Trước đó, tại phiên kỹ thuật Diễn đàn VBF, Bộ TN&MT đã nhận được 28 ý kiến từ các Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.
Phản hồi các ý kiến này tại phiên họp cấp cao Diễn đàn VBF, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, Bộ đã cử các cán bộ có trách nhiệm trực tiếp ghi nhận và trao đổi để tháo gỡ.
Về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, hiện nay, mặc dù thời hạn góp với dự thảo Luật đã kết thúc, nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT vẫn hoan nghênh và tiếp thu toàn bộ các ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Mục tiêu để dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào phiên họp cuối năm nay sẽ là một dự thảo có chất lượng tốt nhất. Trong đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tiếp cận tài nguyên đất sẽ có tính khả thi và cởi mở hơn.
Về lĩnh vực tài nguyên nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2023, Bộ TN&MT dự kiến sẽ xây dựng và trình dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trong đó, có các quy định về phân bổ, sử dụng nguồn nước một cách hài hòa, hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo mục tiêu an ninh nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về lĩnh vực khai thác khoáng sản, một số ý kiến cho rằng các quy định hiện hành chưa cởi mở, trong đó có vấn đề thuế tài nguyên cũng như là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở Việt Nam chưa cạnh tranh. Bộ TN&MT ghi nhận, thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở Việt Nam nằm trong nhóm nước có mức thu còn cao, thiếu tính cạnh tranh. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) đang được xây dựng và dự kiến trình Quốc hội ban hành vào năm 2024. Trong đó sẽ có những quy định để làm sao thu hút được các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tập đoàn, công ty lớn của quốc tế vào lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng, ví dụ như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, khai thác titan ở Bình Thuận và miền Trung, khai thác đất hiếm tại khu vực Tây Bắc của Việt Nam…
Một lĩnh vực cũng có nhiều ý kiến quan tâm, đó là lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT cũng đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có một số vấn đề vướng mắc nổi lên trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Bộ đang khẩn trương rà soát toàn diện để sẵn sàng có thể bổ sung, sửa đổi các nội dung của Nghị định này, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, tại phiên họp kĩ thuật, Bộ TN&MT đã nhận được các khuyến nghị tập trung vào các vấn đề lớn. Trước hết là vấn đề thu hút nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon. Theo kịch bản phát triển trong điều kiện thông thường, trong 10 đến 20 năm tới, Việt Nam sẽ phát triển theo hướng năm sau cao hơn năm trước.
Trong bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035 và hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, theo tính toán, Việt Nam sẽ cần nguồn vốn rất lớn khoảng 380 tỷ USD. Đây là một nguồn lực rất lớn chủ yếu đến từ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Bộ TN&MT đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để có chính sách phù hợp nhằm loại bỏ các rủi ro pháp lý, đồng thời, phân bổ các rủi ro khác một cách hiệu quả để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư vào việc giảm phát thải khí nhà kính.
Về vấn đề thuế carbon có thể tạo nguồn tài chính cho Quỹ tài chính xanh trong khu vực, Bộ TN&MT tiếp nhận ý kiến này với quan điểm rất tích cực. Hiện nay, theo chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và có thể vận hành thị trường carbon trong nước, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính bắt đầu từ năm 2025.
Cuối cùng, liên quan đến phát triển kinh tế biển, theo kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch sẽ có nhiều nội dung có tính khả thi nhằm khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên biển, trong đó có nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió ngoài khơi.