Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt

01/09/2015 00:00

Sau 6 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt không những khẳng định chỗ đứng trong nước mà còn xuất khẩu (XK) sang nhiều quốc gia.

Hàng Việt chiếm ưu thế

Tại Hội nghị tập huấn Tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa - cho biết: Sau 6 năm triển khai, Cuộc vận động đã đạt hiệu quả “kép” khi vừa khuyến khích doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng có chất lượng tốt, giá phải chăng, vừa thúc đẩy người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm “Made in Việt Nam” đã chiếm ưu thế tại các cơ sở phân phối của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (siêu thị Big C, Coop Mart, Metro... tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 80%).

Hàng Việt được nhiều người tiêu dùng lựa chọn
Hàng Việt được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

DN Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm máy móc thiết bị hiện đại, hạn chế tình trạng nhập khẩu từ nước ngoài, tiết kiệm hàng triệu USD cho đất nước. Theo ước tính của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có hơn 1.000 nhóm hàng hóa do DN tự sản xuất được, bao gồm máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng.

Không chỉ phục vụ tốt thị trường trong nước, thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2015 đã chứng kiến sự bứt phá mạnh của nhiều hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài. Đơn cử như lần đầu tiên ra “biển lớn”, quả vải Việt Nam đã có bước tiếp cận hoàn hảo đến nhiều quốc gia khó tính như Mỹ, Úc, Pháp… Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đánh giá: Người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài không những tiêu dùng mà đã trở thành “cầu nối” cho hàng Việt sang các quốc gia nơi họ sinh sống. Bên cạnh đó, nhờ tận dụng kênh thương vụ, Hội DN Việt Nam tại nước ngoài, nhiều mặt hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản đã và đang ngày càng tiếp cận tốt hơn thị trường thế giới.

Nắm bắt cơ hội để thành công

Dù đạt được những thành công nhất định nhưng nhìn chung, hàng hóa Việt Nam vẫn tồn tại không ít nhược điểm cần khắc phục. Ông Trần Thanh Hải nêu ví dụ: Trên một chuyến bay, tôi được giới thiệu 2 sản phẩm chè, một của Việt Nam và một của Sri Lanka. Trong khi chè Sri Lanka được đầu tư bao bì hấp dẫn thì chè Việt Nam vẫn đóng gói bằng bao giấy rất thủ công. Với một người tiêu dùng bình thường và tương đối dễ tính, tôi cũng sẵn sàng chọn chè Sri Lanka thay cho chè Việt Nam.

Để “tăng lực” cho DN, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nội dung chính là tiếp tục hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối, giúp hàng hóa của DN có thể vươn xa hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, DN cần chủ động hơn nữa, nắm bắt các cơ hội và chính sách của nhà nước để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhiều sản phẩm “Made in Việt Nam” đã chiếm ưu thế tại các cơ sở phân phối trong nước cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Theo Báo Công Thương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO