Mường Lay đỉnh trời Tây Bắc

03/04/2014 00:00

(TN&MT) - Đến với thị xã Mường Lay, tôi sắm vai người dẫn đường cho các nhà báo - Đài tiếng nói VN lên tác nghiệp khi kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ...

(TN&MT) - Lần này đến với thị xã Mường Lay (xưa là thị xã Lai Châu), tôi sắm vai người dẫn đường cho các nhà báo hệ VOV2 - Đài tiếng nói VN lên tác nghiệp khi kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cận kề. Thật trớ trêu, tất cả đều lạ lẫm, bởi những gì tôi đã có đã biết về Mường Lay trước đây đều chìm nghỉm dưới đáy hồ không mảy may bóng hình để lại. Quá ngỡ ngàng, tôi thốt ra: Vậy người ta đã làm mới lại cả một thị xã cheo leo bốn bề núi ấp núi vây. Quốc lộ 6 và đường số 12 xưa ngoằn nghoèo thả mình dưới chân núi để vào thị xã, nay tránh nước hồ dâng, lại vắt thân lên tận lưng chừng núi!…
   
  Đứng trên nền đất di tích nhà tù Lai Châu thuộc khu đồi Dốc Cao, thả tầm mắt bao quát, Bí thư Thị ủy Lò Văn Mừng giọng hồ hởi: - Mường Lay của chúng tôi giờ có 5 khu dân cư mới. Khu Đồi Cao nơi chúng ta đứng đây, 3 mặt giáp với sông và nước hồ là dân phi nông nghiệp, tái định cư gắn với thương mại, dịch vụ du lịch. Khu Chi Luông phía kia, chủ yếu là các đơn vị cơ quan Nhà nước. Nơi này người ta đã phải đổ đất tạo cốt, san nền, lấy mặt bằng cao hơn nền cũ của thị xã tới 15 -17m. Khu Nậm Cản là đơn vị thực hiện tái định cư sớm nhất, gồm trường học các cấp, công an, bộ đội, bệnh viện và một số hộ dân bản, nhà cửa được xây dựng khá khang trang, hiện đại. Khu Cơ Khí, có chợ thị xã, là nơi tái định cư của dân phi nông nghiệp. Phía trên cùng là xã Lay Nưa, đất định cư của hơn 300 hộ dân nông nghiệp!... Bí thư nhỏ giọng, nói chậm lại: Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ sở này, cho dù có công tác ở tỉnh nhiều năm, nhưng vẫn bất ngờ với những vật lộn của Mường Lay để có được như ngày hôm nay! Cứ thế ông khái quát về lịch sử ra đời của thị xã, về lai lịch và duyên cớ của những lần đổi thay tên gọi của thị xã từ Châu Lai, sang Lai Châu, rồi từ tên phường Mường Lay thành tên thị xã.
   
  Mường Lay chỉ với 2.561 hộ dân, với trên 11.000 khẩu nhưng có tới 9 dân tộc anh em, trong đó dân tộc bản địa là Thái trắng, chiếm phần đông hơn cả. Sự vật lộn với giặc dã, với thiên nhiên tàn khốc, với sự phát triển bền vững của quốc gia (trả đất ở cho lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước) tất cả đều quyết liệt với khí phách của Điện Biên Phủ oai hùng mới tạo vượt để làm nên. Dễ gì các thế hệ mai sau biết được và nhớ đến!...
   
  Thì ra, Bí thư Lò Văn Mừng, người dân tộc Thái, gốc Mường Lay chẳng hề ngẫu nhiên đưa chúng tôi tới gốc đa cổ thụ này để diễn giải sự tình. Gọi là gốc, thực ra là chúng tôi đang đứng ở lưng chừng cây. Bởi lẽ việc tạo cốt, san nền, lấy mặt bằng cho thị xã tái định cư đã ở cốt như thế. Người Mường Lay cố ý giữ lại cây đa này như một nhân chứng, cũng chính là gìn giữ bảo tồn di tích nhà tù Lai Châu, nơi ghi dấu ấn tội ác của thực dân Pháp xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Điện Biên - Lai Châu nói riêng. Bọn Pháp xâm lăng cùng lũ tay sai từng trâng tráo gọi đây là "Trại giam địa đạo "là "Địa ngục trần gian". Dù vậy, chúng vẫn không sao khuất phục được tinh thần yêu nước của nhân dân và các chiến sĩ cách mạng. Ấy là cuộc nổi dậy của những người tù do Cai Vợi lãnh đạo vào tháng 01/1927, cướp súng của lính gác rồi đánh chiếm các trại lính nhỏ đồn thấp, sau đó tiến lên các trại lính lớn ở Đồi Cao, chiến đấu quyết liệt với bọn lính Khố đỏ, Khố xanh, bọn Tây dương, gây cho địch cơ man tổn thất!...
   
  Thời gian trôi đi chẳng hề quay trở lại. Không gian, cảnh vật cũng không tích tụ vĩnh hằng. Chỉ ký ức, chỉ biểu tượng vật liệu bền chắc, chỉ chữ nghĩa, sử sách, chỉ lời người truyền nối cho nhau mới có sức lan tỏa, lưu giữ lâu bền. Hẳn là như thế, nên đứng đây, bỗng dưng tôi nhớ tới lần đến Mường Lay đầu tiên, ấy là sau dịp lũ ống trưa ngày 27 tháng 6 năm 1990. Ngày đó, tôi không sao cầm nổi nước mắt khi anh Thạch Linh, Ủy viên Ủy ban nhân dân thị xã, Ủy viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh kể rằng: “Con lũ đổ ập xuống, dâng nhanh suốt từ Nậm Na, Nậm Lay, Nậm Cản dồn về biến thị xã Lai Châu phút chốc thành con sông cái. Nước đi, nước đến cuốn phăng nhà cửa, cây cối, ruộng vườn dọc hai triền thị xã, cuốn trôi hơn 300 người, làm hơn 100 người chết và mất tích… đẩy toàn bộ thị xã nhỏ bé này vào cảnh khốn cùng!
   
  Đêm. Trời như mực mài. Tứ phía giăng giăng mịt mù những núi. Núi đứng, núi dựng. Núi ở đầy trong mắt. Ngồi trong căn nhà sàn của người Thái ở phường Na Lay, anh Chu Văn Tờn, Chủ tịch phường nói với chúng tôi: Na Lay sống bằng ruộng vườn là chính, vậy mà trăm héc ta cấy lúa, nước lũ nhổ đi tất cả, chằn lại những đá hòn, đá hộc!... Và rồi, qua báo chí chúng tôi đã nặng lời cảnh báo: “Mường Lay - Núi ở đầy trong mắt - Nhưng, núi xói lở, rừng cháy, nương rẫy cằn kiệt như mái máng hứng mưa đổ nước xuống thị xã. Lũ ập về. Lỗi tại Trời ư? Không. Thủ phạm gây nên chính là con người: Ích kỷ, tàn tệ, vô thức với rừng, với nơi mình sinh sống”!...
   
  Ngày xưa tôi biết tới Mường Lay là tỉnh lị cũ của Lai Châu (bao gồm cả Điện Biên). Đó là thị xã nhỏ nhất nước, chỉ vẻn vẹn 12 ngàn héc ta, gồm 2 phường và 1 xã. Tâm điểm thị xã là thung lũng hẹp trải dài tới ngã ba sông, điểm giao cắt của sông Đà hung dữ, của sông Nậm Na và suối Nậm Lay… Giờ đây, kết thúc việc di dân tái định cư và kiến tạo đô thị mới; công trình thủy điện Sơn La hoàn tất, mực nước lòng hồ dâng cao 215 tới 217m.
   
  Diện tích mặt nước giữa lòng thị xã mênh mang tới cả 100 héc ta y hệt tấm gương soi khổng lồ ngày in bóng núi, bóng mây; đêm soi bóng điện, trăng sao, mây trời, cuốn quyện với những nếp nhà sàn thanh bình hệt như tiên bồng non nước Hạ Long. Mường Lay trở thành một đô thị hiện đại với đầy đủ các phân khu chức năng và là một điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, tĩnh dưỡng sức lực và tinh thần.
   
  Giọng thân thiết, chân tình, ông Lò Văn Mừng bảo: Về Mường Lay là về với vùng đất cổ, nơi mỗi con sông, ngọn núi, bản làng, con suối đều gắn liền với truyền thuyết, huyền thoại mộng mơ trữ tình, cũng có khi ngồn ngộn khí phách! Lời nói ấy của Bí thư Thị ủy lại gợi tôi nhớ đến những năm 2009 – 2010, Mường Lay vào trận “quyết chiến” khẩn trương tái định cư, kiến lập lại đô thị, trả đất thị xã đang tọa lạc cho lòng hồ tích nước thủy điện Sơn La. Ngày ấy tôi đưa lời trách cứ: Ai xưa đó đã chọn chốn gian nan nghiệt ngã này làm đô thị cho dân, để đời nối đời canh cánh nỗi lo núi xô, lũ cuốn? Thế nhưng ông Nguyễn Quốc Tuân, Tỉnh uỷ viên, (khi ấy là Bí thư Thị uỷ) lại lý giải: “Đây mới chính là tâm điểm trên bến, dưới thuyền; đường bộ có liên tỉnh lộ Lai Châu chạy qua; huyện lộ có Mường Tè đi tới… Cho nên quyết sách của Quốc hội để Mường Lay được tái định cư cho nhân dân vùng lòng hồ gắn với tái thiết đô thị hiện đại, phát triển bền vững là tuyệt vời sáng suốt, hợp lòng dân ý Đảng!...
   
Một góc thị xã Mương Lay. Ảnh: Nguyễn Uyển
   
  Vãn cảnh Mường Lay, Bí thư Lò Văn Mừng kiêm luôn vai “thuyết minh”, giọng hồ hởi: Mường Lay là nơi giao thoa mây trời với sông núi, quá khứ với hiện tại. Sông Đà xưa hung dữ tung bờm trắng mỗi khi mùa lũ đến, nay dịu hiền, mộng mơ! Chúng tôi ai nấy đều cảm nhận mình thực sự được hòa quyện với non nước mây ngàn.
   
  … Ngược dòng lên phía Lai Châu, ký ức sẽ mãi mãi theo về với di tích cổ - dinh thự vua Thái - Đèo Văn Long do đế quốc Pháp dựng lên để phục vụ quan chức của chúng ăn chơi, tiêu khiển. Ký ức sẽ lưu bền về phương lược biên phòng của vua Lê Thái Tổ được khắc đậm trên tấm bia ở vách đá Pú Huổi Chỏ xã Lê Lợi bên vệ sông Đà xưa: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an”. Nghĩa là biên phòng cần có phương lược phòng bị tốt. Đất nước cần có kế trị an lâu bền. Phương lược ấy như một triết lý, định nền móng vững chắc về sự bất di bất dịch biên giới quốc gia với phương châm “Bỗn cõi quy phục”.
   
  Mương Lay – Thủ phủ của dân tộc Thái trắng ở vòng cung Tây Bắc. Là chiếc nôi sinh nở lưu giữ của những điệu múa nón, múa quạt. Nơi phát tích của múa xòe hoa, lửa đêm rần rật, người người cầm tay nhau theo vòng tròn khép kín, trống hội bập bùng, vòng xòe đung đưa, chân đi nhịp nhàng, lòng người bối rối…Nơi đây, người con trai Thái vốn dòng thượng võ nên biểu tượng phô với dân làng khi sinh con trai là cánh cung. Con gái Thái vốn cần cù dệt vải ươm tơ, chắt chiu cần mẫn, cả đời lo cho chồng cho con, cho bố mẹ chăn lành, đệm ấm, bởi thế chiếc giỏ là biểu tượng về họ. Chiếc khăn piêu thêu dệt cầu kỳ là sức chứa, là tiếng nói về tâm hồn của người phụ nữ yêu thương say đắm, son sắt thuỷ chung, suốt đời xới vun cho tổ ấm gia đình...
   
  Mường Lay đang hiển hiện trước mắt chúng tôi đây, mà lạ lùng sao cứ như thực như mơ. Mường Lay xưa: Chỉ núi đầy trong mắt. Mường Lay nay: Núi, mây, nước biếc mênh mang, phố xá hiện hình, nhà sàn san sát soi mình xuống lòng hồ cùng bóng núi, bóng mây. Tôi bất giác thốt lên:
  - Đẹp quá. Mường Lay nơi đỉnh trời Tây Bắc!
   
  Bút ký của Nguyễn Uyển
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường Lay đỉnh trời Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO