Huyện Mường Tè có diện tích lớn trên 2.679 km2, địa bàn rộng cùng với 14 xã, thị trấn, giao thông đi lại khó khăn, tiềm năng về khoáng sản, đặc biệt là vật liệu xây dựng thông thường lớn nên công tác quản lý ngành tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện cũng xác định rất nhiều khó khăn, vướng mắc sẽ gặp phải.
Tháng 8/2017, toàn bộ lao động hợp đồng tại phòng bị cắt hợp đồng, một số cán bộ chuyển công tác. Đến nay, phòng TN&MT huyện Mường Tè chỉ có 3 cán bộ, trong đó, 2 cán bộ làm công tác quản lý và 1 cán bộ phụ trách chuyên môn. Trong khi đó, chỉ tiêu giao cho phòng TN&MT huyện Mường Tè là 8 biên chế.
Ông Quách Văn Thành, Phó phòng TN&MT huyện Mường Tè, chia sẻ: Việc thiếu đội ngũ cán bộ phụ trách chuyên môn dẫn đến công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Khó khăn lớn nhất của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Tè là trong công tác quản lý đất đai: Cơ sở dữ liệu địa chính chưa được xây dựng; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; tình trạng lấn chiếm đất đã được giải phóng mặt bằng vẫn thường xuyên xảy ra. Công tác đo đạc bản đồ mới được quan tâm nên tồn tại nhiều hạn chế, việc cáp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý biến động chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn còn nhiều bất cập.
Đánh giá về thực trạng chất lượng cán bộ ngành TN&MT huyện, ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, nhận định: Đội ngũ cán bộ ngành TN&MT huyện vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế, yếu kém. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ địa chính – xây dựng cấp xã. Đối với cán bộ cấp phòng, hiện rất thiếu cán bộ chuyên môn chất lượng cao, thực hiện nhiệm vụ vẽ, đo đạc bản đồ. Trong khi yêu cầu đôi với tất cả cán bộ nên biết kỹ năng cơ bản về vẽ và đo đạc bản đồ, nắm cơ bản các Luật Đất Đai, Luật Bảo vệ môi trường…
Về nguyên nhân thực trạng yếu và thiếu cán bộ chất lượng cao phục vụ ngành TN&MT địa phương, ông Mai Văn Thạch, cho biết: Trước tiên là từ khâu đào tạo, năng lực đào tạo của các trường, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội và cho ngành. Mất cân đối trong quá trình đào tạo giữa các lĩnh vực như lĩnh vực đất đai, môi trường đào tạo nhiều hơn nhu cầu, trong khi đó các lĩnh vực còn thiếu hụt hoặc chưa có chuyên ngành đào tạo như: khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ…
Đối với cán bộ địa chính cấp xã, đa phần do các địa phương tự bổ nhiệm. Địa phương khi tuyển dụng nhân sự chưa chú trọng về chất lượng, năng lực cán bộ mà dường như tuyển dụng để đảm bảo vị trí, số lượng. Nhiều cán bộ kiêm nhiệm và yếu kỹ năng vận dụng kiến thức chuyên môn vào công việc, hạn chế nhận thức, hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, vận dụng, thực thi công việc… Mặt khác, bản thân người cán bộ khi được tuyển dụng vào làm việc chưa chủ động trau dồi kiến thức chuyên môi, nghiên cứu, học hỏi nâng cao tay nghề.
Trước thực trạng nêu trên, ngành TN&MT huyện Mường Tè vẫn chưa có giải pháp nào khắc phục việc thiếu nguồn nhân lực có chất lượng. Rất mong tỉnh Lai Châu sớm có giải pháp để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao để ngành TN&MT huyện Mường Tè đảm bảo thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.