Năng lượng tái tạo: Không còn đắt đỏ và xa xỉ

28/03/2017 00:00

(TN&MT) - Giá thành công nghệ năng lượng tái tạo (NLTT) ngày càng giảm, kéo theo chi phí sản xuất điện từ nguồn NLTT không còn đắt đỏ và xa xỉ.

Theo đánh giá của GreenID, tại Việt Nam, giá thành sản xuất điện năng từ những nhà máy thủy điện quy mô nhỏ và tua bin gió loại 1 (vùng gió trung bình 8,5 m/s) có thể cạnh tranh và thậm chí còn rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch. Dựa trên chi phí đầu tư và những chi phí nhiên liệu giả định theo mức 2015, GreenID ước tính chi phí sản xuất điện quy dẫn (LOCE) bình quân để sản xuất 1 kWh điện của các nhà máy thủy điện nhỏ có giá thành thấp nhất chỉ khoảng 5 USD, tiếp đến là tua bin gió loại 1 có giá 8 US cent/kWh.

Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện than và phải nhập khẩu than trong tương lai gần, giá điện than ra thị trường sẽ là 8,3 US cent/kWh. Cách tính giá này ở Việt Nam hiện đều không xét đến chi phí môi trường và xã hội. Nếu áp dụng thuế các-bon từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch (từ 5 - 10 USD/tấn) thì giá điện than có thể lên đến 10 US cent/kWh. Đặc biệt, sẽ càng đắt hơn nhiều  nếu tính đầy đủ chi phí bên ngoài liên quan đến ô nhiễm môi trường, phá hoại cảnh quan đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sinh kế cộng đồng quanh khu vực nhà máy nhiệt điện than. 

Thực tế cho thấy, vấn đề chi phí sản xuất đã không còn là rào cản lớn đối với nhiều quốc gia trong phát triển NLTT. Năm 2015 được coi là bước ngoặt khi lần đầu tiên công suất lắp đặt mới các nguồn năng lượng tái tạo vượt nhiên liệu hóa thạch trong công suất sản xuất điện toàn cầu. LOCE bình quân để sản xuất 1 kWh điện gió trên thế giới đã giảm từ 9,6 USD trong quý 3/2009 xuống còn 8,3 USD vào cuối năm 2015 (14%). Tương tự, LOCE của của điện mặt trời giảm mạnh từ 31,5 USD xuống chỉ còn 12,2 USD, tương đương giảm 61%.

Trong một báo cáo công bố mới đây của IES và MKE đã chỉ ra rằng, năm 2016, giá thành bình quân sản xuất 1 kWh điện mặt trời đã giảm xuống còn 5 – 7 USD. Điện gió thậm chí còn rẻ hơn với mức 4 – 5 USD. Trong khi đó, khảo sát hồi tháng 2/2017 cho thấy, LOCE của nhiệt điện than tại nhiều quốc gia đang phát triển vẫn ở khoảng 6 - 8 USD.

Giá thành không chênh lệch là bao, thậm chí còn rẻ hơn khiến nhiều quốc gia tăng đầu tư cho NLTT, đi đầu là Trung Quốc với 103 tỷ USD, gần bằng với tổng mức đầu tư của các quốc gia giàu (130 tỷ USD). Tại Ấn Độ, do công suất điện than vượt nhu cầu, trong khi chi phí sản xuất NLTT giảm nên nhiều nhà đầu tư đã rút vốn khỏi các nhà máy điện than. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Ấn Độ, đến cuối năm 2016, nước này có 13 dự án điện than đang tạm dừng do các ngân hàng dừng cung cấp tài chính. Nhiều quốc gia đang phát triển khác như Nam Phi, Chi-lê, Ma-rốc, Phi-lip-pin… cũng đang nhanh chóng bắt kịp xu hướng này.

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo các quốc gia: Việc giảm các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch năng lượng sẽ tăng tính khả thi của cam kết khí hậu, giữ mức nóng lên toàn cầu không tăng quá 2oC so với thời kì tiền công nghiệp. Dự báo nguồn tài chính cho nhiệt điện than sẽ ngày càng thắt chặt, đòi hỏi công nghệ cao hơn và yêu cầu giảm phát thải khắt khe hơn, khi nhiều chính phủ và ngân hàng đa phương đã có động thái hạn chế đầu tư cho các dự án có lượng phát thải cao cả trong và ngoài nước.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năng lượng tái tạo: Không còn đắt đỏ và xa xỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO