Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, các doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch để thích ứng với tình hình mới.
Doanh nghiệp lao đao
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), một số ngành có ảnh hưởng lớn là nông, lâm nghiệp và thủy sản; doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm… Tính đến đầu tháng 3/2020, báo cáo của 23 tổ chức tín dụng cho thấy, có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Các hoạt động sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng là thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Khách quốc tế đến Việt Nam trong kỳ thống kê tháng 2 giảm 37,7% so với tháng 1 và giảm 21,8% so với cùng kỳ, trong đó khách đến từ châu Á giảm 27,2%.
Ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó |
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ngay trong 2 tháng đầu năm, số lượng các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể tăng vọt, với 28.400 doanh nghiệp cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh.
Những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì gần như ngừng hẳn hoạt động ngay từ kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Anh Hoàng Công Minh, Giám đốc Công ty Máy tính Hoàng Minh than thở: “Chúng tôi có thể phá sản nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng, do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho nhânviên, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng nhiều chi phí khác”.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng kinh doanh Công ty Thăng Long Travel cũng bộc bạch: “Du lịch là ngành đang phát triển và hiện đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến cho ngành du lịch nói chung và những công ty lữ hành nhỏ hoàn toàn tê liệt. Mới đây, công ty chúng tôi đã phải giảm 50% nhân viên và tới đây sẽ tiếp giảm nữa”.
Giảm lãi suất hết mức có thể
Nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 còn lâu dài, ngành ngân hàng đã chủ động chung tay, chung sức chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp và người dân để vượt qua giai đoạn này.
Dẫn đầu là Vietcombank với chính sách, từ nay đến hết ngày 30/4, giảm lãi suất VND 1 - 1,5%/năm và ngoại tệ 0,5 - 0,75%/năm, tùy theo kỳ hạn. Với các khoản vay mới, Ngân hàng cũng giảm 1%/năm lãi suất với VND và 0,5%/năm với USD. Vietcombank ước tính, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp ước 300 - 450 tỷ đồng.
Nam A Bank đã triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Corona”, áp dụng từ ngày 10/2 cho tới khi Chính phủ có thông báo chính thức về việc dịch bệnh kết thúc.
Lãnh đạo của Nam A Bank cho biết, khách hàng được giảm đến 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với loại tiền VND và USD. Ngân hàng mong muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu....
Ông Nguyễn Văn Tiến (Phòng tín dụng, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank)) cho biết, Ngân hàng đã triển khai các gói cho vay ưu đãi bằng VND và ngoại tệ với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng và lãi suất giảm từ 1 - 1,5% so với biểu lãi suất hiện hành của TPBank nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ ngày 12/2 đến 30/6/2020. Ðối tượng được hưởng ưu đãi là các khách hàng có hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu... bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, TPBank sẽ rà soát để đưa ra các biện pháp hỗ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch Covid-19 như du lịch, khách sạn, các công ty vận tải lữ hành, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa từ nơi này.
Eximbank thì dành 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm; đồng thời, sẽ triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm các doanh nghiệp lớn.
Các chuyên gia kinh tế đã dự báo, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang diễn biến trầm trọng và khả năng phục hồi là rất lâu, rất thấp, do đó, các doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch để thích ứng với tình hình mới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho cả tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.