Nền công vụ vì dân

Ngọc Lý| 17/11/2020 10:57

(TN&MT) - Dù đã có những cải thiện, xong thủ tục hành chính hiện vẫn là một trong ba “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, khi mà nền hành chính “cai trị” không chuyển dần sang nền hành chính “phục vụ”, khi đó, điểm nghẽn sẽ càng “phình to”.

Có thể thấy, những vụ việc liên quan sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức xuất hiện thời gian qua ở hầu hết các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, hải quan, công an, kiểm lâm, thuế vụ, giáo dục, y tế, giao thông...

Đơn cử như, một số vụ cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho "lâm tặc" phá rừng; cán bộ, nhân viên quản lý thị trường "ăn chặn" tiền của người dân; cán bộ dự án "rút ruột" công trình xây dựng... Điều khiến dư luận bức xúc là sau mỗi vụ việc được phát hiện, mặc dù lãnh đạo các đơn vị, cơ quan có cá nhân sai phạm đều khẳng định sẽ điều tra và xử lý nghiêm theo đúng quy định, quy trình, nhưng án kỷ luật mà hầu hết cá nhân sai phạm bị xử lý chỉ là khiển trách, cảnh cáo hoặc thuyên chuyển công tác, chỉ một số ít trường hợp bị truy tố trước pháp luật.

Người dân được hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Phương Linh

Thời gian qua, nhiều địa phương, nhiều ngành cũng đã bắt đầu quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân nên đã tiến hành lấy phiếu điều tra sự hài lòng của khách hàng (công dân) đối với hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan công quyền, xem sự hài lòng của công dân là thước đo kết quả của cải cách hành chính.

Với yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, đã đến lúc việc thực hiện “cam kết phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng” của các cơ quan công quyền phải đặt thành “chế độ”, được quy định bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao hoặc được luật hoá, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản là xây dựng các “chỉ số” hài lòng, hợp lòng dân.

Theo đó, cam kết trách nhiệm phải đặt ra cụ thể. Nếu tổ chức không thực hiện đúng cam kết thì phải xin lỗi dân hoặc bồi thường thiệt hại cho dân. Cơ chế thực hiện cam kết bao gồm cơ chế giám sát từ bên ngoài, cơ chế quản lý nội bộ, sự bảo đảm về mặt kỹ thuật. Cơ sở để chế độ cam kết phục vụ phát huy tác dụng là sự giám sát của xã hội. Chủ thể giám sát bao gồm công chúng, phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội, mạng lưới giám sát xã hội.

Ban hành các Chỉ thị, Quyết định kiểm tra, đôn đốc - vốn dĩ không phải là điều mà các cấp lãnh đạo mong muốn. Nhưng, trước thực tế có quá nhiều than phiền của người dân về thực trạng kém hiệu quả của nền hành chính các cấp đã khiến họ phải vào cuộc.

Để hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân, cần có sự thống nhất trong cách thức đề cập, xử lý; cần có những việc làm mang tính tổng thể, hiệu quả rõ rệt. Quyết tâm hành động của lãnh đạo một số địa phương thời gian qua cũng đã chạm đến một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Quan trọng hơn, căn cơ là cần có sự thống nhất trong các biện pháp, giải pháp thực hiện; xây dựng ý thức trách nhiệm trước nhiệm vụ, trước nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức; lấy hiệu quả công việc làm thước đo năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức. Đó là "đạo đức công vụ” mà mỗi cán bộ, công chức cần phải có trong nền một nền hành chính phục vụ nhân dân - nền hành chính vì dân!.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền công vụ vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO