Nếu không hành động, sự nóng lên toàn cầu sẽ chạm ngưỡng 2 độC năm 2050

01/10/2016 00:00

(TN&MT) – Ngày 29/9, các nhà khoa học cho biết sự nóng lên toàn cầu đang trên đà vi phạm ngưỡng 2 độ C vào năm 2050 nếu chính phủ các nước không tăng gấp đôi nỗ lực hạn chế phát thải khí nhà kính.

Theo các nhà khoa học, kế hoạch cắt giảm khí nhà kính của gần 200 quốc gia là quá yếu để phù hợp với mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về BĐKH hồi tháng 12/2015 nhằm thay đổi mạnh mẽ việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh hơn.

Hiệp định Paris đưa ra mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, trong khi theo đuổi ngưỡng 1,5 độ C khó khăn hơn.

Robert Watson, nhà khoa học người Anh, là 1 trong 7 tác giả của nghiên cứu cho biết: "Nếu chính phủ các nước thực sự nghiêm túc trong việc cố gắng hạn chế  nhiệt độ toàn cầu tăng đến 2 độ C, họ thực sự phải tăng gấp đôi hoặc gấp 3 nỗ lực cam kết được thực hiện tại Paris trong thời điểm hiện nay”.

Nghiên cứu này cho biết giới hạn có thể đạt đến vào năm 2050 ngay cả khi những cam kết tại Paris được thực hiện đầy đủ.

Nếu không hành động, sự nóng lên toàn cầu sẽ chạm ngưỡng 2 độ C vào năm 2050 (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Nếu không hành động, sự nóng lên toàn cầu sẽ chạm ngưỡng 2 độ C vào năm 2050 (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, phát thải khí nhà kính trên thế giới, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch hiện rơi vào khoảng 54 tỷ tấn/năm và cần được cắt giảm xuống 42 tỷ tấn vào năm 2030 để đạt được mục tiêu dưới ngưỡng 2 độ C.

Tuy nhiên, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc cho biết cam kết hiện nay theo Hiệp định Paris sẽ giữ cho lượng khí thải ở mức khoảng 54 tỷ tấn vào năm 2030. Con số này ít hơn 11 tỷ tấn so với ước tính khoảng 65 tỷ tấn mà không theo cam kết nhưng lại cao hơn 14 tỷ tấn so với 42 tỷ tấn.

"Ngưỡng 1,5 độ rõ ràng là không thể đạt được. Chúng ta có thể vượt qua ngưỡng nảy vào đầu những năm 2030", Watson khẳng định.

Nóng lên toàn cầu gây ra nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, mưa lớn và nước biển dâng. Nhiệt độ trung bình thế giới năm nay ở mức cao kỷ lục, khoảng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mai Đan

Tổng hợp từ Reuters

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu không hành động, sự nóng lên toàn cầu sẽ chạm ngưỡng 2 độC năm 2050
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO