Môi trường đô thị chịu nhiều sức ép

20/07/2017 00:00

(TN&MT) - Chiều 20-7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016, chủ đề "Môi trường đô...

 

(TN&MT) - Chiều 20-7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016, chủ đề "Môi trường đô thị". Báo cáo đã khái quát tổng quan phát triển đô thị Việt Nam; đánh giá ô nhiễm môi trường không khí; nước; đất… phân tích những vấn đề môi trường đô thị nổi cộm và đề xuất giải pháp xử lý. Đặc biệt đề cập đến những sự cố môi trường nổi cộm trong năm 2016.

 

Tại buổi lễ công bố,  TS. Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết , để phát triển đô thị hóa bền vững cần xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật BVMT phải đi trước một bước. Tuy nhiên, đô thị hóa nước ta đang bị quá tải, tăng sức ép ở tất cả các măt hạ tầng kỹ thuật và hạ  tầng xúc điều đó dẫn đến nhiều vấn đề môi trường bức xúc. Đặc biệt là các đô thị ven biển đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại buổi lễ
Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: H.Minh

Ô nhiễm bủa vây

Trong các đô thị còn xảy ra thực trạng nhiều diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp, chuyển đổi; nhiều dự án quy hoạch diện tích dành cho công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích. Môi trường đất tại các khu đô thị có nguy cơ bị ô nhiễm do chịu tác động từ nước thải sinh hoạt, các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao. Riêng khí O3, NO2 đã có dấu hiệu ô nhiễm trong một số năm gần đây. Ghi nhận cục bộ tại một số thời điểm, ô nhiễm NO2 xuất hiện tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hạ Long và có xu hướng tăng.

Mức độ gia tăng chất thải,  nước thải tại đô thị ngày càng lớn. Trong khi đó tỷ lệ được xử lý đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp. Lượng nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý chỉ đạt 11%, có 42% đô thị trên tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Điều này tác động lớn đến chất lượng của các nguồn tiếp nhận. Hiện ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ, kênh rạch nội thành, nội thị vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề úng ngập tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng; Suy giảm mực nước dưới đất tại các đô thị khu vực đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở nên phổ biến…

Toàn cảnh lễ công bố
Toàn cảnh lễ công bố - Ảnh: H.Minh

Để giải quyết, khắc phục các vấn đề về môi trường đô thị, trước tiên cần ưu tiên các giải pháp nhằm từng bước khắc phục, giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm. Nhóm giải pháp tổng thể đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị bao gồm: hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị và quy hoạch đô thị gắn với phát triển bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường đô thị; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư tài chính đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường đô thị.

Bài học từ các sự cố môi trường

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 đã chỉ ra ra các vụ việc, sự cố về môi trường nghiêm trọng trong năm 2016. Điển hình như sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do nước thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Sự cố này đã gây ra những thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường. Đến nay, sau 01 năm kể từ khi xảy ra sự cố, Chính phủ và các địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng môi trường biển, hoạt động xả thải và việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty Formosa,

 Bên cạnh đó còn có  ô nhiễm nước sông Bưởi (Thanh Hóa) do nước thải sản xuất chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường; ô nhiễm nước sông Cẩm Đàn do khai thác khoáng sản chưa qua xử lý mà xả thẳng vào sông; cá chết diện rộng tại Hồ Tây; ô nhiễm môi trường do vỡ bể chứa bùn thải chì tại thị trấn Pác Miều (Cao Bằng); ô nhiễm môi trường KCN Tằng Lỏong (lào Cai), ô nhiễm do vỡ hồ chứa nước và bùn thải khai thác Titan tại Bình Thuận.

Những sự cố môi trường này đã cho các nhà quản lý bài học kinh nghiệm về kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó đối với các sự cố môi trường. Bảo vệ  môi trường phải bắt đầu từ việc giám sát, đánh giá đúng tác động tới môi trường của các dự án ngay từ khi xây dựng, phê duyệt các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường, cho đến việc đầu tư, tăng cường năng lực cho hệ thống giám sát, cảnh báo ô nhiễm và ứng phó với các sự cố môi trường đáp ứng yêu cầu thực tế.

TS Nguyễn Văn Tài khẳng định: Báo cáo sẽ là nguồn tư liệu hữu ích. Hỗ trợ các nhà quản lý hoahjc định chính sách trong quá trình lập kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường góp phần phát triển đất nước.

Linh Chi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường đô thị chịu nhiều sức ép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO