Nâng cao hiệu quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Mai Đan| 01/01/2021 14:04

(TN&MT) - Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá và các tổ chức, cá nhân có liên quan, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cần thiết xây dựng Nghị định mới

Ngày 30/11/2020, Bộ TN&MT đã có Tờ trình số 67 trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, sau khi Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực ngày 15/5/2012 (gọi tắt là Nghị định 22) và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 22 được ban hành, Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai ngay công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tạo hành lang pháp lý đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ảnh: Hoàng Minh

Từ năm 2014 đến 2019, Bộ TN&MT và các địa phương đã phê duyệt Kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản) đạt 52,23% kế hoạch. Cụ thể: đấu giá tại các khu vực đã có kết quả thăm dò 56 khu vực (chiếm 18,4%), số tiền đạt được là 272,516 tỷ đồng, đấu giá tại các khu vực chưa có kết quả thăm dò 248 khu vực (chiếm 81,6%), số tiền dự tính đạt được là 768,306 tỷ đồng. Tổng giá trị xác định thông qua đấu giá 304 khu vực ước đạt 1.040,823 tỷ đồng; so với tổng giá trị khởi điểm dự tính là 576,504 tỷ đồng, tăng 466,210 tỷ đồng (tăng 80,86% so với giá khởi điểm). Như vậy, thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã tăng thu cho ngân sách Nhà nước 466,210 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả đấu giá và kết quả thăm dò sau đấu giá, các địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản 152 mỏ (đạt 50%) và thu về ngân sách Nhà nước 354,358 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Nghị định 22 được ban hành trên cơ sở của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Đến nay, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Theo đó, về nguyên tắc trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải tuân thủ quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Nghị định mới làm sáng tỏ hơn nhiều nội dung

Theo ông Đào Chí Biền - Phó Cục trưởng điều hành Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản, so với Nghị định 22, Nghị định mới sẽ định nghĩa, làm rõ khái niệm về “Quyền khai thác khoáng sản”, đặc biệt là khi tổ chức đấu giá ở khu vực chưa tiến hành thăm dò khoáng sản (bao gồm quyền thăm dò khoáng sản và quyền khai thác khoáng sản).

Ngoài ra, quy định về xử lý tiền đặt cọc cũng là điểm mới của Nghị định. Nghị định mới đề xuất hoàn trả tiền đặt cọc trong một số trường hợp như: đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá lần đầu; kết quả thăm dò không cho hiệu quả kinh tế - xã hội; cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi Giấy phép thăm dò theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 46 Luật Khoáng sản. Đề xuất tịch thu tiền đặt cọc trong các trường hợp: không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định; Giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi theo quy định tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều 46 Luật Khoáng sản.

Ông Đào Chí Biền cho biết thêm: Dự thảo Nghị định lần này được sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian nộp hồ sơ là 12 tháng (thăm dò) và 18 tháng (khai thác), trường hợp phát sinh vướng mắc có thể gia hạn tối đa không quá 6 tháng; nhằm đảm bảo tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có đủ thời gian lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được Bộ TN&MT giao xây dựng Dự thảo Nghị định, trong đó Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản là đơn vị được Tổng cục giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.

Về phương thức thu, nộp tiền trúng đấu giá được sửa đổi tại Dự thảo Nghị định lần này theo hướng có phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tại Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đảm bảo phù hợp, bình đẳng đối với tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá (tổ chức, cá nhân trúng đấu giá vẫn phải thực hiện các thủ tục để được cấp phép khai thác khoáng sản, thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác, trong khi đó phải nộp tiền trúng đấu giá cao hơn so với tổ chức, cá nhân được cấp phép không qua đấu giá).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO