Ngành giáo dục chung tay chống rác thải nhựa

Linh Chi| 22/04/2019 18:18

(TN&MT) - Hiện nay nhiều Sở GD&ĐT trên cả nước đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" và ra văn bản yêu cầu các phòng giáo dục, trường học… thực hiện kế hoạch này.

Xây dựng kế hoạch chống rác thải nhựa

Tại An Giang, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai phong trào Chống rác thải nhựa. Thực hiện công tác tuyên truyền, phối hợp tuyên tuyền phổ biến ở đơn vị, thông qua các cuộc họp lệ của các đoàn thể; các buổi họp chi bộ, họp hội đồng trường, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa… Thời gian thực hiện kể từ năm học 2018 – 2019 và các năm học tiếp theo. Tổ chức các hoạt động phong trào như hội thi, diễn tiểu phẩm… với nội dung “Chống rác thải nhựa”, nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon… nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Đồng thời yêu cầu các đơn vị hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần và tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Tương tự, Sở GD&ĐT Sơn La, Thái Bình… cũng ra văn bản yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở triển khai phong trào chống rác thải nhựa. Trong đó nêu rõ: Các đơn vị giáo dục, trường, lớp không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần trong các hoạt động của trường, lớp; phát động mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Phát động phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định…

1ed0f6697a289376ca39
Học sinh tham gia phong trào Chống rác thải nhựa

Để hạn chế rác thải nhựa, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đưa ra giải pháp lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức nguy cơ ô nhiễm nhựa vào chương trình đào tạo giáo dục học đường. Lồng ghép, tích hợp, giáo dục bảo vệ môi trường vào môn học. Yêu cầu giáo viên soạn bài và dạy học theo hướng lồng ghép, tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường “Chống rác thải nhựa” trong môn học. Xây dựng các chủ đề dạy học theo dự án về bảo vệ tài nguyên môi. Thường xuyên tổ chức các chuyên đề ngoại khóa về giáo dục bảo vệ môi trường “Chống rác thải nhựa”.

Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình thu gom và phân loại rác thải trong nhà trường. Thu gom các sản phẩm từ chai nhựa, chai thủy tinh, hộp lon kim loại, giấy vụn, sách báo đã qua sử dụng để tái sử dụng hoặc bán phế liệu. Các đơn vị trường học thường xuyên tổ chức các đợt ra quân vệ sinh dọn dẹp rác thải bảo vệ môi trường trên địa bàn nhà trường, địa bàn dân cư…

Các trường đồng lòng hưởng ứng

Có thể thấy, sự vào cuộc tích cực, bám sát thực tế, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong phong trào “Chống rác thải nhựa” mà Bộ TN&MT phát động đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Gần một năm nay, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ đặt ra nguyên tắc: 'Bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa', khuyến khích học sinh và giáo viên nhà trường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhà trường không cấm mà vận động mọi người hưởng ứng "3 không" - Không ly nhựa, không hộp xốp, không túi nilông.

Không còn là phong trào mang tính tự phát, Trường ĐH Mở TPHCM đã ra quyết định không sử dụng ước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa, các vật dụng như ly, dĩa, muỗng sử dụng một lần bằng nhựa trong tất cả các cuộc họp tại trường. Để thực hiện hiệu quả quy định này, trường tặng bình nước uống sử dụng được nhiều lần cho cán bộ, viên chức, giảng viên. Yêu cầu từ ngày 15/5, tất cả phòng học ngưng phục vụ nước uống đóng chai nhựa cho giảng viên. Giảng viên dùng bình nước cá nhân hoặc bình do trường cấp để lấy nước uống tại phòng giáo viên hoặc phòng trực giảng đường.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM đã nghiên cứu hàng loạt đề tài thiết thực như “Người dân sử dụng quá nhiều túi nhựa (túi nilon) và thải ra gây ô nhiễm môi trường ở các chợ quận Bình Thạnh", "Chiến dịch tuyên truyền sử dụng túi môi trường tại chợ Thị Nghè", "Người dân Bình Thạnh sử dụng quá nhiều chai dầu ăn bằng nhựa và vứt bừa bãi", "Giảm thiểu rác thải nhựa trong các sinh hoạt hàng ngày”… để thể hiện được sức sáng tạo, góc nhìn đa chiều về thực trạng môi trường sống cũng như trách nhiệm vì cộng đồng của thế hệ trẻ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành giáo dục chung tay chống rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO