Năm 2016, đưa KHCN làm mũi nhọn phát triển

23/02/2016 00:00

 (TN&MT) - Khoa học công nghệ (KHCN) có thực sự “cất cánh”, xứng tầm với tầm quan trọng của nó hay không vẫn là câu chuyện phải bàn nhiều trong năm 2016. Nhân cuộc gặp mặt đầu năm mới, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân xung quanh vấn đề này.

PV: Năm 2015 là năm ngành KH&CN có nhiều đổi mới, nhiều sự kiện quan trọng của ngành được biết đến. Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể chia sẻ về những sự kiện đặc biệt này và những dự án mà Bộ sẽ tập trung vào các nhà khoa học trẻ trong năm 2016, ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năm 2015, ghi nhận có nhiều thành quả quan trọng đối với ngành KHCN nước nhà, trong đó có những công trình mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế và an ninh quốc phòng.

Tiêu biểu phải kể đến các sự kiện như: Lần đầu tiên Thủ tướng gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu và các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015; Việt Nam tăng 19 bậc và đứng thứ 52 thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; Chế tạo, thử nghiệm thành công một số vũ khí mới; Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.10/11-15 và những thành tựu nổi bật về ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng; UNESCO công nhận và bảo trợ 2 Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý của Việt Nam (trực thuộc Viện Toán học và Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Ra mắt Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia; Năm 2015, ghi nhận nhiều nhà khoa học trẻ được vinh danh trong và ngoài nước; Chuỗi sự kiện hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp KH&CN 2015…

Trong năm 2016, toàn ngành đã đặt ra mục tiêu đưa vào thí điểm một viện nghiên cứu ngang tầm những cơ sở nghiên cứu của nước ngoài. Hiện, Viện KHCN Việt Nam - Hàn Quốc (VKist) là một mẫu thí điểm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ triển khai xây dựng ngay 3 Chương trình quốc gia, trong đó, có chương trình phát triển công nghệ cao và chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp thành lập quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu năm 2016 là Luật KHCN và các văn bản hướng dẫn Luật được triển khai đi vào cuộc sống. Mong muốn nữa là hệ thống đề tài dự án của chúng ta sẽ có hiệu quả hơn, thứ hạng của Việt Nam năm 2016 về KHCN sẽ được nâng lên nhiều bậc so với năm 2015… Chúng ta sẽ làm được điều này nếu như có đầu tư tốt hơn cho KHCN.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân

PV: Để KHCN phát triển phải chú trọng đầu tư hơn nữa cho nguồn nhân lực KHCN. Trong năm tới, Bộ trưởng có chiến lược gì đầu tư trọng điểm về nguồn nhân lực KHCN, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN là một quá trình lâu dài. Có thể nói, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, chúng ta vẫn còn rất khó khăn. Khó khăn đầu tiên vẫn là tư duy của bộ máy quản lý về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho KHCN.

Để cho những người làm khoa học có sự đam mê, ngoài truyền thông, hệ thống giáo dục, bây giờ ngành KHCN đã bắt đầu đồng hành với ngành giáo dục trong việc tạo ra khái niệm sự đam mê của người trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trong năm 2016, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ và đã được phê duyệt Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ khoa học, cán bộ quản lý. Chúng tôi cũng đã làm một số công việc khác nâng cao trình độ cho cán bộ khoa học, và cán bộ quản lý khoa học ở trong nước.

Thực hiện Luật KHCN, Bộ dã xây dựng Nghị định 40 về chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ KHCN và đã trình Chính phủ ban hành từ tháng 5/2014. Trong đó, ngoài những hệ thống tuyển dụng, sử dụng cán bộ mà theo Luật cán bộ công chức và Luật viên chức, Bộ đã đề xuất 3 đối tượng trong lĩnh vực KHCN cần Nhà nước đặc biệt quan tâm và có sự ưu đãi ở mức cao hơn và giao cho họ về quyền tự chủ. Đó là các nhà khoa học đầu ngành - những người đứng đầu một lĩnh vực chuyên môn; những nhà khoa học được Nhà nước giao chủ trì những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của quốc gia; nhà khoa học trẻ có tài năng (những người tuổi dưới 35 tuổi có những thành tựu KHCN nổi bật).

Chúng tôi hy vọng những chính sách mới của Luật KH&CN, cũng như Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ để triển khai Luật và áp dụng thành công vào thực tiễn chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động và thành tựu cho KHCN.

KHCN được coi là một lĩnh vực “xương sống” trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ảnh: MH
KHCN được coi là một lĩnh vực “xương sống” trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ảnh: MH

PV: Cùng với việc ban hành các chính sách, cũng như là việc các quỹ đi vào vận hành, Bộ trưởng có thể chia sẻ những kết quả đạt được về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năm 2015, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Việt Nam tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế, đứng trong Top 3 khu vực Đông Nam Á.

Đây có thể coi là kết quả bước đầu của những đổi mới tích cực trong cơ chế quản lý và hoạt động KHCN và các lĩnh vực khác trong thời gian qua.

Để đưa ra được đánh giá này, WIPO đã dựa trên số liệu của 79 tiêu chí được thống kê từ các quốc gia. Vì thế, có thể nói xếp hạng này đánh giá thực chất sự đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế. Nhiều người cũng cho rằng, chỉ số này thể hiện trình độ phát triển công nghệ của một quốc gia vì các tiêu chí cũng thể hiện tương đối tổng hợp. Trong số 79 tiêu chí này có nhiều tiêu chí liên quan đến đầu vào, đầu ra của khoa học và công nghệ, từ thể chế, nhân lực, hạ tầng cho tới đầu tư rồi các sản phẩm khoa học được công bố cũng như kết quả khoa học được ứng dụng.

Như vậy, thông qua chỉ số xếp hạng của WIPO, có thể thấy, năm vừa rồi, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện thứ hạng của mình.

Chỉ số đánh giá này đã ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam khi chúng ta bắt đầu có Luật KH&CN từ năm 2013. Có thể thấy, Luật có tác dụng rất lớn với 3 trụ cột là đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN bước đầu đã đem lại sức sáng tạo, sức sống mới cho KHCN Việt Nam.

PV: Bước vào năm mới, Bộ trưởng có gửi gắm gì vào các nhà khoa học trẻ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi rất kỳ vọng vào giới trẻ Việt Nam. Bởi trong năm qua, nhiều bạn trẻ có đam mê khoa học, nghiên cứu đã làm được nhiều điều, đã chứng tỏ được bản lĩnh, năng lực sáng tạo của mình, mặc dù có cả thất bại và thành công.

Đối với thế hệ trẻ, cái họ cần nhất là tự do sáng tạo. Tôi đã gặp rất nhiều cán bộ khoa học trẻ nói rằng nếu chúng ta không có văn hoá thất bại, chắc chắn là không ai thành công. Làm khoa học luôn luôn rủi ro, nếu ai đó cứ nói rằng, cứ làm khoa học là phải thành công, giao 100 đề tài phải thành công cả 100 đề tài thì đấy là những người rất giáo điều.

Đối với giới trẻ, tôi  mong là họ hãy hết sức tự chủ chấp nhận thất bại và tận dụng tối đa những cơ hội có thể có để sáng tạo một cách tự do.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Cường (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2016, đưa KHCN làm mũi nhọn phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO