Nâng thời hạn dự báo bão, ATNĐ, chủ động phòng chống thiên tai

Tuyết Chinh| 01/06/2020 13:34

(TN&MT) - Các bản tin dự báo bão của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia được phát sớm đến 3 ngày và cảnh báo sớm đến 5 ngày; trong khi đó, các bản tin áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có hạn dự báo được nâng lên đến 2 ngày và cảnh báo đến 3 ngày… góp phần quan trọng vào công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.

Nâng thời hạn dự báo

Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn (KTTV) quốc gia cho biết, năm 2019, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 8 cơn bão, 3 ATNĐ, trong đó 5 cơn bão và 1 ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong mùa lũ, trên các sông ở Bắc Bộ xuất hiện ít lũ, lượng dòng chảy phổ biến thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN), đặc biệt thiếu hụt trên lưu vực sông Đà vào cuối mùa lũ. Các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra 5 đợt lũ trên diện rộng và một số đợt lũ cục bộ xảy ra trên các sông, suối nhỏ. Trong tháng 11, 12 năm 2019, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đến sớm và gay gắt hơn so với TBNN.

Trong năm qua, Trung tâm Dự báo KTTV đã nhận định sớm tình hình bão, lũ trên cả nước và khu vực ảnh hưởng ngay từ những bản tin nhận định mùa từ đầu năm. Tin cảnh báo mưa lớn định lượng, đến từng khu vực nhỏ với lượng mưa tích lũy 3-6 giờ cho đến hạn dự báo 24 giờ.

Mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN. Ảnh minh hoạ

Cơ quan KTTV đã xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở và ngập lụt vùng trũng cho toàn quốc với tần suất 6h/lần; bản đồ mưa cực đại cho các khu vực hiện đang hoặc sẽ xảy ra mưa lớn diện rộng với tần xuất phát hành 3h/lần phục vụ ban hành các tin lũ, lũ quét, sạt lở đất với tần suất 3-6h/lần, xen kẽ các tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, thực hiện các bản tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất,...

PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, nổi bật nhất trong công tác dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ năm 2019 là việc nâng thời hạn dự báo bão, ATNĐ. Trong năm 2019, các bản tin dự báo bão đã được phát sớm đến 3 ngày và cảnh báo sớm đến 5 ngày, trong khi đó với các bản tin ATNĐ thì hạn dự báo cũng đã nâng lên đến 2 ngày và cảnh báo đến 3 ngày. Tin lũ, tin lũ khẩn cấp được ban hành kịp thời và kèm theo các hình ảnh về ngập lụt.

Nội dung các bản tin bão, ATNĐ, lũ, ngập lụt ngày càng đa dang và phong phú cho phù hợp với yêu cầu của công tác PCTT, giảm nhẹ thiệt hại và yêu cầu chung của người sử dụng.

Bên cạnh đó, dự báo mực nước và dòng chảy các sông trên toàn quốc đã đáp ứng yêu cầu phát điện và chỉ đạo điều hành liên hồ chứa, cũng như lấy nước phục vụ sản xuất. Đặc biệt đã cảnh báo sớm được tình hình thiếu nước và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 7/2019.

“Nâng thời hạn dự báo mực nước triều, sóng và dòng chảy biển đến 3 ngày và cảnh báo đến 10 ngày. Triển khai dự báo nghiệp vụ nước dâng do gió mùa cho khu vực ven biển miền Đông Nam Bộ”, chuyên gia KTTV thông tin.

Hiện nay, các bản tin thiên tai được truyền đi dưới nhiều hình thức như email, fax, tin nhắn sms, họp báo và mạng xã hội... Trong tình huống thiên tai khẩn cấp, tần suất bản tin được phát nhiều hơn (01 bản tin/giờ) góp phần vào việc phòng chống thiên tai trên biển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Diễn biến KTTV phức tạp – trở ngại với công tác dự báo

Mặc dù vậy, diễn biến KTTV trong năm 2019 diễn biến khá phức tạp, bất thường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều loại hình thiên tai đã xuất hiện sớm, số lượng thiên tai không nhiều nhưng đã xảy ra nhiều thiên tai mang tính lịch sử, thiết lập mốc kỷ lục mới. Thiên tai mực nước biển dâng cao bất thường tại ven biển Tây Nam Bộ, ngập lụt trên huyện đảo Phú Quốc vào đầu tháng 8 năm 2019 lần đầu tiên xuất hiện tại khu vực nên khó khăn cho công tác cảnh báo và dự báo.

Trong khi đó, dự báo cường độ bão, cường độ mưa lớn ở khu vực nhiệt đới vẫn là một thách thức của khoa học và công nghệ dự báo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Thách thức này càng cao hơn khi ở Việt Nam vẫn thiếu số liệu trên biển và số liệu đo ở các tầng trên cao khí quyển đối với bão, số liệu mưa ở vùng địa hình chia cắt phức tạp.

Dữ liệu mưa tự động và dữ liệu quan trắc truyền thống, dữ liệu hồ chứa chưa được lưu trữ vào trong một cơ sở dữ liệu chung để có thể khai thác lâu dài, trích xuất các dữ liệu quá khứ phục vụ phân tích, dự báo.

Mặt khác, chưa có công cụ, mô hình phục vụ giám sát, hỗ trợ và lập bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất sử dụng các nguồn dữ liệu tự động, vệ tinh và radar của hệ thống KTTV quốc gia; hệ thống tích hợp giám sát hạn hán, xâm nhập mặn, lũ xuyên biên giới.

“Trong thực tế việc cập nhật tính dễ bị tổn thương, tính phơi bày trên các địa phương trong cả nước là rất khó khăn do không có thông tin”, các chuyên gia KTTV nhận định.

Trọng tâm là cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết

Dự báo tình hình KTTV năm 2020 sẽ tiếp tục còn diễn biến bất thường, khó lường, để phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia xác định, phải nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết.

“Tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo KTTV nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng, tiếp tục phát triển hệ thống dự báo hướng tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro”, PGS.TS Mai Văn Khiêm cho biết.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo sớm, sát diễn biến thời tiết hàng ngày và diễn biến các hiện tượng KTTV nguy hiểm, đặc biệt là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ban ngành ở Trung ương, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh.

Tăng cường hợp tác song phương và đa phương để trao đổi thông tin dữ liệu KTTV, nhất là các số liệu KTTV xuyên biên giới; trao đổi, chia sẻ thông tin và công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để khai thác hạ tầng sẵn có, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.  

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo để đưa thông tin tới người dân, nâng cao năng lực cộng đồng để nắm bắt tình hình, diễn biến thiên tai và chủ động ứng phó trong các tình huống thiên tai, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN. Dự báo khả năng có khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Như vậy, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức  xấp xỉ TBNN, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng thời hạn dự báo bão, ATNĐ, chủ động phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO