Năm 2020, Việt Nam sẽ kiểm soát các nguồn khí thải một cách nghiêm minh

08/10/2013 00:00

Bộ TN&MT đang nỗ lực hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

   
Theo Trung tâm nghiên cứu Môi trường của trường Đại học Yale và đại học Columbia của Mỹ đã công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 2 năm 2012 ở Davos, Thụy Sỹ, cho rằng Việt Nam nằm trong 10 nước có môi trường  không khí bị ô nhiễm nhất trên thế giới. Để khắc phục tình trạng này, Bộ TN&MT đang nỗ lực hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
   
Ô nhiễm môi trường không khí đang ngày gia tăng
   
   
  Bà Mạc Minh Trà, Phó Trưởng phòng Dữ liệu và hệ thống thông tin (Trung tâm quan trắc môi trường) cho biết, trước sức ép gia tăng dân số và đô thị hóa, ô nhiễm môi trường không khí cũng đang ngày gia tăng ở nhiều nơi. Trong đó, chủ yếu qua các nguồn như: Hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng, dân sinh và ô nhiễm xuyên biên giới.
   
   
  "Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết dị thường xuất hiện ngày càng nhiều đang gây những ảnh hưởng xấu tới môi trường không khí. Hay như mật độ che phủ rừng và diện tích cây xanh đô thị đóng vai trò điều hòa khí hậu, nhưng vì không tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa, nên đã gây ra những tác động xấu tới môi trường không khí," bà Trà khẳng định.
   
  Theo số liệu thực tế quan trắc từ các trạm đo liên tục ở Việt Nam khí NO (Nitơ Oxit) có xu hướng tăng lên cao và các giờ cao điểm vào buổi sáng và buổi chiều. Nồng độ các thông số bụi, có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt dọc các trục giao thông và các tuyến đường cao tốc có mật độ giao thông cao. Đối với các công trường xây dựng, ô nhiễm bụi xung quanh các điểm xây dựng là tương đối nghiêm trọng và duy trì ở ngưỡng cao với khoảng thời gian kéo dài tương ứng với thời kỳ tiến hành các hoạt động xây dựng. Tại các khu dân cư nằm trong các đô thị lớn chịu ảnh hưởng của giao thông, mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng nhiều lần Quy chuẩn Việt Nam (QCVN).
  Trên phạm vi cả nước, năm 2011 là năm ghi nhận không khí bị ô nhiễm bụi nhiều hơn cả. Nồng độ bụi tại hầu hết các điểm quan trắc xung quanh các khu, điểm, cụm công nghiệp đều vượt ngưỡng quy định, thậm chí một số điểm còn vượt tới 3 - 4 lần. Môi trường ô nhiễm không khí tại các làng nghề, ô nhiễm mùi đang là vấn đề bức xúc. Bên cạnh đó, chất lượng không khí tại các điểm ven đô thị các điểm gần khu vực nông thôn cũng đang có xu hướng bị ô nhiễm. Ngoài ra xu hướng lan truyền ô nhiễm xuyên biên giới cũng đã xuất hiện nhiều biểu hiện nhất định.
   
Kiểm soát nguồn khí thải nghiêm minh
   
  Trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng nhức nhối, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã và đang nỗ lực hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
   
  Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm kiểm soát các nguồn khí thải một cách nghiêm minh và có hiệu quả cao để bảo đảm 100% các nguồn khí thải không vượt quá giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), cải thiện chất lượng môi trường không khí xung quanh để đảm bảo cho mọi người dân được sống và làm việc trong môi trường không khí trong lành, đạt QCVN.
   
  Theo dự thảo Kế hoạch, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ kiểm soát các nguồn khí thải một cách nghiêm minh và có hiệu quả để bảo đảm về cơ bản 80% các nguồn khí thải, chủ yếu là các nguồn khí thải từ hoạt động của các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, không vượt quá giới hạn cho phép của QCVN, cải thiện chất lượng môi trường không khí xung quanh nhằm đảm bảo cho mọi người dân được sống và làm việc trong môi trường không khí trong lành, nồng độ các khí thải SO2, NO2, CO và nồng độ bụi lơ lửng và bụi mịn đều đạt QCVN.
   
   Đến năm 2030, Kế hoạch đưa xuất sẽ kiểm soát các nguồn khí thải một cách có nền nếp và có hiệu quả để bảo đảm về cơ bản 60% các nguồn khí thải, chủ yếu là nồng độ các chất ô nhiễm chủ yếu (SO2, NO2, CO và bụi lơ lửng, bụi mịn) trong các nguồn khí thải từ hoạt động của các ngành công nghiệp và giao thông vận tải không vượt quá quá giới hạn cho phép của QCVN, bảo đảm môi trường không khí xung quanh không bị ô nhiễm về các chất khí ô nhiễm chủ yếu (SO2, NO2, CO), nhưng bị ô nhiễm về bụi lơ lửng và bụi mịn ở mức ô nhiễm nhẹ trở xuống.
   
T.Minh 
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020, Việt Nam sẽ kiểm soát các nguồn khí thải một cách nghiêm minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO