Nâng tầm quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ

19/06/2015 00:00

 (TN&MT) - Đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ. Tuy nhiên, để nâng tầm quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, Cục đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện Luật Đo đạc và Bản đồ trình Quốc hội khóa XIV thông qua vào năm 2017.

Đánh giá về công tác xây dựng văn bản pháp luật của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam 5 năm trở lại đây, bà Phạm Thị Loan – Trưởng phòng Pháp chế cho biết: Giai đoạn 2010 - 2015, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành được 41 văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ gồm 2 Nghị định của Chính phủ, 39 Thông tư của Bộ trưởng (trong đó có 9 pháp quy kỹ thuật; 6 định mức kinh tế - kỹ thuật; 23 Danh mục địa danh).

Năm 2013 - 2015, Cục đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành 2 văn bản quan trọng đối với công tác quản lý Nhà nước là Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 về hoạt động đo đạc và bản đồ (thay thế Nghị định số 12/2002/NĐ-CP); Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt hành chính lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ (thay thế Nghị định số 30/2005/NĐ-CP).

Nghị định số 45/2015/NĐ-CP thể hiện được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong các chính sách quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành, về xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở đo đạc bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia, về xã hội hóa dịch vụ đo đạc và bản đồ gắn với môi trường đầu tư kinh doanh. Các điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ thể hiện trong quy định về cấp Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho các tổ chức đã được rà soát, xây dựng mới trong Nghị định theo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ. So với các quy định cũ, các quy định về cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ được quy định cụ thể, đầy đủ ngay tại tại Nghị định mà không cần Thông tư hướng dẫn của Bộ và có nhiều cải cách, đơn giản hóavề trình tự, thủ tục cấp giấy phép, thời gian thực hiện quy trình cấp phép được giảm bớt. Thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ được quan tâm đẩy mạnh, trọng tâm là xây dựng các văn bản pháp quy kỹ thuật như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở, các quy định kỹ thuật phục vụ xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa lý. Song song với việc hoàn thiện pháp quy kỹ thuật, các định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng và ban hành phục vụ kịp thời cho việc triển khai các dự án trọng điểm của ngành.

Từ năm 2013  đến nay, Cục đã trình Bộ ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ cho 23 tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc và các tỉnh Trung Bộ.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Loan, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn một số tồn tại. Tính pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật cao nhất về đo đạc và bản đồ còn hạn chế do mới ở tầm Nghị định. Các quy định về quản lý, khai thác sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ chưa thực sự hướng tới việc chia sẻ thông tin, nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội còn thiếu chính sách quản lý năng lực hành nghề đo đạc và bản đồ của cá nhân. Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về đo đạc và bản đồ thời gian qua chưa thực sự được coi trọng, sự gắn kết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ các cấp, sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành và địa phương trong xây dựng kế hoạch và các đề án, dự án về đo đạc và bản đồ còn hạn chế.

Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cũng khẳng định sự cần thiết cần phải sớm ban hành Luật và cho biết, Cục đang đẩy mạnh các công việc liên quan để tiến hành xây dựng Luật trong năm nay. “Quan điểm của Cục là Luật sẽ khẳng định rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt là việc tổ chức xây dựng, cập nhật, khai thác, quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ cơ bản, đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính, biên giới quốc gia; phục vụ đắc lực cho Chính phủ điện tử” – ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Luật cũng sẽ xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và cả các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động về đo đạc và bản đồ như quản lý quy hoạch, kế hoạch triển khai các dự án; vấn đề chia sẻ, cung cấp, cập nhật thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ nhằm đảm bảo phục vụ kịp thời và khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình, sản phẩm của ngành trong mọi hoạt động của đất nước.

Đồng thời, Luật Đo đạc và Bản đồ cũng đưa ra các nội dung mới về công tác quản lý các hoạt động của tổ chức và cá nhân, đảm bảo chất lượng các công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ; đồng thời cũng thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào các hoạt động của ngành, phù hợp với xu thế của khu vực và thế giới.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL, trọng tâm là xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ  sẽ tạo hành lang pháp lý giúp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thống nhất và nâng tầm quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ ở Việt Nam, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển  kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mở cửa và hội nhập quốc tế.                        

Thúy Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO