Mưu sinh cùng "thần chết"

28/10/2014 00:00

(TN&MT) - Bất kể Đông Hè, bước chân người rà tìm phế liệu chiến tranh dấn vào cuộc mưu sinh đầy may rủi của số phận.

   
(TN&MT) - Sáng, những người đàn ông cơm đùm gạo bới "leo" lên xe gắn máy tìm đến những vùng đất trước đây thường ngập ngụa đạn bom; chiều họ trở về mang theo những gì nhặt nhạnh được đổi lấy miếng cơm. Bất kể Đông Hè, bước chân người rà tìm phế liệu chiến tranh dấn vào cuộc mưu sinh đầy may rủi của số phận.
   
Dưới mỗi nhát cuốc của người "đi rà" ẩn chứa những tai họa khôn lường.
   
  Nghề rà tìm phế liệu chiến tranh còn được mệnh danh là "gõ cửa thần chết" đã tồn tại hàng chục năm nay ở dải đất miền trung nắng thì thật nắng mưa thậm mưa - Quảng Trị. Đằng sau mỗi nhát cuốc, miếng phế liệu kiếm được là sự ngậm ngùi về sự khó nghèo. Giữa thời bình, đâu đó thi thoảng vẫn vang lên những tiếng nổ, cướp đi sinh mạng hay sự lành lặn của bao người.
   
Sáng đi…
   
  Những người đàn ông vâm váp, cúc áo hở toang, bắt đầu công việc của mình từ sáng sớm. Khi đang nhọ mặt người, họ đã ới nhau bắt đầu một ngày lao động với những hy vọng cho buổi chiều trở về có đồng vào đồng ra. Hiện nay, những huyện như Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa… (tỉnh Quảng Trị) đều có người rà tìm phế liệu chiến tranh (hay còn gọi là đi "rà" - PV), họ thả cuộc đời mình nổi nênh theo sự rủi may của số phận.
   
  Anh Trần Văn Hòa, Khu phố 5, thị trấn Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) là một trong những người lấy công việc tìm kiếm phế liệu để mưu sinh. "Vì thiếu công ăn việc làm nên chúng tôi mới làm nghề này. Thường, những nhóm đi rà sẽ lập thành một đội từ 2 - 4 người và đi cùng nhau. Trước là để cho vui, sau là tương trợ khi gặp… sự cố", anh Hòa nói vắn tắt.
   
  Những người rà tìm phế liệu chiến tranh như anh Hòa, anh Vang (khu phố 5, thị trấn Gio Linh) hiểu rõ hơn ai hết hiểm nguy mà mình có thể gặp phải. Chiếc máy dò tìm phế liệu (hay còn được gọi là máy "rà") nặng khoảng 2 kg, chạy pin, gắn một chiếc loa nhỏ. Người đi "rà" dùng chiếc máy xoang trên mặt đất và căn cứ vào tín hiệu âm thanh để xác định có mảnh kim loại hay không. Những tín hiệu họ nhận được có thể là một mảnh bom vô hại - có tiền, hoặc một quả bom bi cực kỳ nhạy nổ - thương tật hoặc mất mạng.
   
  Anh Hòa cho biết: "Những người đi "rà" chúng tôi sợ nhất là cuốc phải bom bi. Mang tiếng liều lĩnh nhưng gặp bom bi là lạnh gáy, bởi chỉ cần cuốc phải là nổ. Không ít người đã "dính" khi "gõ cửa" đúng loại tử thần này". Có dịp đi cùng anh Hòa và những người đàn ông làm nghề nguy hiểm này mới biết họ liều lĩnh đến mức nào. Chiếc máy rà chỉ phát ra những tiếng rè rè nhưng bằng kinh nghiệm họ nhận ra ngay sự thay đổi của tín hiệu. "Đây! Miếng này nhỏ thôi", anh Hòa dừng lại, cầm cuốc bổ thật lực. Bỗng cộc, lưỡi cuốc chạm phải một mảnh kim loại, tôi giật mình lảng ra. Anh Hòa cười "Chú nhát gan quá! Đâu dễ gặp bom đến thế". Moi dưới đất lên một miếng kim loại rỉ rét, anh Hòa gõ mạnh vào cán cuốc vứt vào bao và tiếp tục công việc trong cái lắc đầu và cái miệng méo xệch của tôi. Gần đó, những người đàn ông khác cũng bổ cật lực những nhát cuốc xuống đất…
   
Tối về…
   
  Người làm công việc rà tìm phế liệu chiến tranh phần đa đều là nông dân có cuộc sống khó khăn, ít điều kiện để sản xuất. Họ tranh thủ buổi nông nhàn kiếm thêm thu nhập bằng công việc này. Hiện tại, 1kg sắt vụn có giá 3 đến 4 ngàn đồng, một người có thể kiếm được vài trăm ngàn hay chỉ vài chục/ngày, hoặc tệ hơn họ có thể mất mạng hoặc lãnh thương tích.
   
Người đàn ông này đang phân phế liệu thành từng loại khác nhau theo giá thành
   
  Công việc của họ thường kết thúc khi chiều đã muộn và điểm đến cuối cùng trong ngày là những vựa phế liệu dọc Quốc lộ 1A. Ông Nguyễn Văn Quang, chủ một vựa phế liệu đặt tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong cho biết, khắp nơi tại huyện Triệu Phong, Hải Lăng đều có người tìm phế liệu đem bán. Đại lý của ông là điểm thu mua lớn nhất nhì trong huyện. Có thời điểm tại đây thu mua đến cả hàng chục tấn phế liệu chiến tranh/ ngày. "Trước đây thì phế liệu chiến tranh nhiều, nay đã dần hết nên người rà tìm cũng gặp không ít khó khăn" - ông Quang nói.
   
  Mặc dù ăn nên làm ra, xây được nhà lầu gần ngay Quốc lộ nhưng gia đình ông Quang cũng không tránh khỏi tai họa do bom mìn mang lại. "Hôm đó vợ tôi đi mua phế liệu ở gần nhà. Trong quá trình vận chuyển, không biết thế nào túi phế liệu lại phát nổ khiến 4 người bị thương trong đó có vợ của tôi", ông Quang phân trần về sự việc xảy ra vào ngày 4.10.2014 khi một vụ nổ đầu đạn 90 ly tại một điểm thu mua phế liệu trên địa bàn huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị).
   
  Ông Quang trước đây cũng từng là người rà tìm phế liệu. "Sau vì tui thấy nguy hiểm quá, không biết mất mạng khi nào nên mới bỏ nghề, cũng may mà bỏ sớm, không thì…". Ông Quang chỉ là một trong số rất ít người tại Quảng Trị bỏ được nghề nguy hiểm này.
   
  Và hằng ngày, những tiếng nổ vẫn tiếp tục vang lên sau từng bước mưu sinh.
   
Những nỗi đau
   
  Đến thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, bên nóc nhà trống huơ hoác, một người đàn ông cụt gần hết bàn tay thẫn thờ bên đàn con. Anh Kiếm đó.
   
  "Nhà tui 4 đứa con, hai vợ chồng nữa là 6, có hôm cơm xúc một lượt là hết", anh Nguyễn Đức Kiếm kể về cái cảnh mồng tơi chưa kịp rớt của mình. Gần tuổi 50, nhưng hơn nữa cuộc đời anh Kiếm đã gắn bó với công việc rà tìm phế liệu đổi lấy bát gạo, miếng ăn. Họa vô đơn chí, vào mùa hè năm 2000, khi anh cùng 6 người làng rong ruổi cả một buổi sáng để làm nghề thì tai họa đổ xuống.
   
  "Vừa ăn cơm trưa xong, tôi vừa bắt tay vào việc thì gặp nạn…" - anh Kiếm nhớ lại. Quả đạn đã phát nổ khi lưỡi cuốc chạm phải, mặc dù bị mảnh đạn bắn chi chít vào người nhưng không đủ để tước đi mạng sống của người đàn ông lực điền. Anh Kiếm nằm dưỡng thương 3 tháng với một nửa bàn tay bị mảnh đạn gọt cụt và cảnh nhà đã túng lại còn túng hơn.
   
  Vì nghèo túng, vì thiếu công ăn việc làm đã đẩy đưa nhiều người vào nghề rà tìm phế liệu chiến tranh. Ở Quảng Trị, không thiếu những người phụ nữ bỗng chốc thành những "bến không chồng" vì một quả bom ẩn sâu dưới lòng đất. Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh là một trong những người như vậy.
   
  "Hôm đó, chồng tôi cùng mấy người làng đi rà tìm phế liệu tận huyện Vĩnh Linh, tối đến người ta mang xác chồng tôi về…." - chị Thủy nhớ lại. Trong đôi mắt của người phụ nữ này vẫn còn thấp thoáng hình ảnh khủng khiếp khi mọi người mang thi thể tơi tả vì bom bi của chồng mình về làng.
   
  Những tai họa do phế liệu chiến tranh cứ đều đặn cướp đi sinh mạng và sự lành lặn của nhiều người, trong đó có cả trẻ em. Đơn cử, như trưa ngày 17/10/2014, người dân thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã giật thót mình vì một tiếng nổ vang lên tại nhà bà Đặng Thị Don. Khi ai nấy chạy đến nơi thì hình ảnh đầu tiên đập vào  mắt là em Trần Văn Hoàn (sinh năm 1997, thôn Hoàn Cát) nằm trên vũng máu, người bị cháy đen. "Không ai biết nó nhặt quả đạn ở đâu. Chỉ biết sáng đó nó đi nương về, ăn cơm xong thì mang quả đạn sang nhà bà con (bà Don - PV) rồi dùng gạch để đập, nên đạn phát nổ", anh Trần Đình Quyết là chú của Hoàn nói.
   
Không ai có thể biết được những "cục sắt" tưởng chừng như vô hại này là thứ gì? Có thể phát nổ hay không?
   
  Theo một nghiên cứu của dự án RENEW tại Quảng Trị từ sau năm 1975 đến năm 2010, đã có 7.075 nạn nhân bom mìn, trong đó số lượng nạn nhân tử vong là 2.635 người. Trong 5 năm trở lại đây (2006-2010), hoạt động chính dẫn đến tai nạn bom mìn là tìm kiếm phế liệu chiến tranh với 33 nạn nhân chiếm 26,19%. Trong đó, những gia đình có thu nhập thấp dưới 10 triệu đồng vẫn là đối tượng bị tai nạn bom mìn nhiều nhất với 73 nạn nhân (số nạn nhân của những gia đình có thu nhập dưới 5 triệu đồng là 55 nạn nhân).
   
  Những người lấy công việc rà tìm phế liệu khi được hỏi đều mong muốn bỏ nghề. "Không ai muốn làm cái nghề ni chú à, làm đỏ mòn con mắt mà có được bao nhiêu tiền, lại còn hiểm nguy rình rập. Nhưng, bây chừ, ở nhà thì biết mần chi… anh Vang (khu phố 5, thị trấn Gio Linh) phân trần. Và hằng ngày, những người làm công việc rà tìm phế liệu vẫn đánh cuộc với "tử thần" để kiếm miếng cơm manh áo nhằm đắp đổi cuộc sống.
   
Bài và ảnh: Hải Tân – Anh Dũng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưu sinh cùng "thần chết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO