Nghệ An: Cựu binh "dài cổ" chờ chế độ

11/09/2017 00:00

(TN&MT) - Những năm qua, Đảng Nhà nước đã có nhiều chính sách thể hiện đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” đối với người tham gia chiến tranh không may bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học và các di chứng sau chiến tranh… Tuy vậy, hiện ở bản Lè, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có một “cựu binh” đã ở tuổi “gần đất xa trời”, nhiều năm làm hồ sơ gửi cơ quan chức năng nhưng chưa được chấp nhận, ông là Lương Văn Xin (hay còn gọi là ông An).

Cuộc sống cơ cực của người cựu binh

Nhận được thông tin phản ánh về “cựu binh” Lương Văn Xin đang chịu thiệt thòi về các chính sách dành cho người có công, chúng tôi tìm về bản Lè, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu vào một ngày cuối tháng 8/2017, để tìm hiểu ngọn nguồn sự việc. Mới qua cầu Châu Hội, hỏi đường vào nhà “cựu binh” Lương Văn Xin (SN 1944, trú bản Lè) không ai là không biết bởi ngày nào ông Xin cũng đi nhặt, mua phế liệu ở trong xóm, bản và xung quanh chợ xép gần UBND xã Châu Hội, bán lại kiếm sống. Tuy vậy, đúng hôm chúng tôi lên Châu Hội thì những người dân cho biết hôm đó không thấy ông Xin đi nhặt phế liệu nhưng ngày thường.

Nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của đồng chí công an viên, chúng tôi vượt qua nhiều đoạn đường dốc, khúc khuỷu mới đến được bản Lè, xã Châu Hội. Trước mặt chúng tôi ngôi nhà của ông Xin hiện ra, căn nhà nhỏ hai gian được lợp bằng mái ngói proximang, xung quanh thưng bằng ván gỗ tạp, hở hoác.

“Cựu binh” Lương Văn Xin năm nay 73 tuổi, hàng ngày đi nhặt, mua phế liệu bán lại để kiếm sống qua ngày
“Cựu binh” Lương Văn Xin năm nay 73 tuổi, hàng ngày đi nhặt, mua phế liệu bán lại để kiếm sống qua ngày

Ông Xin bảo, nhà này của xã làm cho đấy nhưng giờ hư hỏng rồi, trời mưa nước chảy tràn vào nhà, ướt hết. Quả nhiên, khi phóng viên ngước mặt lên mái nhà quan sát, giữa trưa nắng, hàng trăm vệt sáng lỗ chỗ lọt qua ngói proximang chiếu vào bên trong căn nhà tăm tối. Chúng tôi trộm nghĩ, mái nhà thủng nhiều như vậy, trời mưa nước không vào nhà mới là chuyện lạ. Tài sản trong nhà ông Xin là 2 chiếc giường cũ nát, chiếc phản gỗ cáu bẩn và chiếc Tivi (được tặng - PV) cũng cũ rích, nhàu rách như con người ông vậy! Ông Xin đánh trần, trên người chỉ mặc chiếc quần dài màu đen đã cũ, rách rưới đến nỗi ông phải dùng sợi dây để buộc ngang lưng khỏi rơi quần… Vậy nhưng, khi hỏi chuyện về thời gian tham gia chiến tranh, thay vì “nửa tỉnh, nửa mơ” như ban đầu, ông Xin kể chuyện chiến đấu, bị thương rất rành mạch.

Tháng 2-1965, người thanh niên dân tộc Thái, Lương Văn Xin lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chiến đấu ở chiến trường ác liệt Kon Tum – Gia Lai. Tháng 1-1968, trong một lần hành quân, ông Xin và đồng đội bị địch đánh phục kích tại Đồn Me, tỉnh Gia Lai nên bị thương nặng, phải lui về tuyến sau để điều trị. Tháng 4- 1975, khi đất nước giải phóng, ông Xin được phục viên, trở về quê hương làm ăn, sinh sống.

Giấy chứng nhận bị thương gốc (số 5403, do Đoàn 200, Quân khu IV cấp năm 1974)
Giấy chứng nhận bị thương gốc (số 5403, do Đoàn 200, Quân khu IV cấp năm 1974)

Hơn 10 năm hi sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, “hành trang” trở về là những vết thương lồi lõm trên cơ thể, những di chứng do chất độc hóa học hành hạ. Thêm vào đó gia đình kẻ mất, người còn, lưu lạc, sơ tán khắp nơi nhưng bằng ý chí và nghị lực, người lính năm xưa vẫn gắng gượng đứng dậy, xây dựng cuộc sống mới. Ghi nhận những những cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc, năm 1997, ông Lương Văn Xin được Chủ tịch nước tặng “Huân chương kháng chiến hạng 3”.

Giấy chứng nhận sức khỏe gốc (thương tật 7%)
Giấy chứng nhận sức khỏe gốc (thương tật 7%)

Người dân ở gần đó cho biết, ông Xin đã từng có vợ, có con nhưng vợ đã bỏ đi từ lâu, người con gái lấy chồng ra tỉnh Thanh Hóa, nhiều năm nay ông sống côi cút một mình trong căn nhà cô quạnh. Do tuổi cao, sức yếu và những vết thương, di chứng thời chiến tranh để lại, ông Xin luôn bị đau ốm, bệnh tật hành hạ, nhiều lúc trái gió trở trời vết thương tái phát, chứng rối loạn tâm thần khiến ông la hét, chửi bới mọi người. Hiện tại hai mắt ông đã mờ đục, viêm phế quản, viêm đa khớp, đau dạ dày…ông đã điều trị hết các bệnh viện tuyến huyện đến tỉnh nhưng không có tiến triển mà ngày một nặng hơn. Bệnh tật khiến ông không thể lao động, làm việc bình thường mà đành phải đi nhặt phế liệu bán lấy tiền mua gạo sống qua ngày (1kg giấy vụn mua với giá 3.000đ, bán lại 3.500đ; 1 ống lon mua 200đ, bán lại 250đ).

“Dài cổ” chờ chế độ

Tháng 5/2011, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An có công văn số 652 về việc ban hành quy trình xét duyệt hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đến UBND các xã, huyện, thành phố, thị xã.

Xét thấy trường hợp của ông Lương Văn Xin đủ điều kiện nên cán bộ chính sách, UBND xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu đã hướng dẫn ông làm hồ sơ để cấp trên xét duyệt. Tưởng chừng người cựu binh với nhiều vết thương, ảnh hưởng nghiêm trọng của chất độc chiến tranh sẽ được an ủi, vơi bớt khó khăn phần nào nhưng không ngờ quá trình làm chế độ lại gian truân đến thế. Sau khi làm tất cả các thủ tục, quy trình xét duyệt hồ sơ từ: Bản khai cá nhân, biên bản họp xóm, biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận người có công cho đến bệnh án, giấy ra viện, các giấy tờ điều trị bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc điôxin… nộp lên. Tuy nhiên, hồ sơ của ông Xin sau đó bị Phòng LĐ-TB&XH Quỳ Châu trả lại?!

Ông Xin trong căn nhà bếp trống hoang, mưa là ướt
Ông Xin trong căn nhà bếp trống hoang, mưa là ướt

Trong văn bản số 40, ngày 06/07/2017, trả lời ông Xin, do bà Hoàng Thị Oanh  - Phó phòng LĐ – TB& XH huyện Qùy Châu (nay là trưởng phòng  - PV), cho rằng: Hồ Sơ không có bệnh án điều trị mắc 1 trong 17 căn bệnh theo Quyết định 09 của Bộ Y tế quy định. Giấy tờ gốc bị tẩy xóa, chỉnh sửa.

Tuy nhiên khi kiểm tra hồ sơ gốc của ông Xin cung cấp, chúng tôi không phát hiện chỗ nào bị tẩy xóa như bà Oanh nói. Đặc biệt trong hồ sơ gửi lên phòng LĐ-TB&XH Quỳ Châu, có bệnh án điều trị bệnh tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.

Giấy chứng nhận của Bệnh viện tâm thần Nghệ An
Giấy chứng nhận của Bệnh viện tâm thần Nghệ An

Ông Xin bức xúc: “Từ ngày phục viên, sức khỏe của tôi ngày một yếu đi, đau ốm, bệnh tật hành hạ triền miên. Khi nghe Nhà nước làm chế độ chất độc hóa học cho người có công, tôi đã đi làm hồ sơ, giấy tờ đầy đủ nộp lên phòng LĐ-TB&XH huyện Qùy Châu để được xem xét, giải quyết. Thế nhưng họ lại trả hồ sơ về với lí do bịa đặt, không đúng sự thật”.

Trước sự việc trên, đề nghị UBND huyện Quỳ Châu và các phòng, ban ngành chức năng có liên quan, xem xét, chỉ đạo giải quyết chế độ cho “cựu binh” Lương Văn Xin theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có công với cách mạng.                                                 

Phạm Tuân – Thành Vinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Cựu binh "dài cổ" chờ chế độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO