(TN&MT) - Sau khi được Huyện ủy huyện Nậm Pồ và UBND xã Nà Hỳ “xi nhan” cho phép dựng chợ trên đất nông nghiệp, ông Ngô Xuân Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Nà Hỳ đã tận dụng cơ hội, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng gần 2.000m2 đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn. Điều đáng nói là, việc ông Bí thư Đảng ủy xã xây chợ được cấp trên hợp thức hóa hồ sơ đã tạo tiền lệ xấu cho người dân "noi gương", dẫn đến tình trạng san lấp, đào đắp lên những thửa ruộng "bờ xôi ruộng mật" để rồi cũng làm thủ tục xin được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Hợp thức hóa hồ sơ đẩy sự việc vào “sự đã rồi”
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết: Toàn bộ hồ sơ thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng và mục đích sử dụng đất của ông Ngô Xuân Chiến đều đúng quy trình.
Thế nhưng, việc ông Ngô Xuân Chiến xây dựng chợ trên đất nông nghiệp sau khi được Huyện ủy “xi nhan” và chính quyền xã “gật đầu” như một sự tính toán để đưa mọi việc vào tình thế “đã rồi”. Ông Chiến xây chợ khi Kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của huyện Nậm Pồ chưa được phê duyệt liệu có đúng “quy trình” như lời ông Chủ tịch huyện nói?
Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất của ông Chiến cũng được “ưu ái” như việc ông xây chợ. Ngày 19/6/2017, UBND huyện Nậm Pồ ra Quyết định số: 2070/QĐ-UBND, cho phép gia đình ông Ngô Xuân Chiến chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất ở nông thôn. Cùng ngày, ông Chiến tiếp tục được UBND huyện Nậm Pồ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Không biết lý do gì hay nhận được sự ưu ái nào mà toàn bộ diện tích 1.612,7m2 trong GCNQSDĐ số CA654280 cấp cho ông Ngô Xuân Chiến đều được công nhận là đất ở nông thôn? Trong khi đó, theo khoản 4, Điều 6 của Quyết định Số: 28/2014/QĐ-UBND, ngày 14/10/2014 của UBND tỉnh Điện Biên, quy định hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở nông thôn là không quá 200m2/hộ cho các khu vực bám mặt đường giao thông là quốc lộ, tỉnh lộ trong khu dân cư nông thôn của các xã và khu vực còn lại.
Việc phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ tham mưu cho UBND huyện Nậm Pồ ra Công văn số: 35/CV-TNMT, về việc hướng dẫn giải thích một số nội dung thông tin trên mạng xã hội liên quan đến đất đai xã Nà Hỳ phải chăng là bản tố cáo lại chính các cấp quản lý huyện Nậm Pồ? Bởi lẽ nếu như việc làm của ông Ngô Xuân Chiến không sai thì đâu cần giải thích.
Điều khiến dư luận quan tâm là Huyện ủy, UBND huyện Nậm Pồ, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ, đồng loạt ra một số công văn “hướng dẫn” các phòng, ban của huyện, các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn xã Nà Hỳ, Đảng ủy, UBND xã Nà Hỳ và tất cả các hộ dân xã Nà Hỳ, để thống nhất nhận thức, không được bàn tán các vấn đề nóng trên địa bà xã Nà Hỳ, trong đó có vụ việc của ông Ngô Xuân Chiến như một bài “học thuộc lòng” mặc định người dân phải học thuộc.
Dân Nà Hỳ “té nước theo mưa”
Dọc đường Trung tâm xã Nà Hỳ xuống Trung tâm huyện Nậm Pồ, tình trạng người dân đổ đất, san nền trên đất nông nghiệp đang diễn ra hàng ngày. Bởi một lý do mà ai cũng bất ngờ: “Bí thư làm được sao chúng tôi lại không?” “đất ruộng có thể chuyển đổi thành đất ở thì chúng tôi cũng muốn chuyển đổi để bán có giá hơn”.
Rõ ràng việc Bí thư Đảng ủy xã Nà Hỳ xây dựng chợ trên đất nông nghiệp khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất là “cái cớ” để người dân làm theo. Bởi lẽ, lãnh đạo xã còn không thực hiện đúng luật thì còn cách nào tuyên truyền cho người dân nghe và làm theo. Nếu như tình trạng người dân đổ đất san nền trên đất nông nghiệp vẫn còn tiếp tục thì không bao lâu nữa diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ sẽ biến thành đất ở.
Trong khi đó, UBND tỉnh Điện Biên đang tích cực chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động bà con khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện, nhằm mở rộng diện tích trồng lúa nước với mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân.
Để đầu tư cho 1ha ruộng khai hoang mới, người dân phải bỏ ra rất nhiều công sức. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của Nhà nước từ 10 - 15 triệu đồng/1ha. Ngoài ra, Nhà nước còn phải xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi và rất nhiều năm sau mới thuần hóa được ruộng khai hoang, khi ấy người dân mới canh tác được trên diện tích đất này.
Vẫn biết rằng, việc xã hội hóa trong xây dựng chợ là việc làm được nhiều địa phương khuyến khích, áp dụng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Nhưng không phải vì thế mà huyện Nậm Pồ “khuyến khích” bằng mọi giá.
Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cũng phải thừa nhận: Việc người dân san nền trên trục đường từ Trung tâm xã Nà Hỳ kéo dài đến Trung tâm huyện Nậm Pồ (gần 7km) là có thật. Tuy nhiên, ông Thái cũng lý giải: Đây là diện tích đất san lấp các nghĩa trang của người dân đã được di chuyển và đền bù.
Tuy nhiên, vị trí của 2 nghĩa trang này trên bản đồ không kéo dài theo suốt tuyến đường. Trên đường đi từ Trung tâm xã Nà Hỳ đến Trung tâm huyện Nậm Pồ, chúng tôi bắt gặp hàng ngàn khối đất đồi đang được đào bới, ngổn ngang bên lề đường. Nhiều máy cuốc, máy xúc san ủi để đất sang bên tà luy âm, nơi có diện tích lúa nước của người dân đang trồng cấy. Thiết nghĩ, thu hoạch xong vụ lúa này, đất đá theo nước mưa dội xuống thì chắc chắn vụ sau người dân rất khó canh tác.
Theo như lời ông Chủ tịch huyện Nậm Pồ thì: Tốc độ phát triển đô thị, thị trấn, xã phường thì ta phải chấp nhận mất đi diện tích đất nông nghiệp của bà con. Chúng tôi ngồi nghe mà mà cứ nghĩ đó là một thành phố công nghiệp nào đó của tương lai chứ không phải là trung tâm của một huyện nghèo miền núi. Cứ đà này thì chẳng mấy chốc cánh đồng Nà Hỳ sẽ chỉ còn là “sợi chỉ đỏ” vắt qua Trung tâm huyện Nậm Pồ.
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin.
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin.