Nam Định chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

21/03/2016 00:00

(TN&MT) – BĐKH đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn và trở thành thách thức lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Nam Định và các tỉnh ven biển phía Bắc. Trong bối cảnh chung đó, tỉnh Nam Định xác định nhiệm vụ ưu tiên là chủ động ứng phó BĐKH và thống nhất phối hợp hành động với các tỉnh.

BĐKH, nước biển dâng và các nguy cơ phát sinh

Nằm trong vùng vịnh Bắc Bộ, Nam Định thường xuyên bị ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bình quân khoảng 4 - 6 cơn bão/năm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thay đổi bất thường, mức độ rét đậm, rét hại, áp thấp nhiệt đới, bão lũ, hán hán, sạt lở đất, dịch bệnh... kết hợp với nước biển dâng, xâm nhập mặn... đã gây nhiều khó khăn cho trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản; đe dọa an ninh lương thực của tỉnh cũng như của khu vực…

Theo tính toán, ở Nam Định mỗi năm mực nước biển dâng thêm 2,15mm, đến năm 2020 mực nước biển dâng 7 - 8cm và đến năm 2100 sẽ lên ngưỡng 49 – 65cm. Cùng với đó, diện tích thường xuyên bị ngập lụt ngày càng gia tăng, ước tính đến cuối thế kỷ 21 sẽ có khoảng 80km2 diện tích thường xuyên bị ngập lụt, tập trung ở các huyện ven biển.

Nhiều diện tích lúa bị nhiễm mặn do tác động của BĐKH
Nhiều diện tích lúa bị nhiễm mặn do tác động của BĐKH

BĐKH tác động nghiêm trọng đến tài nguyên nước thể hiện qua xâm nhập mặn gia tăng với phạm vi ngày càng mở rộng, sâu hơn vào nội đồng; thời gian ảnh hưởng kéo dài hơn, độ mặn cao hơn; khô hạn kéo dài, thiếu nguồn nước ngọt và ô nhiễm nguồn nước mặt khi lưu lượng dòng chảy trên sông Hồng, sông Đáy giảm.

Đồng thời, nước biển dâng và xâm nhập mặn làm thoái hóa đất canh tác. Hàng năm có khoảng 38.000 ha đất canh tác ven biển bị nhiễm mặn, trong đó có đến hơn 12.000 ha nhiễm mặn nặng. Rừng ngập mặn cũng bị suy giảm về cả diện tích và khả năng phòng hộ. Cụ thể, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh, Cồn Mở và VQG Xuân Thủy bị chết. Tại VQG Xuân Thủy trong 12 năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn trưởng thành đã bị suy giảm 70%.

Ngoài ra, BĐKH ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm thay đổi các đặc tính môi trường nước lợ tại vùng bãi bồi của VQG Xuân Thủy, thay đổi môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật; làm thay đổi cấu trúc và thành phần, trữ lượng thủy sản ven bờ; giảm sút sô lượng các quần xã động, thực vật hiện hữu.

Các giải pháp ưu tiên

BĐKH đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn và là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định nói riêng, các tỉnh ven biển phía Bắc nói chung. Trước thực tế đó, chủ động ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ ưu tiên của các địa phương.

Trước hết, để thích ứng với thách thức của BĐKH, Nam Định tiếp tục đầu tư nâng cấp đê kè biển cũng như các công trình đầu mối phòng chống thiên tai; xây dựng hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi và hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS của 3 huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; xây dựng các nhà trú tránh bão cộng đồng. Sử dụng giống lúa chịu mặn hơn 2% và những loại cây trồng chịu ngập úng, chịu mặn hoặc chuyển đổi từ lúa nước sang cây trồng cạn và chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển bằng cách du nhập và phát triển các ngành nghề: trồng nấm, chế biến hải sản, may mặc, cơ khí…

Nhiều diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Cồn Lu (Nam Định) bị chết do BĐKH
Nhiều diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Cồn Lu (Nam Định) bị chết do BĐKH

Đặc biệt, đẩy mạnh các giải pháp giảm thiểu thông qua việc tiết kiệm năng lượng, trồng rừng ngập mặn, trồng cây xanh môi trường…; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, hạn chế sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; áp dụng các quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính (SRI, 3 giảm – 3 tăng; VietGAP, GlobalGAP…); xử lý rơm rạ thành phân bón, xây bể biogas; đầu tư nâng cấp hệ thống tưới – tiêu, tiết kiệm nước.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khoảng trống trong ứng phó BĐKH ở đây. Chẳng hạn như, hệ thống đê điều còn 30km đê biển, 150km đê sông và 60km kè đê sông xung yếu chưa được kiên cố hóa, nhất là có một số đoạn đê biển xung yếu trực diện với biển; những đoạn đã được kiên cố hóa mới đảm bảo chống chịu được gió bão cấp 10, tần suất 5%. Hệ thống thủy lợi còn hơn 900km kênh cấp I, 3500km kênh cấp II và hơn 8000 kênh cấp III chưa được kiên cố hóa nên chưa ứng phó hiệu quả với tình trạng xâm nhập mặn. Các xã ven biển đều chưa có các nhà trú tránh bão và thiên tai, chưa được trang bị hệ thống cảnh báo sớm thiên tai; hệ thống đường cứu hộ, cứu nạn chưa đảm bảo yêu cầu.

Xác định tầm quan trọng và sự cần thiết phải có sự thống nhất phối hợp hành động giữa các tỉnh ven biển để ứng phó với BĐKH, Nam Định kêu gọi các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ địa phương và các tỉnh trong khu vực triển khai Dự án phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học ven bờ và các chương trình, dự án ưu tiên ứng phó BĐKH giai đoạn 2015 – 2020 như: Lập quy hoạch và xây dựng các nhà máy nước sạch cho nhân dân 3 huyện ven biển; Nâng cấp hệ thống thủy nông nội đồng và xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS ở các xã ven biển; Phát triển nông nghiệp thông minh; Hoàn thiện, nâng cấp một số tuyến đê biển xung yếu.

Tuyết Chinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO