Nâng cao vai trò nghiên cứu đối với BĐKH và khắc phục hậu quả Dioxin

20/05/2016 00:00

(TN&MT) - Sáng 20/5 tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mực tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015” và Chương trình “Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khoẻ con người Việt Nam”. Hội nghị đã khẳng định vai trò hoạt động nghiên cứu đối với biến đổi khí hậu và Dioxin.

TS Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN&MT phát biểu khai mạc Hội nghị
TS Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN&MT phát biểu khai mạc Hội nghị

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và Phó Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ & Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn 61 nhà khoa học là chủ nhiệm 61 đề tài trong chương trình. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện liên quan của Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, đại diện các Viện nghiên cứu khoa học trên cả nước.

PGS-TS Trần Hồng Thái - Phó Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia - Chủ nhiệm chương trình Khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu Bộ TN&MT phát biểu tại Hội nghị
PGS -TS Trần Hồng Thái - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia - Chánh Văn phòng Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với  BĐKH  Bộ TN&MT phát biểu tại Hội nghị

Giải quyết nhiều vấn đề KHCN cấp bách có tầm quốc gia và quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: trong 5 năm qua, Bộ TN&MT đã cùng bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức nghiên cứu phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện 02 Chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia trong đó: phê duyệt 48 đề tài cấp quốc gia thuộc Chương trình KHCN biến đổi khí hậu và 13 đề tài cấp quốc gia thuộc Chương trình KHCN -33.

Kết quả, đã huy động được trên 1.000 lượt cán bộ khoa học từ hơn 100 tổ chức khoa học công nghệ trong cả nước tham gia nghiên cứu. Thông qua kết quả nghiên cứu đã hỗ trợ đào tạo gần 50 tiến sỹ; 114 thạc sỹ; đã viết 248 bài báo đăng trong các tạp chí khoa học chuyên ngành đặc biệt có 30 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài có uy tín.

TS Nguyễn Thái Lai - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT - Chủ nhiệm đề tài “Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” trình bày báo cáo tại hội nghị
TS Nguyễn Thái Lai - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT - Chủ nhiệm đề tài “Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” trình bày báo cáo tại hội nghị

Kết quả, thực hiện các đề tài trong các Chương trình đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhiều vấn đề KHCN cấp bách có tầm quốc gia và quốc tế. Có thể kể đến các chương trình như:

Chương trình KHCN-BĐKH/11-15 đã bước đầu tập trung giải quyết các vấn đề về bản chất và tác động của biến đổi khí hậu đối với một số ngành, lĩnh vực, khu vực dễ bị tổn thương; đề xuất các định hướng, mô hình, giải pháp, cơ chế, chính sách thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình KHCN-33 đã giải quyết các vấn đề như khắc phục tác hại của Dioxin đối với môi trường và con người; công nghệ xử lý đất nhiễm Dioxin phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; đánh giá sự tồn lưu của Dioxin và sự phát thải Dioxin từ các nguồn khác; phương pháp giải độc nhằm hạn chế bất thường thai sản và dị tật bẩm sinh ở những người bị phơi nhiễm Dioxin… và đưa ra các phương pháp luận, lượng giá có cơ sở khoa học và thực tiễn về thiệt hại môi trường do Dioxin ở Việt Nam.

“Từ chương trình này, nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ của các đề tài có trình độ khoa học cao, tiệm cận được với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và thực hiện chiến lược chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đồng thời khắc phục các hậu quả của Dioxin” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

PGS.TS Lê Kế Sơn Chủ nhiệm chương trình KHCN - 33/11-15 trình bày báo cáo tại hội nghị
PGS.TS Lê Kế Sơn - Chủ nhiệm chương trình KHCN - 33/11-15 trình bày báo cáo tại hội nghị

Theo người đứng đầu ngành TN&MT, “Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” và Chương trình “Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khoẻ con người Việt Nam” đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực đã được ghi nhận từ các hoạt động của “ như:

Góp phần giải quyết vấn đề tăng cường năng lực nguồn nhân lực KH&CN còn chưa thực sự đồng đều; góp phần đào tạo được các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành;  Tăng cường năng lực của các đơn vị Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý, triển khai các chương trình KHCN cấp quốc gia; Tạo ra được mạng lưới các đơn vị nghiên cứu đa ngành đối với các lĩnh vực liên quan và bước đầu tạo nên cơ chế hợp tác tiềm năng, có thể huy động trong tương lai để giải quyết các vấn đề lớn, cấp bách, có tính liên ngành, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong vấn đề sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình khoa học và công nghệ

Trao đổi với các nhà khoa học, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị: “Hội nghị tổng kết hôm nay cần trở thành dịp để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; các kết quả nghiên cứu từ đó có thể đánh giá một cách khách quan, tổng thể ưu điểm, nhược điểm nhằm rút kinh nghiệm cho việc triển khai Chương trình giai đoạn tiếp theo". Bộ trưởng Trần Hồng Hà  đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề sau:

Một là, cùng nhau nghiêm túc đánh giá lại kết quả việc triển khai thực hiện các đề tài thuộc 02 Chương trình trên, ghi nhận cụ thể những hiệu quả mang lại, những bài học chúng ta cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý khoa học công nghệ, trong cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ tài nguyên và Môi trường, đề xuất những giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình KHCN cấp quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu trong thời gian tới;

Toàn cảnh Hội nghị sáng 2005
Toàn cảnh Hội nghị sáng 2005

Hai là, các kết quả, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị của các đề tài thuộc các chương trình cấp quốc gia cần được nghiêm túc nghiên cứu để có phương án tuyên truyền, chuyển giao công nghệ đến các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tác nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo để sử dụng hiệu quả; việc chuyển tải các thành tựu khoa học công nghệ vào phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TNMT, sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ cuộc sống nhân dân cần phải liên tục được quan tâm và có được sự chuyển biến tích cực cả về chất và lượng;

Ba là, trên cở sở thảo luận những kết quả KHCN đã đạt được, những vấn đề tồn tại chưa được giải quyết; những vấn đề cấp thiết, bức xúc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, như: triển khai Nghị quyết trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; những thách thức và cơ hội, kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu;triển khai thực hiện các luật mới: luật bảo vệ môi trường sửa đổi, luật KTTV, luật Tài nguyên Môi trường biển, luật Tài nguyên nước, Hội nghị cần định hướng những vấn đề cần tiếp tục trọng tâm nghiên cứu trong thời gian tới trong khuôn khổ Chương trình KHCN quốc gia về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH đã được phê duyệt…

“Trong thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên nhận được sự quan tâm phối hợp của các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện, Trường trong hoạt động nghiên cứu đối với biến đổi khí hậu và Dioxin. Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài  nguyên và Môi trường tôi chân thành cảm ơn các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện, Trường về sự quan tâm phối hợp đó và hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Quý vị trong thời gian tới” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ tính trong 10 năm (2001-2010), thiên tai đã làm 9.500 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế là 1,5% GDP/năm. Theo Kịch bản BĐKH và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2012 cho thấy, vào cuối thế kỷ XXI, dự kiến nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-30C, kéo theo đó mực nước biển có thể dâng lên khoảng 1m. Khi đó hậu quả là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập 39% diện tích, riêng TP Hồ Chí Minh ngập 20% diện tích; các tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Hồng ngập 10%; các tỉnh miền Trung là 3%. Đồng thời, sẽ có 10-12% dân số của nước ta chịu tác động trực tiếp của BĐKH, tổn thất về kinh tế sẽ là 10% GDP/năm.

Riêng năm 2015 và đầu năm 2016, do tác động của hiện tượng El-Nino, nền nhiệt độ tăng khoảng 0,5-10C so với trung bình nhiều năm và có số ngày nắng nóng kéo dài hơn. Lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam lãnh thổ. Trên khu vực Biển Đông, bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng lùi dần về phía Nam lãnh thổ nước ta. Đặc biệt, tần suất hoạt động của bão mạnh, siêu bão ngày càng gia tăng với mức độ ảnh hưởng lớn; mùa mưa bão sẽ kết thúc muộn hơn so với trước đây. Hạn hán, nắng nóng có xu thế tăng lên và không đồng đều giữa các khu vực, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ.

Hội nghị đang tiếp tục diễn ra sôi nổi với phần tham luận của các nhà khoa. Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Bài & ảnh:Việt Hùng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò nghiên cứu đối với BĐKH và khắc phục hậu quả Dioxin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO