Ngày thứ 5 xét xử vụ “Tham ô tài sản” tại Công ty ALC II: Tranh luận nảy lửa phòng xử án

23/09/2014 00:00

(TN&MT) - Tranh luận công khai, dân chủ trên tinh thần thượng tôn pháp luật với kết cục: VKS bảo lưu quan điểm, trong khi đó các luật sư bác quan điểm luận tội...

   
(TN&MT) – Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, sáng 22/9 sang ngày xét xử thứ 5 phiên tòa xét xử Vũ Quốc Hảo và 10 bị cáo “Tham ô tài sản”  tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành cho luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và các bị cáo cùng đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND TP.HCM) tranh luận trực tiếp tại tòa. Ngày tranh luận công khai, dân chủ trên tinh thần thượng tôn pháp luật với kết cục: VKS bảo lưu quan điểm, trong khi đó các luật sư (LS) vẫn một mực bác quan điểm luận tội của vị đại diện VKS…
   
   
  Đối đáp với LS Đỗ Hải Bình (Đoàn LS TP.HCM, bào chữa cho Vũ Quốc Hảo) vị đại diện VKS cho rằng từ hành vi thổi giá tàu Tirno 2 100 triệu đồng lên 130 tỉ đồng, sau đó Hảo và các đồng phạm đã tiến giải ngân 130 tỉ đồng ra khỏi Cty ALC II, tiếp đó Hảo dùng số tiền này mua lô đất trạm dừng chân ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang của Cty Tô Châu với giá 79 tỉ đồng. Việc mua lô đất này là Cty Cát Long Hải mua, mà Cty Cát Long Hải là của Vũ Quốc Hảo chứ không phải là Cty ALC II. “Việc thực hiện hành vi sai phạm của Hảo đã hoàn thành, vì vậy VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị HĐXX tuyên Hảo “tội tham ô” - đại diện VKS khẳng định.
   
   
  Không đồng tình với VKS, LS Đỗ Hải Bình phân tích: Trong số 130 tỉ đồng thì có 51 tỉ đồng được giữ lại để đảm bảo việc thực thi theo luật tài chính của hợp đồng vay tài chính đối với con tàu Tinro 2 này, chỉ chuyển ra khỏi Cty ALC II 79 tỉ đồng. Trong số 79 tỉ đồng “ra ngoài ALC II” thì lại có hơn 41 tỉ đồng mà Cty Tô Châu thiếu, không có khả năng thu hồi. Cty này đã thực hiện một hợp đồng tài chính mà đã phát mãi tài sản. Trong khi đó, tài sản mà Cty Tô Châu đã thế chấp có giá trị lớn nhiều lần số tiền 41 tỉ đồng. Cty ALC II tiến hành động tác để giải cứu Cty Tô Châu để giữ mảnh đất này lại và bán đi sẽ hóa giải số tiền 41 tỉ đồng “bị cáo Hảo cho nhân viên áp tải mang 41 tỉ đồng tới ngân hàng để lấy các chủ quyền đất mà Cty Tô Châu thế ngân hàng, tiền từ ALC II qua ngân hàng chứ không vào túi ai” - LS Bình nói.
   
  Cũng theo LS Bình thì số tiền còn lại gần 38 tỉ đồng, trong đó 29,3 tỉ đồng thì Cty ALCII chuộc mấy chục chiếc số đỏ đang nằm ở rất nhiều ngân hàng, thực tế số tiền ra khỏi Cty ALCII chỉ còn là 8,4 tỉ đồng tiền mặt đã đưa cho Cty Cát Long Hải. Nhưng trong đó 7,9 tỉ đồng đã trừ vào số tiền mà Cát Long Hải đang nợ một hợp đồng tài chính khác mà mất khả năng thanh toán. Như vậy, số tiền mặt Cty Cát Long Hải chỉ có 500 triệu đồng. Nhưng sau đó để đảm bảo số tiền mà Cty Tô Châu sang tên cho Cty Cát Long Hải có giá trị hợp động lên tới gần 79 tỉ đồng (mảnh đất rộng hơn 86.000m2 tại huyện Cái Bè, Tiền Giang), Cty Cát Long Hải tiếp tục chuyển số tiền 8,55 tỉ đồng cho Cty Tô Châu. “Như vậy, mục đích của ông Hảo là hóa giải số nợ, đảm bảo quyền lợi của ALCII không mất đi tài sản mà những người khác thiếu không có khả năng thu hồi, vì vậy Hảo không tham ô” - LS Bình khẳng định với VKS.
   
   
  Liên quan tới phần bào chữa của LS Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn LS Hà Nội) bảo vệ cho bị cáo Hoàng Lộc, nguyên Tổng giám đốc Cty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam (bị cáo Lộc hôm 18/9 bị VKS đề nghị tuyên án tử hình). Vị đại diện VKS  cho rằng Lộc biết được mục đích của Phạm Minh Tuấn và Hảo, Hoàng Lộc vì đưa ra kết quả thẩm định như yêu cầu của Tuấn nên Tuấn thực hiện  đầy đủ hồ sơ để phạm tội “VKS giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Lộc phạm tội tham ô tài sản là đúng người, đúng tội” - VKS khẳng định.
   
  Đối đáp lại VKS, LS Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng, buộc tội tham ô mà VKS không hề chứng minh Lộc nhận bao nhiêu tiền, nhận của ai, thời điểm nào. Ngay cả tới khi cơ quan điều tra cho biết vụ án thì Lộc mới biết mặt một số bị cáo “11 bị cáo đồng phạm cùng 1 tội danh mà bị cáo Lộc còn chưa biết mặt hết thì sao là đồng phạm, không biết mặt thì làm sao bàn bạc, tính toán để tham ô?” - LS Hằng Nga đặt câu hỏi với VKS. Cũng theo LS thì VKS tại tòa phải công minh: “VKS phải vừa buộc, vừa gỡ đứng giữa giám sát pháp luật, ngay cả nếu tuyên án tử hình, bị cáo làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá, Chủ tịch nước cũng xem tình tiết tiết giảm nhẹ để ân huệ, thế nhưng ngay tại phiên tòa này, chẳng hiểu vì sao VKS không xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo” LS Nguyễn Thị Hằng Nga nói rằng bị cáo đã nêu hàng loạt tình tiết như gia đình bị cáo Lộc có công; bị cáo không tiền án, tiền sự; mới phạm tội lần đầu và thành thật khai báo…thế nhưng VKS đã buộc tội mà không xem xét các tình tiết giảm nhẹ này.
   
   
   Đáng lưu ý là trong phần tranh luận, LS Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng VKS buộc tội các bị cáo “thổi” tàu Tirno 2 từ 100 triệu đồng lên 130 tỉ đồng, thế nhưng VKS lại không trưng ra chứng cứ, bút lục nào khẳng định cơ quan giám định đủ tin tưởng. LS nói rằng tàu lặn quá mới đối với nước mình chưa ai đủ sức am tường tàu lặn để định giá cho đúng con tàu này, các giấy tờ của các cơ quan có pháp nhân được luật pháp thừa nhận thì con tàu phải hơn 80 tỉ đồng, nó là con tàu đang hoạt động vì có đủ các giấy phép hoạt động, chứ không phải chỉ là vỏ tàu.  “Các bị cáo sẳn sàng góp tiền thuê các cơ quan giám định nước ngoài vào để giám định con tàu lặn này, khi đó mới là giá trị thật” - LS Nga đưa ra lời đề nghị.
   
   
  Tương tự, với bị cáo Lê Phúc Đức, Vũ Đức Hòa, Đinh Nguyên Tý, Lê Thị Minh Huệ, Phạm Xuân Nghị, Nguyễn Văn Thọ, Phùng Văn Đồng và Nguyễn Văn Tài, đại diện VKS đã bác bỏ toàn bộ các luận điểm biện hộ chối tội của luật sư và các bị cáo; đồng thời giữ nguyên quan điểm VKS truy tố các bị cáo phạm tội là đúng người, đúng tội. “11 bị cáo điều phạm tội tham ô, trong đó Vũ Quốc Hảo là chủ mưu, 10 bị cáo còn lại đồng phạm, giúp sức” – đại diện VKS “chốt” bảo lưu quan điểm khi tranh tụng công khai…
   
Bài & ảnh: Tân Châu
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày thứ 5 xét xử vụ “Tham ô tài sản” tại Công ty ALC II: Tranh luận nảy lửa phòng xử án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO