Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã

11/02/2016 00:00

Là một trong 16 quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao trên thế giới, Việt Nam có đa dạng sinh học vô cùng phong phú, trong đó có nhiều loài động,...

 

Là một trong 16 quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao trên thế giới, Việt Nam có đa dạng sinh học vô cùng phong phú, trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc biệt quý hiếm, đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Việc bảo vệ động, thực vật hoang dã tại Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Là một trong những tổ chức môi trường đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, môi trường, đặc biệt các loài động vật hoang dã, bà có thể chia sẻ về một số hoạt động lớn ENV đã thực hiện trong năm qua, nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ về sự cần thiết bảo vệ các loài động vật hoang dã?

Bà Vũ Thị Quyên: Trong năm qua ENV đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã như Cuộc thi vẽ tranh “Hành động vì động vật hoang dã.” Cuộc thi đã nhận được hơn 155.000 tác phẩm dự thi.

Sự thành công của cuộc thi vẽ tranh đã cho thấy mức độ quan tâm của cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã. Qua cuộc thi, hàng ngàn thông điệp đã được lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao nhận thức cho thế hệ tương lai về vấn đề này.

Tiếp đến là Giải “Chạy vì tê giác” 2015 nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nạn thảm sát tê giác, đồng thời gây quỹ cho chiến dịch giảm cầu tiêu thụ sừng tê giác của ENV. Sự kiện ý nghĩa này đã thu hút hơn 500 người Việt Nam và nước ngoài tham gia, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nạn thảm sát tê giác để lấy sừng nhằm phục vụ nhu cầu chữa bệnh và thể hiện đẳng cấp ở Việt Nam.

Năm 2015, ENV cũng phát hành sáu phim ngắn truyền thông bảo vệ động vật hoang dã. Các phim này đã được phát trên hơn 70 kênh truyền hình trung ương và địa phương.

ENV cũng tổ chức Mạng lưới Câu lạc bộ Bảo vệ Động vật hoang dã. 15 câu lạc bộ bảo vệ động vật hoang dã đã được thành lập trên 15 tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ.

Các câu lạc bộ này được đào tạo để có thể tự tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, tiến hành điều tra và theo dõi hoạt động của các cơ sở kinh doanh có liên quan đến buôn bán thương mại động vật hoang dã.

Với sự hoạt động tích cực của các câu lạc bộ, 96 triển lãm bảo vệ động vật hoang dã và 30 triển lãm bảo vệ gấu đã được tổ chức trong năm 2015, hàng nghìn vi phạm tại các cơ sở kinh doanh được khảo sát. Các tình nguyện viên cũng chính là "tai mắt" của ENV tại hiện trường, thông báo các vi phạm mới và giúp giải cứu nhiều cá thể động vật hoang dã quý, hiếm.

Tính đến hết tháng 12/2015, 339 bảng thông tin và 212 băngrôn đã được trưng bày ở trên 104 cơ quan chính phủ và 54 chợ tại 15 tỉnh, thành phố lớn trên khắp cả nước, qua đó khuyến khích cộng đồng thông báo các vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam thông qua đường dây nóng miễn phí 1800 1522, qua email hay qua ứng dụng ENV-SOS động vật hoang dã trên điện thoại thông minh hệ điều hành Android.

- Ở Việt Nam, tình trạng hổ, gấu chủ yếu bị giết, buôn bán để nấu cao vẫn còn nhiều. ENV sẽ đưa ra giải pháp gì để giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ các loài động vật trên, thưa bà?

Bà Vũ Thị Quyên: Để giải quyết được nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã cần có một chiến lược toàn diện bao gồm cả các hoạt động giảm thiểu nhu cầu, tăng cường thực thi pháp luật và hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan.

Đây cũng là ba chương trình trọng tâm ENV đã thực hiện trong nhiều năm qua. Riêng với các chương trình giảm thiểu nhu cầu sử dụng động vật hoang dã, trong thời gian tới ENV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất và hợp tác với các đài truyền hình, các công ty truyền thông để đưa thông điệp bảo vệ động vật hoang dã lan tỏa đến nhiều đối tượng.

ENV cũng có hướng mở rộng mạng lưới tình nguyện viên vì các em chính là các tuyên truyền viên tích cực tại địa phương để góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Năm 2016, chúng tôi sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động bảo vệ loài tê tê, một loài thú bị săn bắt nhiều nhất hiện nay nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ. Chúng tôi kêu gọi mỗi người dân Việt Nam đều có thể trở thành "Chiến binh bảo vệ tê tê."

- Bên cạnh việc các bạn trẻ có ý thức bảo vệ động vật hoang dã thì một số bạn còn tỏ ra thờ ơ. Năm 2015 trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh voọc, khỉ, tê tê... bị giết hay việc mua cá thể cu li về nuôi nhốt lan truyền nhanh chóng, mang tính mua vui, giải trí. Bà nghĩ sao về những hành động này?

Bà Vũ Thị Quyên: Trong khi có hàng ngàn bạn trẻ tham gia các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã như Mạng lưới tình nguyện viên của ENV với hơn 5.500 thành viên thì vẫn còn nhiều bạn trẻ hiện nay khá thờ ơ với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã. Thậm chí có trường hợp còn có những hành vi hành hạ các loài thú.

Sự thiếu hiểu biết về pháp luật bảo vệ động vật hoang dã có thể khắc phục được, song tôi đang đề cập đến ý thức, như những hành vi giết khỉ của một số bạn trẻ. Tôi cho rằng những hành động này thể hiện sự vô cảm của một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay.

Những hành vi này cần bị cả xã hội lên án và có những hình phạt thích đáng để tạo tính răn đe. Năm 2016, ENV sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã.

- Trân trọng cảm ơn bà./.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO