Nghệ An: Phát triển rừng ven biển để ứng phó với BĐKH

21/10/2016 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới môi trường sống và đang trở thành mối lo ngại đối với cả nhân loại trên toàn thế giới. Vì vậy, chủ động ứng phó với vấn đề này là chủ trương mà các cấp, ngành quan tâm, triển khai thực hiện. Trong đó, việc phát triển trồng rừng ven biển, tạo môi trường sinh thái đa dạng, phong phú đang được các địa phương khuyến khích, triển khai nhân rộng.

Rừng ven biển đang bị xâm lấn

Với 45 xã trên tổng số diện tích hơn 29 nghìn ha, Nghệ An hiện nay có khoảng 7.200ha đất rừng ven biển. Tuy nhiên, trong tổng số diện tích đất rừng thì hiện nay dọc dài hơn 82km đường bờ biển tỉnh Nghệ An mới chỉ có gần 2.000 ha đất đã có rừng được trồng, chăm sóc. Số diện tích còn lại chủ yếu bị hoang hoá, xói lở…chưa được cải tạo để trồng rừng. Đây là vấn đề đang được các cấp, ngành quan tâm trong thời gian qua. Qua thống kê của ngành nông nghiệp thì vùng biển ở Nghệ An hiện nay đã có 19 xã bị ảnh hưởng bởi sạt lở, xói mòn và nước biển xâm thực vào đất liền. Nhiều xã như Diễn Kim, Diễn Ngọc (Diễn Châu), Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long…(Quỳnh Lưu), Quỳnh Bảng, phường Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai), hiện tượng xói lở đất đai dọc theo bờ biển đã xảy ra trong suốt nhiều năm qua. Đặc biệt có nơi hiện tượng xói lở đã ăn sâu vào tận nhà dân, gây nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản.

Với sự ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra hiện tượng bão, lũ, bờ biển bị biến dạng, thay đổi theo hướng dịch chuyển vào đất liền…hàng năm, nhiều địa phương ven biển trong đó có Nghệ An đã bị thiệt hại nặng nề. Cùng với đó, tình trạng người dân tự ý phá rừng phòng hộ ven biển để đào, đắp ao nuôi tôm, xây dựng các công trình dân sinh trái phép đã khiến cho môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặt khác, việc xây dựng các khu du lịch sinh thái, khách sạn, nhà nghỉ trong thời gian qua ở các địa phương ven biển cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích rừng phòng hộ và rừng ngập mặn sụt giảm đáng kể.

Việc trồng rừng ven biển đang được khuyến khích, nhân rộng trong toàn xã hội
Việc trồng rừng ven biển đang được khuyến khích, nhân rộng trong toàn xã hội

Bên cạnh đó, với mật độ dân số tăng nhanh, nhu cầu nhà ở của dân cư ven biển tăng cao đã khiến cho nhiều diện tích đất rừng bị thu hẹp. Trong khi đó, công tác quản lý về mặt nhà nước của chính quyền các địa phương ở xã ven biển lỏng lẻo, lúng túng đã khiến cho việc người dân tự ý lấn chiếm diện tích rừng ngặp mặn và rừng phòng hộ còn xảy ra. Tình trạng này đã để lại hậu quả không nhỏ tới việc tác động của biến đổi khí hậu cũng như môi trường sinh thái ven biển hiện nay.

Nỗ lực phát triển rừng ven biển bền vững

Thực trạng diện tích rừng phòng hộ và rừng ngập mặn ven biển đang bị thu hẹp gây ra tác động không nhỏ tới biển đổi khí hậu đã trở thành mối lo ngại cho cả xã hội. Trước thực trạng đó, ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 119/2016/NĐ-CP về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 10/10/2016. Đây là chủ trương lớn được đưa ra trong bối cảnh hiện nay nhằm tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái cũng như gắn kết phát triển kinh tế vùng ven biển để khai thác tiềm năng sẵn có… Ngoài ra, việc phát triển rừng ven biển theo hướng bền vững cũng góp phần nhằm ngăn chặn tình trạng nước biển xâm thực trong thời gian tới.

Theo đó, cùng với việc giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành và địa phương ven biển, Chính phủ cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, bảo vệ chăm sóc rừng. Nghị định 119/2016/NĐ-CP cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ việc trồng và bảo vệ rừng ven biển trong thời gian tới. Ngoài ra, Chính phủ cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhận khoán, bảo vệ rừng ven biển để thay đổi mục đích sử dụng trái với các quy định của pháp luật. Cụ thể, tại mục 1, điều 8 của Nghị định 119/2016/NĐ-CP nêu rõ “Tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển có nghĩa vụ bảo vệ, không làm suy giảm diện tích và chất lượng khu rừng được giao, khoán, cho thuê; trồng, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng rừng đến khi thành rừng theo quy định; tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của pháp luật; bảo vệ môi trường, cảnh quan; không cản trở việc bảo vệ an ninh quốc gia và giao thông trên biển”.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An cho biết: Cùng với nhiều chính sách khuyến khích tập thể, cá nhân tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, Nghệ An đã có nhiều chuyển biến trong công tác này. Độ che phủ rừng hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh luôn được nâng cao, đạt gần 60% diện tích. Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì yêu cầu phủ xanh đất trống, tạo dày hệ thống rừng phòng hộ đang đặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề tăng dày diện tích che phủ đối với rừng ven biển hiện nay cũng gặp nhiều trở ngại. Chính vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 119/2016/NĐ-CP về việc khuyến khích trồng, bảo vệ rừng ven biển được xem như giải pháp “cứu tinh” cho hiện tượng nước mặn xâm thực đối với các địa phương bị ảnh hưởng hiện nay.

Cũng qua trao đổi với các địa phương ven biển thì chính sách phát triển rừng ven biển theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự có hiệu quả khi triển khai đòi hỏi cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ven biển trong việc bảo vệ, chăm sóc nhằm bảo vệ môi trường sinh thái cũng cần được triển khai sâu rộng hơn nữa.

Đình Tiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Phát triển rừng ven biển để ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO