Nâng cao giải pháp đồng bộ bảo vệ môi trường ngành than

11/08/2015 00:00

(TN&MT) - Chiều 10/8/2015, tại Hà Nội, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức tọa đàm “Quản lý khai thác than và rủi ro môi trường nhìn từ sự cố tại các mỏ than ở Quảng Ninh”, nhằm kết nối các nhà khoa học, nghiên cứu chính sách thông qua kênh thông tin báo chí để truyền tải sự kiện thời sự này.

Được biết trận mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 25/7 đến ngày 4/8 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm chết nhiều người và thiệt hại về tài sản trong đó ngành than thiệt hại 1.200 tỷ đồng. Mối đe dọa lớn nhất đối với vấn đề khắc phục môi trường của ngành than đó là các bãi xỉ thải.

Thực tế cho thấy, khối lượng thải lớn nhất tập trung tại vùng Cẩm Phả, khoảng 60 đến 70 triệu m3/năm. Các bãi thải của các mỏ than khai thác lộ thiên thường có chiều cao khoảng từ 60 – 150m. Bên cạnh đó, nhiều bãi thải như Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong hiện đang nằm trong khu đô thị hoặc bị các khu dân cư hình thành sau bao bọc chung quanh hoặc nằm sát ngay chân bãi thải. Các bãi thải như Cao Sơn, Khe Rè lại có xu hướng mở rộng, tiến dần về khu dân cư, cũng như các bãi thải mới hình thành tại Mạo Khê, Đông Triều... là mối nguy hiểm về ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở đất, đá xuống các khu dân cư sống chung quanh khu vực chân các bãi thải, nhất là sau đợt mưa lũ vừa qua. Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm môi trường từ các bãi thải than cần có những giải pháp trước mắt và đồng bộ.

ThS. Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
ThS. Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

 Phát biểu tại tọa đàm, ThS. Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam cho biết, Bãi chứa xỉ than của Công ty cổ phần than Cao Sơn và Công ty cổ phần than Cọc 6 nằm phía trong đập chắn 790. Đêm 26/7, đập chắn vỡ khiến lượng lớn bùn xỉ than ở độ cao khoảng 100m tràn xuống khu dân cư phía dưới, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân ở phường Mông Dương đang sống trong khu vực dưới chân bãi thải.

Trước khi đề án di dân ra khỏi khu vực chân các bãi thải được đi vào thực tế, thì ngành than đã có các giải pháp nhanh chóng gia cố bằng cách xây kè tại chân các bãi thải đồng thời trồng cây xanh tại các bãi thải nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt lở đất đá từ các bãi thải xuống khu dân cư.

Các chuyên gia thỏa luận tại tọa đàm
Các chuyên gia thỏa luận tại tọa đàm

Đồng quan điểm trên, TS. Đào Trọng Tứ, Chuyên gia tài nguyên nước, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí hậu (Cewarec) trong bài trình bày tham luận về “Tác động của nhiệt điện chạy than đối với nguồn nước Quảng Ninh” chia sẻ, cần quy hoạch về đô thị và quy hoạch về khai thác than để lượng bùn, xỉ than theo nước lũ ít chảy ra vịnh Hạ Long nhất, nếu không sẽ làm bồi lấp khá nhiều diện tích ven bờ, làm thay đổi cảnh quan và nhiễu loạn hệ sinh thái nước mặn của vịnh Hạ Long như san hô, thảm cỏ biển. Thêm nữa, dù thể chế Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, các nghị định thông tư khá đầy đủ, thế nhưng công tác quản lý về môi trường cần phải đúng phải trúng và sát sao hơn nữa.

Đứng trước thách thức đối với ngành than tại Việt Nam, nếu như tăng tỷ trọng điện than cần giải quyết được mâu thuẫn với các chiến lược tăng trưởng xanh và với biến đổi khí hậu. Chúng ta cần có những quy hoạch dài hạn, đánh giá đúng mức rủi ro, ô nhiễm môi trường và thường xuyên nâng cao ý thức, năng lực của chủ đầu tư khai thác khoáng sản.

Thanh Thủy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giải pháp đồng bộ bảo vệ môi trường ngành than
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO