Nét đẹp dân gian trong nghề làm lọng ở đất Cố đô

28/02/2018 14:01

(TN&MT ) - Cố đô Huế là vùng đất giàu tín ngưỡng dân gian, coi trọng tính thiêng liêng, luôn đề cao sự uy nghi, tôn nghiêm của lễ hội cung đình. Chính vì vậy, nghề làm lọng đang phát triển ổn định.

Các nghệ nhân ở cơ sở sản xuất lọng- đèn Hoàng Ngọc Tuyên đang miệt mài với công việc
Các nghệ nhân ở cơ sở sản xuất lọng- đèn Hoàng Ngọc Tuyên đang miệt mài với công việc

Lọng là sản phẩm độc đáo được dùng để tôn vinh sự trang trọng, quý phái trong các nghi lễ của triều đình xưa, cũng như trong các lễ nghi cúng tế mang đậm tín ngưỡng dân gian. Từ đám rước thần linh, đám tang, lễ cưới, hỏi... đều có sự hiện diện của chiếc lọng. Lọng còn được trưng bày thờ phụng trong các chùa, đình làng, nhà thờ họ.

Những ngày đầu xuân Mậu Tuất này, chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất lọng- đèn của Nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Tuyên (72 tuổi, đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP. Huế). Đây là một địa chỉ làm lọng rất nổi tiếng nơi đất Cố đô.

Nhâm nhi tách trà nóng một chiều se lạnh của khí xuân, ông Tuyên chia sẻ, lúc trước ông thất nghiệp nên làm đủ thứ nghề mà vẫn không đủ sống. Sau đó, nhờ có người thân chỉ cho cái nghề làm lọng này nên từ đó ông quyết tâm học và bám trụ... “Vừa làm vừa lo không ai mua, cũng may họ thấy lọng mình làm đẹp nên dần dần có người đặt hàng. Hiện tại cơ sở làm lọng đèn Ngọc Tuyên của mình độc quyền làm ra những chiếc lọng như thế này đây...”- ông Tuyên vừa nói vừa chỉ tay vào những sản phẩm của cơ sở ông.

Để hoàn thành một chiếc lọng hay tán, đèn phải trải qua hàng chục công đoạn đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, sự kỳ công và kiên trì. Cơ sở ông Tuyên có khoảng 15 nghệ nhân hành nghề thường xuyên, cùng phối hợp thực hiện các công đoạn sơ chế tre, cưa, uốn, khoan, chẻ, vót, phơi, sấy, vệ sinh, sơn,... cho đến các khâu đòi hỏi sự khéo léo, tính nghệ thuật cao như lắp ghép, thắt, khâu, chạm trổ rồng phụng, tra cáng.
 

Một chiếc lọng vừa được hoàn thành
Một chiếc lọng vừa được hoàn thành

Khung và thân lọng khi bung ra hoặc thu lại phải nhẹ nhàng, đều đặn đẹp mắt. Nan lọng làm bằng tre tươi, được xử lý kỹ, rồi khoan lỗ, uốn cong bởi hơi lửa. Theo ông Tuyên thì đây là khâu quan trọng nhất, người thợ phải kết hợp sự khéo léo của đôi bàn tay, uốn cho đúng kỹ thuật, cộng với xử lý độ nóng của lửa sao cho hợp lý, để làm cong đoạn tre vì có chỗ cần cong nhiều, chỗ cần cong ít.

Anh Nguyễn Lâm (thợ làm lọng) cho hay, anh theo nghề này đã hơn 20 năm tại cơ sở của ông Tuyên. “Mình chỉ mong là nhiều người tìm mua những chiếc lọng, hàng bán được thì ông chủ (ông Tuyên) mới có tiền trả cho thợ như mình và hơn hết là mình có công việc ổn định để nuôi gia đình”- anh Lâm tâm sự.

Trải qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, hiện nay cơ sở làm lọng của ông Tuyên ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Bắc tới Nam. Ngoài hai sản phẩm chính là tán thờ và lọng cưới, cơ sở còn sản xuất thêm các mặt hàng lưu niệm như lồng đèn Hội An, lồng đèn ú, đèn kéo quân...
 

Nghề làm lọng vất vả, phải có tính kiên trì
Nghề làm lọng vất vả, phải có tính kiên trì

Hiện cơ sở Ngọc Tuyên sản xuất được 3 cặp lọng/ngày. Một cặp lọng tùy độ công phu có giá dao động từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng. Các sản phẩm của ông đã có mặt ở nhiều hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế;được nhiều người biết tiếng. Một số sản phẩm được sản xuất theo các đơn đặt hàng và xuất khẩu ra nước ngoài.

Cũng theo ông Tuyên, nghề làm lọng vất vả, phải kiên trì. Dù vậy ông Tuyên vẫn luôn động viên các người thợ. “Thợ làm miết cũng dần quen tay, chỉ cần đam mê là được rồi. Vất vả nhưng gắn bó với nghề thì nghề không phụ mình đâu...”- ông Tuyên nói.

Ông Tuyên cũng trăn trở là làm thế nào để giữ được nghề của gia đình. Vì thế con cháu của ông ít nhiều cũng đã được ông chỉ dạy. “Nhờ cái nghề này mà con cái và mọi người có việc làm. Tương lai chúng tôi già rồi thì con cháu sẽ gánh vác cái nghề làm lọng, đèn. Vừa có công việc làm vừa gìn giữ phát huy truyền thống của ông cha để lại...”- ông Tuyên vui vẻ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp dân gian trong nghề làm lọng ở đất Cố đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO