Nam Bộ thiếu nước

24/11/2016 00:00

(TN&MT) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương vừa đưa ra nhận định xu thế khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ mùa khô 2016 - 2017. Theo đó, dù không khốc liệt như mùa khô năm trước nhưng dự báo, mùa khô năm nay, Nam Bộ vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn.

Kết thúc muộn

Tổng hợp các mô hình dự báo mới nhất cho thấy, xác suất xuất hiện hiện tượng La Nina trong những tháng cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 đạt mức 50 - 55%, nếu xảy ra sẽ có cường độ yếu và không kéo dài.

Đối với vùng Nam Bộ, mùa khô năm 2016 - 2017 có khả năng kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm, tình trạng hạn hán ít khốc liệt hơn năm 2015 - 2016, mực nước trên sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Mùa khô năm nay Nam Bộ vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn. Ảnh: MH
Mùa khô năm nay Nam Bộ vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn. Ảnh: MH

Cụ thể, về lượng mưa, từ tháng 12/2016 tới tháng 2/2017, mưa giảm do bắt đầu vào mùa khô, riêng tháng 1, tháng 2 có thể xuất hiện những đợt mưa rào trái mùa nên lượng mưa trong tháng có khả năng cao hơn từ 15 - 30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 3 tới tháng 6, lượng mưa đều có xu hướng giảm nhẹ so với trung bình nhiều năm cùng kỳ tại tất cả các tỉnh khu vực Nam Bộ. Mức giảm thấp nhất ở khu vực Bình Phước, Tây Ninh (khoảng 3%). Mức giảm cao nhất ở khu vực cần Thơ, Sóc Trăng (khoảng 15%). Ngoại trừ tháng 1, tháng 2 là tháng được nhận định là có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, các tháng còn lại đều ở mức xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm.

Về lưu lượng nước sông Cửu Long, mùa khô năm 2016 - 2017, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10 - 20%, và cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016. Do lượng nước từ thượng nguồn về thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dẫn đến mực nước trên sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2017, vùng hạ nguồn các sông Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng 2 đợt triều cường mạnh vào giữa các tháng 12/2016 và tháng 1/2017, trong những đợt triều cường này mực nước tại các trạm vùng hạ lưu có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3, một số trạm lên trên báo động 3.

Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016 - 2017 ở khu vực Nam Bộ ít gay gắt hơn năm 2015 - 2016 và ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất mùa khô năm 2016 - 2017 có khả năng xuất hiện trong khoảng tháng 2 và 3/2017.

Nông nghiệp sẽ gặp khó

Theo như những gì đã dự báo, vụ Đông Xuân 2016 - 2017 tại khu vực Nam Bộ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lũ có thể cạn kiệt hơn, khô hạn và xâm nhập mặn cũng xuất hiện và không kém phần khắc nghiệt.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa 2016 và triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017 tại Đông Nam Bộ và ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cảnh báo, vụ Đông Xuân này, tại vùng Đông Nam Bộ cũng như ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt trong sản xuất.

Dự báo nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn như vụ Đông Xuân 2015 - 2016. Diện tích có khả năng ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển là hơn 300.000 ha, chiếm hơn 35% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm hơn 21% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2016 - 2017 toàn vùng ĐBSCL.

Theo Tổng cục Thủy lợi, với nền nước đầu lũ cho tới thời điểm này đang ở mức thấp, nên khả năng có lũ lớn ở vùng ĐBSCL là thấp. Vì vậy, nếu không có biến động lớn, nhận định lũ ở ĐBSCL năm 2016 là năm có lũ nhỏ. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ dự báo vào khoảng cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10 ở mức trung bình báo động 1 và báo động 2, cao hơn năm 2015 nhưng thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Nếu có bất thường về thời tiết thì lũ vùng ĐBSCL cũng ở mức dưới 4,5m tại Tân Châu.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam bộ nhận định: Với tình hình lũ thấp tại ĐBSCL, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ mùa khô 2016 – 2017 sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ nhiều năm. Vì vậy, cần căn cứ vào thực tế sản xuất vừa qua để tính toán diện tích, thời vụ gieo trồng hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, xem xét tích trữ nước hợp lý vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh trong thời gian tới đề phòng khả năng xảy ra hạn, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2016 - 2017.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, để chủ động nước trong sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017, ngành nông nghiệp đã đưa ra lịch thời vụ nhằm chia sẻ nguồn nước giữa các tỉnh ĐBCSL bằng việc xuống giống xen kẽ giữa các vùng. Từ những kinh nghiệm sản xuất năm 2016, ngành nông nghiệp sẽ có kịch bản cụ thể đối phó với hạn, mặn trong thời gian tới.

Phạm Thu Hà

 

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Bộ thiếu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO