Nâng cao năng lực đào tạo ngành quản lý đất đai

08/01/2016 00:00

(TN&MT) -  Định hướng đào tạo theo năng lực đáp ứng thực tiễn là chiến lược phát triển và tầm nhìn đến năm 2030 mà trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang xác định tại Hội thảo khoa học Đánh giá chương trình đào tạo ngành quản lý đất đai, diễn ra sáng 8/1, tại Bắc Giang.

Báo cáo kết quả 20 năm đào tạo ngành Quản lý đất đai, TS.Khương Mạnh Hà – Phó trưởng Khoa Tài nguyên & Môi trường, ĐH Nông Lâm Bắc Giang cho biết: Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ đào tạo cán bộ địa chính với trình độ trung cấp; đến nay ngành Quản lý đất đai (thuộc khoa TN&MT) đã thu hút 500 sinh viên đại học, cao đẳng; là một trong 4 ngành xây dựng đề án đào tạo Thạc sĩ trong năm 2016. Sản phẩm đào tạo của nhà trường được các cơ quan sử dụng lao động đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu công việc; sản phẩm đào tạo theo địa chỉ hiện đang đảm nhiệm công tác quản lý đất đai các cấp ở nhiều địa phương.

Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang - TS.Nguyễn Quang Hà nhấn mạnh: Đào tạo sinh viên ra trường phải xin được việc làm là yêu cầu số một của nhà trường
Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang - TS.Nguyễn Quang Hà nhấn mạnh: Đào tạo sinh viên ra trường phải xin được việc làm là yêu cầu số một của nhà trường

Theo TS.Khương Mạnh Hà, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học tiêu biểu phù hợp với thực tiễn như: đo đạc thành lập bản đồ địa chính cho các xã của tỉnh Lạng Sơn; xây dựng Quy hoạch sử đụng đất cho các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế - Việt Yên (tỉnh Bắc Giang)…Các chương trình hợp tác đào tạo kết hợp sản xuất với các cơ quan và địa phương trong cả nước, ví dụ như điều tra rừng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh những kết quả đạt được, TS. Khương Mạnh Hà cũng chỉ ra những thách thức trong quá trình đào tạo ngành Quản lý đất đai; đặc biệt trước thực trạng đòi hỏi cao nguồn nhân lực chuyên sâu, có trình độ cao trong lĩnh vực quản lý đất đai hiện nay. Đó là áp lực cạnh tranh lớn do hệ thống các trường đại học đang mở rộng, hạn chế về nội lực; nguồn tuyển sinh chủ yếu từ các vùng nông thôn, con em nông dân nghèo, hạn chế về cả trình độ văn hóa, điều kiện và năng lực tài chính…

TS.Nguyễn Văn Bài- Trưởng Khoa Tài nguyên & Môi trường, ĐH Nông Lâm Bắc Giang phát biểu tại hội thảo
TS.Nguyễn Văn Bài- Trưởng Khoa Tài nguyên & Môi trường, ĐH Nông Lâm Bắc Giang phát biểu tại hội thảo

TS. Nguyễn Quang Hà – Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang cho rằng: Đổi mới chương trình đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên với nhiều vấn đề cần thảo luận; giữa kiến thức và kỹ năng; giữa đào tạo sâu và rộng; tính phổ quát, tính đặc thù hay linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn.Với cách nhìn nhận như vậy, trường ĐH Nông lâm Bắc Giang xác định yêu cầu số một là đào tạo sinh viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Xác định chiến lược phát triển giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là đào tạo theo năng lực thực hiện đảm bảo cho sinh viên ra trường có đầy đủ năng lực về chuyên môn cũng như tổ chức quản lý quá trình sản xuất. Định hướng trường ĐH Nông lâm Bắc Giang phát triển trở thành đại học ứng dụng”, TS.Nguyễn Quang Hà nhấn mạnh.

Về cách thức thực hiện, Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hà cho rằng trường thực hiện rà soát lại các chương trình hiện có, phân tích để sắp xếp và bổ sung lại với tinh thần “thu gọn – chuyên sâu – kỹ năng”.  

Phó trưởng khoa Tài nguyên & Môi trường, ĐH Nông lâm Bắc Giang báo cáo kết quả 20 năm đào tạo ngành Quản lý đất đai
Phó trưởng khoa Tài nguyên & Môi trường, ĐH Nông lâm Bắc Giang báo cáo kết quả 20 năm đào tạo ngành Quản lý đất đai

Trên tinh thần đó, Trưởng Bộ môn Quản lý đất đai (ĐH Nông lâm Bắc Giang) – Th.s Vũ Trung Dũng đề xuất điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, một số nội dung chủ yếu được xác định điều chỉnh gồm: giảm số môn học trong chương trình đào tạo, tăng thời lượng đào tạo các học phần có nội dung kiến thức cốt lõi ngành, tăng tỷ trọng thực hành trong cơ cấu các học phần với triết lý đào tạo thiên về kỹ năng; trang bị các kỹ năng chuyên ngành quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Tiếp đó, cần thiết bổ sung các chuyên đề thực tập liên quan đến các kỹ năng cơ bản trong công tác quản lý đất đai hiện nay, đảm bảo sinh viên có thể tham gia thực hành sản xuất tại các cơ sở, địa phương; quan tâm đến việc phát triển kỹ năng mềm trong quá trình đào tạo.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Để nâng cao hiệu quả đổi mới chương trình đào tạo, đại diện Tổng Cục đất đai – TS. Đào Đức Mẫn cho rằng, khoa Tài nguyên và Môi trường cần phải tiếp tục rút gọn khối lượng chương trình đại cương, tăng thời lượng chuyên ngành, đổi tên các môn học cho đúng bản chất…để phù hợp với thực tiễn giai đoạn “khai thác phát huy tiềm năng” của ngành Quản lý đất đai hiện nay.

Tin & ảnh: Tuyết Chinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực đào tạo ngành quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO