Mong ngóng từ vùng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh): Bài 1 - Trăn trở bên đại công trường

Đức Cảnh| 12/11/2019 12:55

(TN&MT) - Nguồn lợi về kinh tế từ khai thác mỏ sắt Thạch Khê mang lại có thể rất lớn, vậy nhưng, hệ lụy môi trường qua thực tiễn đang vang lên một hồi chuông cảnh tỉnh. Gần mười năm nhường đất để khai thác đã đẩy cuộc sống của hàng ngàn hộ dân rơi vào tình cảnh cùng cực, đủ để cảm nhận được và mất ở dự án này.

  1. Bao trùm nỗi lo

Trái ngược với không khí sôi động với những thành quả nổi bật trong mười năm xây dựng nông thôn mới (NTM), góp sức làm thay đổi cuộc sống, bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh là cảnh tượng đìu hiu vùng mỏ sắt Thạch Khê. Hàng ngàn hộ dân đang “vắt sức” mong ngóng được giải thoát khỏi sự “ràng buộc” do những hệ lụy từ dự án mỏ sắt được mệnh danh lớn nhất Đông Nam Á này mang lại.

Khu vực mỏ sắt đã được khai thác có độ sâu âm dưới 30m đang trở thành nỗi bất an của của người dân

Trong tiết trời giao mùa, con đường đầy cát dẫn về những hộ dân đang bám trụ trong vùng mỏ sắt không khác gì khung cảnh giữa sa mạc. Được mắt thấy, tai nghe mới thấu hiểu trăm cái khổ của người dân nơi đây đang gánh chịu, hậu quả bắt đầu từ khi triển khai dự án: Tụt mạch nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước do khai thác khiến cho cuộc sống bị đảo lộn; đất đai khô cằn, hoa màu trồng nhưng không có thu hoạch do những tác động trực tiếp và gián tiếp từ khai thác quặng; không có việc làm, bệnh tật hoành hành…

Nằm ở trung tâm của khu vực mỏ, xã Thạch Khê có 367 hộ dân bị ảnh hưởng, phải di dời, trong đó tập trung ở các thôn như Thanh Lan, Tân Phúc, Long Tiến nhưng việc giải quyết chính sách cho các hộ mới chỉ tính trên đầu ngòn tay. Ông Lưu Xuân Đồng- Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà không giấu được mệt mỏi khi nhắc tới quyền lợi: “Chính quyền và người dân đã kiên nhẫn chờ đợi gần mười năm nay rồi …!”.

Cảnh tượng đìu hiu tại khu du lịch bãi biển xã Thạch Hải sau khi địa phương thực hiện chủ trương nhường đất cho dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Theo ông Lưu Xuân Đồng, không dứt điểm bồi thường khiến người dân “đi không được, ở cũng không xong”. Đến nay mỏ sắt đã có một khoảng thời gian khai thác nhưng việc có tiếp tục hay dừng lại vẫn đang được cơ quan trung ương xem xét, người dân phải chờ đợi. Cuộc sống, tương lai của những hộ dân vùng mỏ vì thế cũng chỉ biết an ủi nhau sống tạm, mỗi lần trấn an nhân dân như vậy cũng hết sức phức tạp.

Dạo vòng quanh khu vực điểm khai thác, theo như chia sẻ của chính quyền thì xã Thạch Khê hiện có 50 hộ nằm ở sát moong mỏ luôn trong tình trạng bất an. Chứng kiến cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nơi ở tạm bợ, nước ngầm dùng sinh hoạt bị ô nhiễm mới cảm nhận được cuộc sống thực tại nơi đây. Nhưng đáng lo nhất có lẽ là các bờ bao ngăn nước quanh mỏ với diện tích đã được khai thác hàng chục hec ta đang bị san gạt dần, mất an toàn. Hàng ngàn m3 nước được tích trữ nơi đây có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Văn Yên, ở thôn Tân Phú, xã Thạch Khê cho biết: “Cuộc sống túng thiếu, những lao động trụ cột của gia đình rời quê tìm kiếm việc làm để có cái ăn, cái mặc. Ở nhà giờ chỉ có người già, trẻ nhỏ nếu lỡ có việc gì cũng chưa biết gọi ai. Từ ngày triển khai dự án mỏ sắt cuộc sống bị đảo lộn, kêu nhiều nhưng có thấy giải quyết được gì đâu, giờ chỉ mong muốn được như ngày xưa thôi”.

Theo như lộ trình Dự án mỏ sắt, thì đến năm 2017, riêng toàn bộ dân cư trong xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà cơ bản sẽ được di dời đến khu vực tái định cư nhưng gần như tất cả cũng mới chỉ triển khai trên giấy. Đứng trước tương lai rất mờ mịt, hàng trăm con em lao động đã lên đường ra Bắc, vào Nam để mưu sinh.

Công trình nhà Văn hóa xã Thạch Hải được đầu tư xây dựng trên nền cũ sau nhiều năm chờ đợi di dời nhưng không được thực hiện

Ông Bùi Đình Lâm- Phó chủ tịch UBND xã Thạch Hải tâm sự: “Từ khi dự án mỏ sắt đưa vào khai thác chưa thấy mang lại lợi ích mà chỉ chồng chất thêm nỗi lo. Nước bị ô nhiễm sắt nghiêm trọng, bệnh tật diễn biến phức tạp, cuộc sống bị đình trệ, thiếu thốn đủ bề kéo dài gần mười năm nay. Nói như vậy để thấy sức chịu đựng là quá đủ rồi, người dân giờ chỉ mong dừng dự án.”.

Ông Lâm cho cho biết thêm, từ năm 2017, xã Thạch Hải được “cởi trói” cho xây dựng NTM nhằm cải thiện đời sống nhân dân. Vậy nhưng, thế mạnh của phong trào này là huy động sức dân lại đang là nhược điểm của địa phương. Thiếu nguồn lực kinh tế thì đã rõ, nhân lực để triển khai cũng đang là mối lo khó giải quyết, phần lớn lực lượng đang bám trụ ở địa phương hiện nay chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.

“Vắt sức” người dân vùng mỏ…?

Để đưa vào khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ có gần 3.900 ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc được thu hồi, gần 6.000 hộ dân với khoảng 25 ngàn nhân khẩu bị ảnh hưởng. Vấn đề khiến chúng tôi hết sức băn khoăn khi tìm hiểu sự việc là dự án triển khai gây ra những hệ lụy về môi trường, bên cạnh là chính sách đền bù, tái định cư không được thực hiện như lời hứa khiến hàng ngàn hộ dân “đi không được, ở cũng không xong”, vậy người dân dựa vào đâu để sống, tiếp tục chờ đợi gần mười năm nay ?.

Trước vấn đề này, qua tìm hiểu được người dân chia sẻ vẫn phải bám trụ vào những thửa đất sản nông nghiệp mà đã nằm trong diện thu hồi. Thế nhưng, có một thực tế là những tác động từ khi mỏ sắt bắt đầu khai thác đã làm đất sản xuất dần bồi lấp, nước ngầm bị tụt, hệ thống thủy lợi không có nên hiệu quả đạt được chẳng đáng là bao.

Đất sản xuất khô cằn do thiếu nước sản xuất, bên cạnh việc khai thác mỏ sắt âm dưới 30 độ đã làm tục nước ngầm khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang

Về Thạch Đỉnh - Một trong những xã nằm trong vùng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) mới thấy nỗi cơ cực của người dân nơi đây. Nông nghiệp được gọi là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, trồng lúa là nguồn mang lại thu nhập chính nhưng cứ nhìn những cánh đồng bỏ không, thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài thửa lúa sống lay lắt thực sự cảm thấu.

Bà Hoàng Thị Thúy (59 tuổi), ở thôn Trường Xuân, xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà cho biết: Không có nước cho sản xuất nên hơn năm sào ruộng của gia đình mùa này đều bỏ hoang. Để có việc làm, lo cho năm miệng ăn bà đã chuyển toàn bộ đất sản xuất hoa màu sang trồng cây lúa, nếu thời tiết thuận lợi thì mới được thu hoạch”.

Người dân xã Thạch Khê quay trở về sản xuất hoa màu để mưu sinh

Bà Thúy giải thích cho phương án lạ này, hạn hán, không có nước cung cấp khiến đất ruộng giờ cứng không khác gì đá, muốn cải tạo cũng rất khó khăn, phải tiêu tốn nhiều công sức. Đất hoa màu dễ cải tạo hơn nhưng với thời tiết này cho lạc, đậu, rau xuống thì chết ngay, thay vào đó bà cũng như nhiều nông dân đã gieo lúa thay thế nhưng hiệu quả mang lại cũng chẳng là bao, nếu gặp trời mưa thì may ra năng suất đạt 1 tạ/sào.

“Làm ra hạt lúa rất vất vả nhưng ở độ tuổi như chúng tôi giờ muốn đi xin việc làm khác cũng rất khó, nên phải bám ruộng đồng. Đây cũng là tình cảnh của rất nhiều người dân nơi đây chứ không riêng gì bản thân tôi”, bà Thúy tâm sự.

Những trăn trở, từng nằm trong tốp đầu của huyện Thạch Hà về phát triển kinh tế, sở hữu nhiều lợi thế để phát triển quần thể du lịch, ông Bùi Đình Lâm - Phó Chủ tịch UBND Thạch Hải trò chuyện mà không giấu được những cảm nhận chua chát: “Giờ đây người dân xã Thạch Hải đang bị tụt hậu phía sau, thu nhập bình quân đầu người có nơi chỉ đạt 12 triệu đồng/năm. Xã có trên 1000 hộ dân thì 100% thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, giếng khoan bị ô nhiễm sắt không thể sử dụng”.

Nước ngầm bị ô nhiễm, cuộc sống của người dân xã Thạch Bàn nói riêng và người dân sáu xã vùng mỏ sắt đang hết sức lao đao tìm nguồn nước sinh hoạt

“Hiện dự án đang tạm dừng khai thác, chúng tôi chỉ mong sao các cấp quan tâm những vấn đề bức thiết, cho địa phương được thực hiện quy hoạch để cấp đất ở cho người dân, nâng cấp một số hạng mục, giờ làm gì cũng vướng quy hoạch. Bao nhiêu lần thất hứa với dân rồi, giờ dân chẳng còn niềm tin vào lời nói của chính quyền và dự án nữa mà phải chứng minh bằng việc làm cụ cụ thể ”, ông Lâm nói.

Rời Miền biển- Nơi có mỏ sắt được mệnh danh lớn nhất Đông Nam Á khi màn đêm buông xuống, con đường dẫn về trung tâm Hà Tĩnh cảm giác khó đi hơn thường ngày. Viễn cảnh về một dự án có tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng, với lời hứa biến Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành trung tâm công nghiệp được nghe ngày nào trong tôi đã phá sản, thay vào đó là những câu chuyện buồn những “tiếng thở dài” của người dân nơi đây.

Bài 2: Cần sớm tháo gỡ “rào cản” vùng quy hoạch

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong ngóng từ vùng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh): Bài 1 - Trăn trở bên đại công trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO