Chất lượng nước tại các trạm chưa đảm bảo
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên, vấn đề nước sạch luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhu cầu sử dụng là rất lớn. Song, huyện có hơn 20 vạn dân thì vẫn còn trên 80% người dân sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày bằng nước giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa. Trong khi, nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm kim loại nặng, nhất là nhiễm asen vượt quy định nhiều lần, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sinh hoạt.
Chất lượng nước của 3 trạm cấp đều chưa đảm bảo, do được xây dựng từ lâu, dây chuyền lạc hậu, nguồn nước ngầm thay đổi nhưng chưa có công nghệ xử lý kịp thời. Đó là 2 trạm tại thị trấn Phú Xuyên, 1 trạm tại thị trấn Phú Minh, do Xí nghiệp nước sạch Phú Xuyên (Công ty TNHHMTV nước sạch Hà Đông) khai thác, quản lý vận hành, cung cấp cho trên 2 vạn dân thị trấn Phú Xuyên, Phú Minh, xã Nam Phong, Phúc Tiến. Trong khi, dự án cấp nước quan trọng nhất hiện nay là dự án đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước cho 28 xã do Công ty CP nước sạch Hà Nam triển khai đang bị chậm tiến độ.
Đáng chú ý, theo Trung tâm Y tế dự phòng huyện, chất lượng nước của 3 trạm cấp nước tập trung đều chưa đạt chuẩn. Với trạm cấp nước trên 1.000 m3/ngày đêm, kiểm tra ngoại kiểm vào tháng 5/2018, có 3 chỉ tiêu không đạt (khử trùng clo dư, amoni, asen), chưa khắc phục được; mạng cấp còn ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh vật. Tại 2 trạm cấp nước dưới 1.000m3/ngày đêm cũng có chỉ tiêu amoni vượt quy chuẩn.
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên Nguyễn Việt Hải cho rằng, nước sạch là vấn đề liên quan mật thiết đến sức khỏe, nên người dân rất mong có chất lượng nước đảm bảo, nhất là khi họ trả tiền theo giá của TP thì cần được hưởng chất lượng nước tương xứng.
Cần tạo được niềm tin của người dân
Nhiều ý kiến đoàn cho rằng, với 40 làng nghề, nước thải ra hầu như chưa được xử lý hiệu quả, nên chỉ số ô nhiễm nước ngầm tại huyện đang rất cao; 3 trạm cấp nước tập trung đều có chất lượng nước không đảm bảo. “Không thể DN cứ cấp nước, còn việc người dân dùng hay không thì là việc của người dân”, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Đô thị HĐND TP Vũ Ngọc Anh nêu rõ quan điểm.
Trong khi đó, Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức đề nghị: Với chất lượng nước tại 3 trạm hiện nay, huyện cần tính toán sớm nên chọn phương án đầu tư cải tạo đúng tiêu chuẩn nước sạch hay tiếp nhận nước từ dự án của Công ty nước sạch Hà Nam về, để đảm bảo nước cho người dân. Truyền thông về nước sạch cũng cần được DN quan tâm; về kinh phí lắp đồng hồ nước thì có thể áp dụng mô hình nhà nước - DN - người dân cùng tham gia.
Ghi nhận cố gắng của huyện, xã, phòng ban, DN trong triển khai cấp nước sạch, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh: Dự án của Công ty nước sạch Hà Nam theo tiến độ phê duyệt năm 2019 phải hoàn thành nhưng đến nay việc thi công tuyến ống 1 chưa xong, tuyến ống số 2 còn một số bước mới có thể khởi công, với 3 trạm tăng áp cũng còn nhiều việc GPMB…
3 trạm do Công ty nước sạch Hà Đông quản lý có chất lượng nước chưa đảm bảo, là một nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bà con trong thị trấn sử dụng nước sạch còn thấp, chưa tin tưởng chất lượng. Mạng lưới đường ống trong phạm vi DN này phụ trách cũng còn 400 hộ chưa được kết nối với mạng; DN chưa chú trọng đầu tư công nghệ đảm bảo chất lượng nước, công khai chất lượng kiểm nghiệm.
Vì vậy, Trưởng đoàn đề nghị Công ty nước sạch Hà Nam sớm có kế hoạch thực hiện dự án đúng cam kết, tiến độ phê duyệt (hoàn thành tuyến số 1 cung cấp cho 9 xã vào cuối năm 2018); triển khai các hợp phần còn lại để 2019 hoàn thành dự án. Ban sẽ tái giám sát việc này. DN cũng cần xây dựng phương án đồng hồ nước, tuyên truyền lấy đồng thuận của Nhân dân, tính chi phí hợp lý, dưới giám sát của chính quyền địa phương.
Công ty nước sạch Hà Đông cần trao đổi với chính quyền về nhu cầu của 20% người dân còn lại tại các địa bàn của dự án, để cuối 2018 tất cả phải được đấu nối với mạng cấp nước. Trong khi chưa cải tạo được hệ thống, DN phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo chất lượng nước, công khai chỉ số, để người dân tin tưởng sử dụng.
Với UBND huyện, cần chủ động phối hợp tuyên truyền tới người dân-là giải pháp đặc biệt quan trọng, vì thực tế người dân nông thôn muốn sử dụng nước sạch nhưng tâm lý vẫn chưa sẵn sàng.