của hơn 300 công nhân, bởi họ đã rất gắn bó với công ty từ thời điểm khó khăn nhất.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp, Nghệ An - cho rằng:“Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đặc biệt là đá trắng trên địa bàn huyện gặp rất nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, nợ thuế. Nếu như tăng thuế theo Thông tư 44 thì sẽ thêm phần khó khăn, địa phương cũng mong cấp trên có chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”.

Trước tình hình đó, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp - Nghệ An có tờ trình xin Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền, xem xét điều chỉnh khung giá, danh mục, mức thu, phương pháp tính phù hợp. Các doanh nghiệp mong muốn Bộ Tài chính, các cơ quan chức năng cần thành lập đoàn công tác liên bộ, ngành, địa phương khảo sát thực tế giá trị mỏ, suất đầu tư, lợi nhuận, việc làm và lấy ý kiến cơ quan chuyên ngành tại địa phương, lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế mỏ, địa chất, tài chính, thuế để có phương án giải quyết phù hợp với đặc thù chất lượng sản phẩm đá hoa ốp lát và đá hoa ở Nghệ An và các quy định thu ngân sách hiện nay. Từ đó ban hành lại giá sàn, đơn giá, phân loại, tên nhóm, loại tài nguyên đối với khung giá tính thuế đối với đá hoa, đá hoa trắng hoặc cho áp dụng tham chiếu.

Theo Báo Công thương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Tăng thuế, phí tài nguyên - doanh nghiệp lo lắng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO