Thầy giáo Nguyễn Công Qua cùng lũ trẻ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Đức Thành |
Đất liền có gì Trường Sa có nấy
Sáng 5-9, học sinh ở quần đảo Trường Sa chính thức bắt đầu vào buổi học đầu tiên. Tại đảo Trường Sa lớn, thầy giáo Bành Hữu Tình xúc động nói với chúng tôi qua điện thoại. “Đây là năm học thứ ba tôi dạy học ở Trường Sa. Cảm giác xốn xang, xúc động, hồi hộp chẳng khác gì ngày đầu tiên cách đây ba năm về trước. Do điều kiện xa xôi về địa lý, Trường Tiểu học Trường Sa lớn đã khai giảng năm học mới vào sáng ngày 4-9. Tất cả thầy, trò, phụ huynh học sinh đều rất phất khởi. Ở đất liền có gì, thì Trường Sa có cái đó, chỉ khác khí hậu Trường Sa mùa này khắc nghiệt hơn, nắng và gió cả ngày khô hanh lắm”, thầy Tình cho hay.
Cũng trong niềm vui phấn khởi ngày khai trường năm học mới, thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc ở Trường Tiểu học Song Tử Tây chia sẻ, Trường đã tổ chức khai giảng năm học 2020-2021 ngày 4-9. Trước ngày khai giảng, thầy trò đã tổ chức dọn vệ sinh trường, lớp, phối hợp với các chú bộ đội đảo Song Tử Tây tổ chức tập 3 tiết mục văn nghệ biểu diễn ngày khai giảng. Mặc dù ở đảo không sợ dịch Covid-19, song trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, buổi khai giảng diễn ra ngắn gọn, tập trung vào phần lễ, còn phần hội giảm tối thiểu nhưng đầy đủ vui tươi để các em cảm nhận được niềm vui ngày khai trường.
“Cũng như năm học trước, mọi công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng ở đảo khá chu đáo. Trước ngày khai giảng, thầy, trò, phụ hunh học sinh tổ chức dọn vệ sinh sạch sẽ, vừa bảo đảm cho việc học tập, vừa phòng chống dịch Covid. Cơ sở vật chất cho năm học mới khá bảo đảm. Tất cả sách, vở, cặp, viết của các em đều được các chú bộ đội tặng”, thầy Ngọc cho biết.
Các em học sinh vui tươi ngày khai trường. Ảnh: Đức Thành |
Bước sang lớp 4, em Ngô Nguyễn Thiên Long ở Trường Tiểu học Song Tử Tây “vượt xa” so với các bạn khác về thể lực. Ký ức của cậu học trò theo ba mẹ ra đảo sinh sống hơn 3 năm trước vẫn làm cậu bé 10 tuổi không thể nào quên. “Năm nay con 10 tuổi. Con với ba mẹ ở đảo đã ba năm rồi. Năm học mới này con phấn đấu học giỏi, giúp ba mẹ nhiều việc hơn. Con thích cùng các chú bộ đội đi nhặt rác, chạy trên bãi biển buổi chiều, hoặc đá bóng”, cậu bé hồn nhiên nói qua điện thoại của mẹ.
Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh của em Ngô Nguyễn Thiên Long chia sẻ, mặc dù ở ngoài đảo còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng các em học sinh có đầy đủ quần, áo mới, giầy, dép, cặp, bút, sách. Nói chung ở đất liền có gì, thì ngoài Trường Sa có cái nấy. Buổi lễ khai giảng diễn ra khá long trọng và vui vẻ.
Ngày khai giảng ở đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Duy Bá |
Khác với Song Tư Tây và Trường Sa lớn, Trường Tiểu học Sinh Tồn sáng 5-9 chính thức khai giảng. Giữa biển trời bao la rộng lớn, tiếng trống trường ngân nga hòa vào biển nước như lời nhắc nhở thầy, trò Trường Tiểu học Sinh Tồn dạy giỏi, học tốt để xứng đáng với sự hinh sinh anh cũng của 64 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống ở cụm đảo này trong sự kiện “XQ-88” cách đây 32 năm trước.
Chen lẫn niềm vui và xúc động khi tiếng trống trường vang lên giữa bộn bề sóng nước Trường Sa, ông Trịnh Xuân Huân, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa chia sẻ: “Sau những ngày tháng xa trường, xa bạn, hôm nay chúng ta khai giảng năm học mới để thực hiện nhiệm vụ dạy và học….Giữa sóng nước Trường Sa, vẫn có những thầy giáo cần mẫn gieo chữ cho các em học sinh, vẫn có tiếng trống trường ngân vang bên bờ sóng. Đây là năm học của niềm tin yêu vào sự đổi mới của nền giáo dục hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các em học sinh sẽ được học chữ, học lòng nhân ái và tình yêu Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, tình thầy trò luôn đầy ắp, tình quân dân luôn thắm thiết đoàn kết một lòng”.
Khát vọng gieo chữ nơi đầu sóng ngọn gió
Bước vào năm học mới 2020-2021, thầy giáo giáo Nguyễn Công Qua-Trường Tiểu học Sinh Tồn như được “tiếp thêm sức mạnh” vì được phụ huynh học sinh và cán bộ chiến sĩ ở đảo này rất quan tâm. Trước ngày khai giảng, bộ đội, giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng nhau dọn vệ sinh, kê lại bàn ghế. Những chiếc bàn ghế quá cũ được thay mới, sơn lại. Được nhân lên niềm vui trong ngày khai giảng, thầy Qua chia sẻ: “Dạy học ở Trường Sa là một điều vinh dự cho tôi. Mặc dù còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng mỗi lần đứng trên bục giảng, tất cả khó khăn đều tan biến hết. Tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo lúc nào cũng đầy ắp trong tim tôi. Nếu được gắn bó với đảo Sinh Tồn, tôi nguyện một đời dạy học cùng các em ở đảo này”, thầy Qua chia sẻ.
Lũ trẻ vui mừng trước ngày khai giảng. Ảnh: Lê Khanh |
Đồng hành cùng thầy giáo Nguyễn Công Qua gieo chữ ở Cụm đảo Sinh Tồn, thầy Phạm Xuân Dịu đã gắn bó với lũ trẻ ở đảo này 3 năm nay và cũng ngần ấy thời gian thầy Dịu cảm nhận sức mạnh to lớn của biển đảo đối với không gian sinh tồn của người Việt trong hiện tại và tương lai. “Cũng như những thầy giáo khác, được dạy học ở Trường Sa là một điều vô cùng vinh dự đối với tôi. Nghề gì cũng có những nhọc nhằn vất vả, nhưng tôi nghĩ được gieo chữ cho học sinh Trường Sa cũng là sự cống hiến hi sinh cho Tổ quốc. Chính ý nghĩa lớn lao ấy, chính biển đảo đã níu giữ chân tôi ở lại. Dù dạy học ở đây 5 năm chứ 10 năm học lâu hơn nữa tôi vẫn phấn đấu và ở lại. Bởi đó là khát vọng của tôi và những thầy giáo gieo chữ ở “quần đảo bão tố” này”- thầy Dịu tâm tình.
Giáo dục lòng nhân ái và tình yêu Tổ quốc
Hòa cùng nhịp sống đất liền, học sinh Trường Sa đã bước vào năm học mới trong khí thế và niềm vui ngoài “đường biên” Tổ quốc. Ngoài dạy chữ theo chương trình của Bộ giáo dục và Đào tạo qui định, những đứa trẻ ngoài “quần đảo bão tố” còn được dạy lòng nhân ái và tình yêu biển đảo mà những thầy giáo Bành Hữu Tình, Nguyễn Hữu Ngọc, Phạm Xuân Diệu làm “nhịp cầu truyền chữ”.
Nếu tâm huyết của thầy giáo Bành Hữu Tình là “Giáo dục lòng nhân ái thực chất là giáo dục cho trẻ tình thương yêu con người, biết kính trọng ba mẹ, người thân, anh em”; thì thầy giáo Phạm Xuân Diệu cho rằng “Cần giáo dục tình yêu Tổ quốc cho mỗi đứa trẻ để ươm mầm trách nhiệm công dân. Tình yêu Tổ quốc sẽ được hình thành từ trái tim các em từ lúc nhỏ, đó cũng chính là cách giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh”.
Bộ đội Trường Sa tặng quà cho các em học sinh. Ảnh: Duy Bá |
Còn thầy giáo Nguyễn Công Qua tâm tình rằng: “Bên cạnh dạy chữ, truyền kiến thức giáo viên cần dạy các em lòng nhân ái và tình yêu Tổ quốc; sự trao gửi và cho nhận. Trong thời đại 4.0 hiện nay, khi mà mạng internet xâm nhập rất nhiều vào đời sống của trẻ, thì việc giáo dục lòng nhân ái và tình yêu Tổ quốc càng có ý nghĩa thiết thực. Đây cũng chính là cách giáo dục kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của nền giáo dục người Việt hiện nay”…
Giữa Trường Sa xa xôi của Tổ quốc, có những ngôi trường đặc biệt bên bờ sóng. Dưới ngôi trường quanh năm nắng gió khí hậu khắc nghiệt ấy là những thầy giáo trẻ đang thầm lặng gieo chữ cho lũ trẻ mà quên tuổi thanh xuân. Họ đang cống hiến sức mình vì học sinh Trường Sa, vì sự lớn mạnh của “quần đảo bão tố” nơi xa nhất của Tổ quốc.