Muốn không khí sạch phải có luật

14/10/2016 00:00

Hiện mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đã ở mức báo động, khiến người dân không khỏi lo lắng cho sức khỏe.

Người dân tại các đô thị lớn đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm
Người dân tại các đô thị lớn đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm

Kết quả đánh giá chất lượng không khí chuyên ngành cho thấy, các chỉ tiêu về bụi, các khí ô nhiễm, tiếng ồn ở mức đáng lo... Nồng độ bụi PM10, khí độc NO2 vượt quy chuẩn ngày càng xa.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở nhiều đô thị khá cao, ở mức 201-300. Theo thang đánh giá với tác động sức khỏe con người, nếu chỉ số AQI ở mức 51-200 thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài; với AQI trên 300 mọi người nên ở nhà. Chỉ số NO2 đo được ở các đô thị đang vượt ngưỡng giới hạn. Nồng độ NO2 trung bình các năm tại Hà Nội tăng 1-1,3 lần. Trạm quan trắc khu thương mại Quách Thị Trang (TP. HCM) ghi nhận đã vượt tới 2 lần. Việc khai thác than và nhiệt điện khiến chỉ số NO2 gấp 1,2 lần qua các năm ở Hạ Long (Quảng Ninh). Một số khu dân cư ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc chỉ số này tăng 1-1,5 lần - (Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015).

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn hiện đã ở mức báo động, khiến người dân không khỏi lo lắng cho sức khỏe.

Bụi, khí độc ngày càng vượt quy chuẩn

Bộ TN&MT ngày 29/9 đã công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015. Báo cáo có 10 chương thì đã dành một chương để nói riêng về không khí. Theo đó, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… hay các đô thị có công nghiệp phát triển mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi duy trì ở mức cao, đặc biệt là gần trục giao thông chính. Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua các chỉ số chuyên ngành cho thấy, số ngày ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ khá lớn. Các chỉ tiêu về bụi, các khí ô nhiễm, tiếng ồn ở mức đáng lo. Trong giai đoạn 2011-2016, ô nhiễm bụi tại đô thị lớn là vấn đề nổi cộm. Nồng độ bụi PM10, khí độc NO2 vượt quy chuẩn ngày càng xa.

Bà Hồng bán hoa quả tại đầu phố Hoàng Như Tiếp, giao với đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) đã nhiều năm nay than thở: “Tôi thấy đường phố Hà Nội ngày càng đông các phương tiện tham gia giao thông. Cách đây khoảng chục năm, đường Nguyễn Văn Cừ khá thoáng vì là đường to, nhưng gần đây, sao mà lắm xe cộ thế. Xe cộ đi lại nhiều đồng nghĩa với bụi bẩn tăng cao. Bộ quần áo sáng tôi mặc tối về ngâm vào chậu chỉ chốc lát là thấy chậu nước bẩn. Ngồi từ sáng tới chiều mặt tôi bụi bám dày, lấy tay lau thấy bẩn cả tay. Vì miếng cơm manh áo mà phải ngồi ngoài đường chứ hít khói bụi thế này ảnh hưởng tới sức khỏe lắm. Năm nay tôi chưa đến 60 đâu, nhưng thấy sức khỏe yếu hơn bà 70 tuổi hàng xóm, tôi hay bị ho, viêm họng, sức đề kháng kém, rất hay ốm vặt”.

Anh Trung Trực (phường 10 quận Gò Vấp. TP. HCM) thấy khổ sở vì nạn kẹt xe ở thành phố này chưa có cách nào giải quyết. Ngày nào, anh cũng phải mất 30 phút chỉ để lưu thông qua vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm vào giờ cao điểm do kẹt xe. Cảnh thường thấy tại vòng xoay này là các phương tiện giao thông nhích từng chút một, kéo dài trên quãng đường dài cả cây số. Anh Trực than thở: “Không khí ngoài đường đã ô nhiễm lại thêm nạn kẹt xe nên nhiều lúc thấy ngột ngạt vì thiếu không khí. Mùi xăng xe, rồi bụi bẩn, tiếng ồn từ các phương tiện giao thông tra tấn hằng ngày khiến đầu óc căng thẳng, cuộc sống vô cùng mệt mỏi. Tôi làm thêm một vài năm nếu tình trạng kẹt xe vẫn không thuyên giảm, tôi sẽ tìm chỗ làm mới, chứ cứ suốt ngày ngoài đường hít bụi bẩn thế này tiền kiếm được chẳng đủ chữa bệnh. Lo hơn nữa là tụi nhỏ cũng phải sống trong bầu không khí ô nhiễm. Đôi khi tôi thấy mình bất lực vì không thể cho người thân sống trong một môi trường trong lành, đảm bảo an toàn cho sức khỏe”.

Cần kiểm soát chất lượng không khí bằng luật

Theo nghiên cứu của các chuyên gia môi trường và y tế, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới đường hô hấp, tác nhân gây ra bệnh ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, rối loạn hành vi… Nhóm cộng đồng nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Theo TS.BS Đoàn Thị Phương Lan, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, (Hà Nội), thời gian gần đây số bệnh nhân về đường hô hấp tăng nhiều.

Sáng ngày 5/10 vừa qua, Trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội đo mức độ ô nhiễm không khí của một số quốc gia trên thế giới. Kết quả đo và phân tích không khí Hà Nội cho thấy không khí tại khu vực Sứ quán Mỹ ở phố Láng Hạ (Hà Nội) thuộc nhóm xấu, đứng thứ hai trong các thành phố ô nhiễm được đo. Thông tin này khiến người dân đang sinh sống tại Thủ đô rất lo lắng.

Tuy nhiên, GS.TS Phạm Ngọc Hồ - Viện trưởng Viện Tự động hóa và Môi trường cho rằng, kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo, bởi nếu chỉ dựa vào kết quả đo lường tại một thời điểm và một địa điểm thì không thể khẳng định chính xác mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Tuy nhiên, ông Hồ cho rằng, chúng ta cần có những giải pháp ngăn chặn để tình hình ô nhiễm không khí không đi theo chiều hướng xấu. Về giải pháp lâu dài, Chính phủ cần có nhiều nỗ lực đưa nước ta dần trở thành nước phát triển, còn về trước mắt, các bộ, ngành từ địa phương tới Trung ương phải tuân thủ đúng theo Luật Bảo vệ môi trường, có nghĩa là chúng ta phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát theo định kỳ một cách nghiêm ngặt. “Đừng có làm qua loa đại khái, đặc biệt là đừng có tiêu cực” - ông Hồ nhấn mạnh.

Còn theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thì cần thiết phải có Luật Không khí sạch để kiểm soát chất lượng không khí một cách tốt hơn. Luật này đã được nhiều nước xây dựng và khi có luật thì cá nhân, tổ chức, DN nào thải ra nhiều khí thải phải trả tiền để khôi phục, làm sạch không khí. Các bộ, ngành cũng có kế hoạch để quản lý không khí tốt hơn. Chính vì vậy, trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, Bộ TN&MT cho biết, sẽ kiến nghị với Quốc hội xây dựng Luật Không khí sạch.

Theo vov

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn không khí sạch phải có luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO