Nghệ An: Khu sinh thái "mọc" trái phép trên đất lâm nghiệp

09/11/2017 00:00

(TN&MT) – Một khu du lịch sinh thái “khủng” vừa mới bị phát hiện tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn nhưng đã tồn tại từ 2 năm qua nhưng các cơ quan chức năng huyện Nghĩa Đàn vẫn “làm ngơ” để tồn tại khiến dư luận bức xúc.

Xây “chui” trên đất lâm nghiệp

Đường vào Trang trại Đồng Be (xóm 22, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn) có thể đi từ thị xã Thái Hòa theo đường đi khe Tọ hoặc từ trung tâm xã Nghĩa Trung. Theo con đường đất lòng vòng, qua bản Đồng Be của người dân tộc Thái, phóng viên đã đặt chân đến trang trại này (thực tế là hoành tráng chẳng khác nào khu du lịch sinh thái).

Khu nhà sàn hoành tráng hình chữ L tọa lạc trên đất lâm nghiệp phá vỡ cảnh quan hoang sơ núi rừng Đồng Be
Khu nhà sàn hoành tráng hình chữ L tọa lạc trên đất lâm nghiệp phá vỡ cảnh quan hoang sơ núi rừng Đồng Be

Hiện ra trước mắt chúng tôi một cảnh sắc nên thơ giữa miền sơn cước, hai ngôi nhà sàn xếp liền kề hình chữ L tọa lạc bên sườn đồi. Nhà được làm bằng gỗ dổi theo kiểu kiến trúc người Thái cổ ở huyện miền núi Quế Phong, đứng trên nhà gỗ này có thể thưởng lãm cảnh sắc thơ mộng núi rừng nơi đây. Diện tích nhà sàn cả hai tầng có thể phục vụ tới 300 đến 500 thực khách. Dưới sân khu nhà, là bãi cỏ được cắt tỉa công phu và bài trí một dãy xích đu. Ngoài ra, tại đây còn có một phòng karaoke để phục vụ cho thực khách có nhu cầu hát hò sau khi ăn uống.

Lọt giữa thung lũng, một hồ nước rộng gần 3 ha, giữa hồ, một chiếc lầu hình lục giác bằng bê tông và gỗ nối với bờ hồ là chiếc cầu cong hình chiếc lược để tạo thêm điểm nhấn. Để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chủ nhân khu sinh thái này đã xây dựng thêm nhiềm nhà cấp bốn để làm bếp, khu hậu cần, bảo vệ và nơi phục vụ nhu cầu ăn ở của nhân viên. Cách xa khu hậu cần, khu vực chuồng trại được xây dựng theo trải dài sát bờ hồ. Theo mô hình sản xuất, kinh doanh liên hợp, nơi đây, hình thành khu vực chăn nuôi lợn đen, gà, vịt theo hướng tự cung tự cấp đảm bảo thực phẩm sạch cho khách hàng. Ngoài ra, nhà hàng có thể phục vụ cả những món ăn đặc sản cao cấp hơn. Hơn nữa, chủ khu sinh thái còn nuôi nhốt thêm 2 con khỉ gần hồ để tạo thêm “điếm nhấn”.

Lầu lục giác - Một điểm nhấn cảnh quan nhân tạo nơi đây
Lầu lục giác - Một điểm nhấn cảnh quan nhân tạo nơi đây

Một người dân ở xóm 22, xã Nghĩa Trung cho biết, từ khi khu sinh thái mọc lên nhiều xe ô tô con, ô tô du lịch nối đuôi nhau vào đây. Khách vào khu sinh thái chủ yếu vào lúc chiều tối, ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật thì đông hơn. Được biết, ngoài phục vụ dạo chơi, ăn uống khu sinh thái này còn tổ chức thêm các sự kiện giao lưu văn nghệ, sinh nhật, thậm chí là đám cưới nếu khách hàng có nhu cầu.

Chính quyền cố tình “làm ngơ”?

Theo tìm hiểu, Khu sinh thái này có diện tích khoảng 6,2 ha đất lâm nghiệp và gần 3 ha mặt nước. Được xây dựng từ năm 2015, hạ tầng ở đây có diện tích xây dựng 3.000 m2. Chủ nhân khu sinh thái này là ông Trương Sơn, trú tại khối Kim Tân, phường Hòa Hiếu, T.X Thái Hòa.

Tổng thể cảnh quan khu sinh thái
Tổng thể cảnh quan khu sinh thái

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là diện tích gia trại của một hộ dân người xã Nghĩa Trung nhưng sau đó chuyển nhượng lại cho ông Sơn. Chính quyền địa phương chỉ cho gia đình làm gia trại để chăn nuôi cá, lợn và trồng trọt, không cho phép xây dựng làm dịch vụ, nhất là xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2015, tại khu đất này, chủ trang trại đã xin được giấy chứng nhận Giấy chứng nhận kinh tế trang trại do UBND huyện Nghĩa Đàn cấp. Cũng từ đây, giấy chứng nhận này được ông chủ coi như tấm “lệnh bài” để tiến hành xây cất nhà sàn, nhà bếp, nhà điều hành và một số hạng mục khác để phát triển thành khu sinh thái nhỏ. Đến nay, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của khách hàng ở trong và ngoài huyện Nghĩa Đàn.

Giấy pháp chứng nhận kinh tế trang trại là “lệnh bài” để mặc sức xây dựng hạng tầng kiên cố trên đất lâm nghiệp
Giấy pháp chứng nhận kinh tế trang trại là “lệnh bài” để mặc sức xây dựng hạng tầng kiên cố trên đất lâm nghiệp

Khi được hỏi về việc xây cất hạ tầng dịch vụ trên đất lâm nghiệp, ông Sơn, chủ khu sinh thái này cho rằng, trước đây chủ cũ làm hạ tầng để chăn nuôi, nay ông cải tạo lại và xây dựng mới và cũng chỉ xin phép để làm trang trại còn mọi thủ tục khác để xây dựng khu ăn uống, vui chơi đều chưa có. “Còn thủ tục xin được phép xây dựng khác, chủ trang trại cũng đã có kế hoạch nhưng cần thời gian chứ không phải ngày một ngày hai mà được” - Ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Long An - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, cho biết: Xã chỉ cho phép đấu thầu mặt nước để chăn nuôi còn diện tích đất rừng đất lâm nghiệp xã không nhất trí cho xây dựng. Ngay từ lúc xây lầu trên mặt hồ xã cũng cử cán bộ địa chính xuống xem xét và chủ trang trại cam kết không được đền bù khi tháo dỡ. “Xã không cho xây dựng kiên cố hạ tầng trên đất lâm nghiệp, nếu chủ hộ vi phạm thì hết thời gian đấu thầu mà ông Sơn không tiếp tục trúng thầu sẽ dỡ bỏ mà không được đền bù” - ông An nói.

Thông báo hết hạn thuê đập Đồng Be từ UBND xã Nghĩa Trung
Thông báo hết hạn thuê đập Đồng Be từ UBND xã Nghĩa Trung

Việc một khu du lịch sinh thái được xây dựng hoành tráng, tọa lạc trên diện tích đất lâm nghiệp rộng lên đến hàng nghìn m2 với nhiều hạng mục kiên cố nhưng các cơ quan chức năng xã Nghĩa Trung và huyện Nghĩa Đàn không có biện pháp ngăn chặn, xử lý khiến cho dư luận hoài nghi, bức xúc. Đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý sai phạm của các bên liên quan.

Được biết, ngày 30/10/2017 đập Đồng Be đã hết thời hạn thuê mặt hồ 05 năm mà UBND xã Nghĩa Trung đã ký hợp đồng trước đó. Vì thế, ngày 20/10/2017, UBND xã Nghĩa Trung đã có thông báo số 23/TB-UBND thông báo về hết hạn và nhận đơn mở thầu đập Gừa, xóm 7 và đập Đồng Be, xóm 22, xã Nghĩa Trung. Thông báo rộng rãi cho nhân dân biết và những ai có nhu cầu nộp đơn đấu thầu theo quy định.

 

Phạm Tuân – Vinh Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Khu sinh thái "mọc" trái phép trên đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO