Nam Định: Làng nghề Bình Yên - Liệu đã yên bình?

05/12/2013 00:00

Làng nghề tái chế nhôm ở thôn Bình Yên gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

   
Làng nghề tái chế nhôm ở thôn Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn đề đặt ra cho làng nghề này.
   
  Hiện nay, thôn Bình Yên có tổng số khoảng 600 hộ dân, trong đó có 304 hộ tham gia sản xuất đồ gia dụng từ nhôm phế liệu, với cơ cấu: 107 hộ làm công đoạn luyện và cô đúc; 37 hộ cán kéo và miết; 170 hộ xử lý bề mặt. Với khoảng 1.200 lao động, trung bình, thôn Bình Yên tái chế 1.400 tấn nhôm phế liệu mỗi tháng, với hiệu suất thu hồi khoảng 60%, nên tổng doanh thu đạt khoảng 53 tỷ đồng/năm. Nhờ nghề tái chế nhôm phát triển mạnh, nên thu nhập của người lao động làm nghề khoảng 40 triệu đồng/năm, trong khi thu nhập bình quân của lao động nông nghiệp thuần tuý ở đây chỉ khoảng 12 triệu đồng/năm.
   
  Mặt trái của cơ chế thị trường là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Theo số liệu gần đây của Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Nam Định, tại làng nghề Bình Yên, lượng phốt pho tổng vượt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) từ 1,09 lần đến 7,6 lần, thông số kẽm vượt TCVN từ 7,7 lần đến 33,8 lần. Hàng tháng, chất thải độc hại từ quá trình sản xuất thải ra môi trường lên đến 39,59 tấn (cặn nhôm, xỉ than/tro, các chất thải khác). Qua kết quả điều tra cho thấy, hoạt động sản xuất của làng nghề đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đất, nước, không khí.
   
  Trước thực trạng đó, địa phương đã nỗ lực tìm ra các giải pháp trước mắt để ngăn chặn sự lan truyền của các chất độc hại từ công đoạn xử lý bề mặt cũng như khói độc từ công đoạn nấu chảy. Tiêu chí của những giải pháp được triển khai ở địa phương là vận hành đơn giản, chi phí thấp, yêu cầu bảo trì đơn giản và hiệu quả nhanh nhằm đạt được các giới hạn quy chuẩn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp hoặc khí phát thải. Theo đó, một hệ thống thí điểm đã được xây dựng, lắp đặt, hướng dẫn để đảm bảo nước thải sau xử lý đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và người dân có thể tự vận hành hệ thống này. Mô hình thí điểm này có công suất 10 m3/ngày, có thể đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho khoảng 3 hộ gia đình làm nghề. Ngoài mô hình thí điểm trên, địa phương cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống thu khí thải và xử lý cho quy mô sản xuất hộ gia đình để xử lý khí thải, chủ yếu là dioxit cacbon, monoxit cacbon, dioxit nito, tro bụi… do Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa vừa xây dựng, thí điểm thành công vào cuối năm 2012. Phương pháp hấp thụ được lựa chọn ở đây với chi phí vận hành thấp, hiệu quả xử lý tương đối cao và dễ vận hành. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian và khả năng tài chính nên mô hình này chưa được nhân rộng.
   
  Ý thức được sự nguy hiểm ngay bên cạnh, nhưng không ít người dân Bình Yên lại bàng quan cho rằng vấn đề bảo đảm môi trường sống là việc của các cơ quan chức năng. Còn các hộ gia đình sản xuất chế biến nhôm hầu như chỉ tập trung thu lợi và tìm cách hạn chế tối đa chi phí đầu tư cho công nghệ xử lý. Do đó, rất có thể những mô hình xử lý chất thải và khí thải đã, đang và sẽ được áp dụng sẽ vẫn chỉ dừng lại ở khâu “trình diễn” thí điểm, không mang lại kết quả đồng bộ, lâu dài nếu không có sự chung sức vào cuộc từ nhiều phía, nhất là cộng đồng dân cư ở đây.
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Làng nghề Bình Yên - Liệu đã yên bình?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO