Mỹ công nhận Hiệp định Paris nhưng sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia

12/05/2017 00:00

Ngày 11/5, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã ký một thỏa thuận công nhận Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, song tuyên bố Washington sẽ cân nhắc trước tiên tới...

 

Ngày 11/5, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã ký một thỏa thuận công nhận Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, song tuyên bố Washington sẽ cân nhắc trước tiên tới lợi ích của nước Mỹ khi đưa ra những quyết định về vấn đề biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm Hội đồng Bắc cực ở Fairbanks, Alaska, ngày 10/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm Hội đồng Bắc cực ở Fairbanks, Alaska, ngày 10/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị của Hội đồng Bắc Cực, bao gồm các nước có lãnh thổ tại khu vực Bắc Cực, tổ chức tại thành phố Fairbanks, bang Alaska, Mỹ, Ngoại trưởng Tillerson cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tiến hành đánh giá để quyết định hướng tiếp cận đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Tillerson hoan nghênh quan điểm của các nước về vấn đề biến đổi khí hậu và cho biết sẽ cân nhắc tới những lập luận này. Tuy nhiên, Washington sẽ không vội vã và quyết tâm tìm kiếm một quyết định "đúng đắn cho nước Mỹ."

Thỏa thuận mà Ngoại trưởng Tillerson ký với 7 quốc gia thành viên Hội đồng Bắc Cực chỉ đề cập thoáng qua tới Hiệp định Paris, ghi nhận giai đoạn bắt đầu có hiệu lực của hiệp định và các bước triển khai, đồng thời kêu gọi hành động toàn cầu để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, đây vẫn là một động thái gây bất ngờ trong bối cảnh Tổng thống Trump vẫn duy trì quan điểm phản đối các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và liên tiếp đảo ngược các chính sách dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama liên quan vấn đề này.

Theo Hiệp định Paris mà Washington tham gia ký kết dưới thời cựu Tổng thống Obama, hơn 190 quốc gia đặt mục tiêu giảm khí thải carbon và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiều chính phủ và giới chuyên gia đánh giá Hiệp định Paris là hy vọng cuối cùng để làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cảnh báo ông sẽ rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận ký kết năm 2015.

Mỹ là quốc gia có lượng khí thải carbon cao thứ 2 thế giới và việc Washington rút khỏi Hiệp định Paris hoặc giảm mức độ cam kết của mình có thể làm đổ vỡ các nỗ lực giảm nhiệt độ toàn cầu.

Trước đó, trong tuần này, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump sẽ có quyết định về việc "đi hay ở" Hiệp định Paris sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra cuối tháng này tại Italy.

Cũng tại hội nghị ngày 11/5, Ngoại trưởng Tillerson đã chuyển giao vị trí chủ tịch luân phiên cho Hà Lan. Phát biểu tại đây, Ngoại trưởng Hà Lan Timo Soini tuyên bố Hiệp định Paris và các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030 của Liên hợp quốc sẽ là "kim chỉ nam" cho các hoạt động của Hội đồng Bắc Cực.

Ông Soini nhấn mạnh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ là nền tảng để giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Hội đồng Bắc Cực là một diễn đàn nơi 8 nước Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ phối hợp chính sách. Hội đồng Bắc Cực họp thường kỳ 2 năm để thảo luận các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề khác của khu vực Bắc Cực.

Tại hội nghị hôm 11/5 tại Fairbanks, các nước đã ký một thỏa thuận ràng buộc cho phép giới khoa học các nước thành viên tiếp cận vùng lãnh hải tại Bắc Cực của nhau để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học./.

Theo TTXVN

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ công nhận Hiệp định Paris nhưng sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO